Kiên quyết xử lý nạn quảng cáo, tiếp tay cho “tín dụng đen”

Chủ Nhật, 29/04/2018, 09:09
Hoạt động cho vay nặng lãi đang diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều biến tướng bằng chiêu trò quảng cáo. Các nhóm đối tượng phát tờ rơi, treo dán quảng cáo cùng lời dụ dỗ ngon ngọt để người dân “sập bẫy”. 

Thời gian qua, nhiều gia đình ly tán bởi nợ nần vì không có khả năng chi trả. Công an các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao, núp bóng dưới dạng cho vay tiêu dùng hoặc doanh nghiệp cầm đồ.

Từ cuối tháng 3 đến nay, Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đã ra quân đồng loạt tẩy xóa, tháo gỡ các mẫu băng rôn quảng cáo, tờ rơi trên tất cả các tuyến đường, điểm công cộng, khu dân cư với nội dung cho vay tiền góp. Hơn 3.000 tờ quảng cáo dạng này bị tháo gỡ và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ người dân. 

Ông Trần Vĩnh Lộc (ngụ khóm 2, phường 2) phấn khởi: “Tôi thấy Công an làm công việc này rất tốt, vừa tạo mỹ quan đô thị và ngăn ngừa bà con đừng dính vào cái vòng cho vay nặng lãi”.

Bên cạnh việc tẩy xóa các tờ rơi, Công an TP Sa Đéc bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Khoảng 7h sáng 4-4, qua tin báo và hệ thống camera an ninh, Công an TP Sa Đéc phối hợp với Công an xã Tân Quy Tây bắt quả tang 3 đối tượng đang phát tờ rơi quảng cáo trái phép với nội dung cho vay tiền góp. 

Lực lượng chức năng thu giữ trên 500 tờ rơi với nội dung quảng cáo cho vay tiền góp và xử phạt mỗi đối tượng số tiền 350.000 đồng, cho làm cam kết không tái phạm.

Nhóm 3 thanh niên bị xử lý vì phát, dán tờ rơi cho vay tiền trái phép. 

Từ đầu năm 2018 đến nay, Công an TP Sa Đéc đã bắt, xử lý 10 vụ với 23 đối tượng về các hành vi treo, dán quảng cáo trên cột điện và phát tờ rơi quảng cáo có nội dung trên. 

Theo Công an TP Sa Đéc, hoạt động của các băng nhóm cho vay khá tinh vi, các đối tượng đưa ra những lời quảng cáo như: thủ tục nhanh gọn, có tiền ngay trong vài giờ, không cần thế chấp tài sản… 

Thậm chí, chúng còn chi hoa hồng cho người giới thiệu, từ đó không ít người nghèo, người gặp khó khăn về tài chính sập bẫy. “Ở xóm tôi có vài người vỡ nợ, bỏ gia đình đi nơi khác. Gia đình ly tán hết, còn bọn cho vay vác gậy gộc, mã tấu vô nhà hành hung, siết nợ”, ông Nguyễn Phước Thọ, ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông nói và đưa ra lời khuyên người dân tuyệt đối không nên dính vào hoạt động cho vay tiền kể trên. 

“Lỡ dính vào là không bao giờ trả hết nợ vì lãi suất quá cao. Ngành chức năng cần có biện pháp để xử lý triệt để tình trạng này”, ông Thọ nêu kiến nghị.

Trung tá Nguyễn Thành Hương, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy phân tích Công an TP Sa Đéc cho biết, hoạt động của các băng nhóm cho vay “tín dụng đen” chủ yếu đánh vào tâm lý người dân là cần tiền tiêu xài với các thủ tục đơn giản là có thể liên hệ vay tiền với lãi suất trả góp 20%/tháng và lãi nóng lên đến 40%/tháng. 

“Qua công tác nắm tình hình, rất nhiều người dân đã liên hệ vay tiền. Lãi suất quá cao, nhiều người không có khả năng chi trả phải bỏ trốn, kinh tế gia đình kiệt quệ”, Trung tá Hương nói. 

Công an TP Sa Đéc đã tập trung lực lượng khám phá, xử lý nghiêm hành vi cho vay lãi nặng lãi. Người dân cần chủ động hơn trong việc tố giác các hành vi của các băng nhóm liên quan đến hoạt động kể trên để cơ quan điều tra kịp thời đấu tranh, xử lý.

Đại tá Dương Anh Kiệt, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện nếu có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm, cơ quan Công an đề nghị rút giấy phép hoạt động. 

“Nhiều trường hợp vay tiền rơi nhiều vào các trường hợp cờ bạc, cần vay nóng với lãi suất 30%. Trong đó, người cho vay hưởng 15% lãi suất và người đi đòi tiền cho vay hưởng 15%. Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân cảnh giác”, Đại tá Dương Anh Kiệt nói.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp mới đây đã ký văn bản chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị xử lý nghiêm hoạt động cho vay nặng lãi. Các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu cho vay theo dạng “tín dụng đen” đủ yếu tố xử lý hình sự chuyển ngay sang Viện KSND cùng cấp đề nghị khởi tố để điều tra. 

Tại An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, lực lượng Công an cũng rà soát, tăng cường kiểm tra xử lý đối với các trường hợp vi phạm hoạt có dấu hiệu vi phạm, hoạt động ngành nghề kinh doanh cầm đồ, trá hình cho vay tiền với lãi suất cao.

Nghị định số 28/2017 ngày 20-3-2017 của Chính phủ quy định: Các hành vi quảng cáo, phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn xã hội, giao thông như: phát tờ rơi, treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, tại các giao lộ… tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt ở mức cao nhất lên đến 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa biết hành vi dán, phát tờ rơi không phép là vi phạm pháp luật nên nhận lời làm thuê, phát thuê tờ rơi tiếp tay cho hoạt động quảng cáo trái phép này.

NHƯ ANH
.
.
.