Chuyên chưa kể về việc "chinh phục" các đối tượng trong đường dây ma túy lớn nhất Việt Nam

Thứ Hai, 28/12/2015, 08:11
Trong quá trình hỏi cung, không ít lần các trinh sát chứng kiến và chia sẻ những giọt nước mắt muộn màng, hối hận của các bị can trong vụ án. Có những gia đình 3, 4 người thân gồm vợ, chồng rồi cả con đều tham gia mua bán trái phép chất ma túy… Bằng nhân tâm, họ đã cảm hóa đối tượng, giúp vụ án thành công.


Từ lời khai của Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Bích Ngọc và Lương Minh Tuấn đã tiêu thụ trót lọt 545 bánh heroin, 18kg ma túy dạng tinh thể đá, 80 nghìn viên hồng phiến… Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã có căn cứ ra lệnh bắt khẩn cấp và quyết định truy nã trong đường dây thứ nhất thêm 16 đối tượng. 

Tuy nhiên, sau 2 tháng điều tra, lực lượng phá án mới bắt được 8 đối tượng, trong đó có bị can Lương Minh Tuấn, là trợ thủ của Nguyễn Thị Hạnh; đối tượng Nguyễn Trọng Bình (người nhận ma túy của Sa Văn Cầu để vận chuyển từ tuyến Tây Bắc và Thanh Hóa về Hà Nội tiêu thụ) đã tẩu thoát; các đối tượng truy nã khác chưa thể bắt giữ được, nguồn tài liệu để mở rộng vụ án gần như không còn.

Sau khi nghiên cứu về hồ sơ cũng như đặc điểm tâm lý, điều kiện khả năng của từng bị can, các trinh sát đã chọn điểm khai thông bế tắc chính là Nguyễn Thị Hạnh, quê ở Mộc Châu, Sơn La, từ đó làm rõ về đường dây thứ hai do Sồng A Lâu và Nguyễn Hùng Dũng cầm đầu. Có thể khẳng định, việc hợp tác của Hạnh là thành công nổi bật nhất của chuyên án. 

Sau khi áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tại Hà Nội và Hòa Bình, lực lượng đánh án đã bắt giữ 6 đối tượng, thu của Nguyễn Duy Thắng 89 bánh heroin và 34 nghìn viên ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, do hầu hết các đối tượng đều biết hậu quả pháp lý phải gánh chịu nên hết sức ngoan cố, tìm mọi cách che giấu, trốn tránh trách nhiệm, không khai nhận các đồng phạm tham gia. 

Sau khi phân tích, đánh giá về vị trí, vai trò của từng đối tượng trong đường dây, quy luật vận chuyển, các trinh sát tập trung khai thác Nguyễn Duy Thắng. Tìm hiểu về nhân thân Thắng, các trinh sát nhận thấy Thắng là người sống rất tình cảm. Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Thắng đang vay Nguyễn Hùng Dũng một khoản tiền để sửa nhà. 

Hoàn cảnh của Thắng rất éo le… Bố Thắng cũng đang thụ án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy; em gái là Nguyễn Thị Thùy Dương, hiện đang học tại chức Đại học Ngoại thương Hà Nội, bị bắt về tội không tố giác tội phạm. Qua tâm sự, Thắng thổ lộ rằng, anh ta rất lo cho tương lai của em gái mình… Các trinh sát đã dành nhiều thời gian để nói chuyện, chia sẻ với Thắng. 

Cảm động trước tình cảm của cán bộ dành cho gia đình, Thắng đã thành khẩn khai báo đường dây thứ hai với hơn 30 đối tượng tham gia từ đầu năm 2011 đến ngày 13-7-2012, Thắng đã cùng đồng phạm vận chuyển, tiêu thụ 60 chuyển, tiêu thụ 60 chuyến, hơn 3 nghìn bánh heroin cùng hơn 260 nghìn viên hồng phiến và 17kg ma túy dạng tinh thể đá. Từ những thông tin thu thập được, các trinh sát đã đấu tranh, thuyết phục đối tượng Nguyễn Hùng Dũng, Hoàng Trường Giang và Đào Thị Loan thành khẩn khai báo.

Phiên toàn xét xử vụ án ma túy lớn nhất từ trước đến nay.

Kể lại với chúng tôi, quá trình tác động tâm lý, cảm hóa đối tượng Dũng, cán bộ Phòng PC47, Công an tỉnh Quảng Ninh nhớ lại: Trên cơ sở lời nhận tội của bị can, cơ quan Cảnh sát điều tra đã từng bước bóc gỡ toàn bộ đường dây thứ hai ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội… với quy trình khép kín, phân công vai trò rất chặt chẽ từ khâu mua gom ma túy ở bản Lũng Xá, Tà Dê (Sơn La) với tổng số 61 bị can, trong đó bắt 51 đối tượng, truy nã 10 đối tượng. 

Lời khai của Nguyễn Duy Thắng và Nguyễn Hùng Dũng về đối tượng Giang “Voi”, là Thanh tra viên Đội 1-01, Cục giao thông đường bộ Việt Nam, tham gia vận chuyển ma túy cho vợ chồng Tuân - Hiền. Do mâu thuẫn, thời gian đó vợ chồng Tuân, Hiền tách ra làm ăn riêng; đối tượng Giang thì mở cửa hiệu cầm đồ gần Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hòa Bình. 

Với tài liệu thu thập được, việc bắt khẩn cấp Nguyễn Hồng Giang là đủ căn cứ. Song vào thời điểm đó, các trinh sát chưa có tài liệu gì về vợ chồng Tuân - Hiền. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã bắt Giang “Voi”. Kết quả, Giang đã thành khẩn khai báo toàn bộ đường dây thứ ba do Nguyễn Thanh Tuân và Vũ Thị Thu Hiền cầm đầu. 

Từ tài liệu này, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp 15 đối tượng, truy nã 6 đối tượng có địa chỉ tại Hòa Bình và Lạng Sơn; làm rõ đường dây này tiêu thụ 540 bánh heroin. Trong đường dây thứ ba, các trinh sát đã nắm bắt mâu thuẫn giữa Giang và Hiền để làm rõ hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ của 4 đối tượng khác.

Đến giai đoạn này, đường dây thứ 4 bắt đầu được lộ rõ. Đường dây này do Nguyễn Ngọc Đoan cùng 6 đồng phạm người Lạng Sơn, Bắc Giang thực hiện. Các đối tượng cất giấu 610 bánh heroin trong các thùng hàng nông sản như quả vải khô, long nhãn, thanh long… để xuất sang Trung Quốc. Khi ma túy chất lượng kém, bị khách trả lại, bọn tội phạm lại cất giấu trong tủ lạnh, máy giặt để chuyển về Việt Nam. 

Xâu chuỗi các chứng cứ thu thập được, trong quá trình đấu tranh chuyên án, Ban chuyên án xác định con đường vận chuyển ma túy từ tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung sang Trung Quốc qua khu vực đường biên giới Lạng Sơn là con đường ngắn nhất. Trong đường dây này, vai trò của các đối tượng người Bắc Giang chưa thể hiện rõ nét. 

Thiếu tá Bình nhớ lại: Trước Tết Nguyên đán năm 2012, trong quá trình vào làm việc với bị can Đào Thị Loan, Thiếu tá Bình đã có sự động viên thăm hỏi kịp thời Loan. Qua tiếp xúc, Loan đã cung cấp cho điều tra viên những thông tin rất quan trọng về các đối tượng người Bắc Giang đã mua bán ma túy với số lượng lớn của đối tượng Tiến “Ái” người Mộc Châu, Sơn La. 

Từ thông tin này, lực lượng đánh án đã tiến hành đấu tranh với đối tượng Hoàng Văn Tiến. Tiến cho biết đã cùng Hằng “Đắc” cầm đầu đã tiêu thụ trót lọt hơn 23 nghìn bánh heroin, 215 nghìn viên hồng phiến cùng 4kg ma túy đá. Từ lời khai của Tiến, CQĐT lần lượt bắt khẩn cấp Trần Thu Hằng và 13 đồng phạm khác, ra quyết định truy nã 3 đối tượng, trong đó bắt và khám xét thu giữ của Hạnh 22 bánh heroin.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công, một cán bộ Phòng PC47, Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Tội phạm dù xảo trá đến đâu thì trước tiên họ cũng là một con người có yêu, có ghét. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết đánh trúng vào tâm lý, nhu cầu, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của họ...". 

Trong số đó phải kể đến trường hợp của bị can Nguyễn Thị Hạnh. Thời gian đầu, Hạnh chỉ khóc, việc ghi lời khai không có hiệu quả. Sau khi nắm bắt được việc bị can có nhiều uẩn khúc và rất thương con, các trinh sát đã gần gũi… Khi nghe bài hát “Nhật ký của mẹ" Hạnh bật khóc, sau đó bị can xin giấy bút để tường trình lại toàn bộ sự việc. Hay trường hợp của đối tượng Lê Ánh Tuyết, sau khi bị bắt đưa về cơ quan Cảnh sát điều tra cũng có ý định kết thúc cuộc đời mình. Nhưng rồi sự quan tâm của điều tra viên đã khơi dậy những khoảng sáng trong con người tội lỗi ấy. 

Bị can Nguyễn Duy Thắng tâm sự rằng: “Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng cán bộ Công an rất nghiêm khắc. Nhưng khi được tiếp xúc, tôi thấy cán bộ rất gần gũi. Nếu phải bị mức án cao nhất, tôi cũng chấp nhận và cảm ơn những gì cán bộ đã làm cho tôi”…

Xuân Mai
.
.
.