2.000 ngày truy tìm gã thợ ảnh buôn lậu sừng tê giác xuyên lục địa

Chủ Nhật, 26/06/2016, 09:10
Đầu năm 2008, Trần Văn Lập (SN 1960, trú tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị Công an TP.HCM bắt giữ khi hắn vừa vận chuyển trái phép 5 chiếc sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam.Lợi dụng việc được cơ quan tố tụng cho tại ngoại, Lập đã "lặn một hơi" mất tăm tích 6 năm liền, khiến TANDTC tại TP.HCM nhiều lần phải xử vắng mặt.

Tháng 6-2016 vừa qua, lực lượng CSHS Công an TP Hà Nội mới tìm ra hắn, khi mà Lập đang trong một hoàn cảnh rất bi đát…

1. Nếu như gặp lại Lập trong thời điểm hiện tại, nhiều người thân, bạn bè của hắn có lẽ khó mà có thể nhận ra chàng "lãng tử" ngày nào.

Trần Văn Lập tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25-8-2009.

Gần chục năm trước, tuy chỉ là một thợ chuyên chụp ảnh dạo ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) song Lập luôn thể hiện mình là người đàn ông "vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa". Lập thường ăn vận bảnh bao, mái tóc chẻ ngôi giữa bồng bềnh mang đậm chất "nghệ sỹ". Vật đổi sao dời, chỉ sau ít năm Lập nay đã trở thành một ông già tiều tụy, nhớ nhớ quên quên. Cơn tai biến mạch máu não đã lấy đi tất cả sức khỏe của ông ta, một nửa người đã bị liệt. Ít ai nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn, "lãng tử" Hà thành lại có cái kết cục "lãng nhách" như thế.

Trần Văn Lập sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá "cơ bản". Tuy trình độ học vấn có hạn (8/10 phổ thông), song Lập lại có nhiều tài lẻ. Hát hay, đàn khá,  Lập được nhiều cô gái đem lòng mến mộ. Và bản thân Lập đã trải qua hai đời vợ. Thời thanh niên, Lập xin được một chân bán vé tàu điện. Khi xí nghiệp tàu điện giải thể, Lập đành sắm máy ảnh gia nhập đội quân chụp ảnh dạo ở Bờ Hồ. Nếu như Lập cứ bằng lòng với công việc này, thì có lẽ đã không xảy ra cơ sự…

Giữa năm 2007, vợ Lập bỗng dưng thấy chồng đùng đùng bỏ nghề, rồi bảo sẽ "ra nước ngoài làm ăn". Lập vay mượn tiền nong, mua hàng hóa rồi biến mất. Sau chừng nửa năm xuất ngoại, gia đình bàng hoàng khi nghe tin Lập bị công an TP.HCM bắt về hành vi buôn lậu 5 chiếc sừng tê giác, trị giá trên thị trường hàng chục tỷ đồng.

Số sừng tê giác do Trần Văn Lập vận chuyển về Việt nam bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ (ảnh: tuoitre.vn).

Qua nhiều phiên xét xử, Lập bị kết án 3 năm tù giam. Tuy nhiên, lợi dụng việc cơ quan tố tụng cho tại ngoại, Lập đã trốn mất. Nhiều đơn vị như Công an TP. HCM, Cục CS truy nã tội phạm (C50) Bộ Công an… đã nhiều lần truy lùng đối tượng, song không có kết quả.

Đầu tháng 6-2016, qua sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ (đặc biệt là phòng Cảnh sát truy nã tội phạm), các trinh sát hình sự công an TP Hà Nội nhận được thông tin Lập đang có mặt tại Hà Nội. Khẩn trương xác minh, cơ quan điều tra có cơ sở để xác định Lập hiện đang có mặt tại một trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Bí mật tiếp cận trung tâm này, các trinh sát đã tìm ra đối tượng buôn lậu gần 20kg sừng tê giác 8 năm về trước.

2. Trở lại vụ án từng gây xôn xao dư luận đầu năm 2008.

Chiều 3-1-2008, chuyến bay khởi hành từ Nam Phi quá cảnh tại Singapore đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Một người đàn ông khệ nệ đẩy chiếc vali khá lớn đến bàn làm thủ tục nhập cảnh. Cán bộ hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện năm chiếc sừng được gói ghém cẩn thận trong lớp giấy bạc, bên ngoài nêm chặt xốp. Chủ của chiếc vali được làm rõ là Trần Văn Lập.

Trần Văn Lập thời điểm bị CSHS bắt giữ tháng 6-2016.

Tại cơ quan điều tra Lập khai, năm 2007 khi ông ta đang hành nghề chụp ảnh dạo tại Bờ Hồ thì gặp một người đàn ông nước ngoài. Sau khi chụp vài shot hình, người đàn ông đó bật mí rằng có mối đi săn tê giác tại Nam Phi, và rủ Lập tham gia. Chẳng biết người đàn ông ngoại quốc "hót" những gì, mà Lập vội vàng đồng ý. Lập nhanh chóng làm thủ tục xuất ngoại.

Trước khi đi, Lập vay được 10.000 đô la Mỹ giắt lưng. Đồng thời ông ta còn mang theo nhiều tranh đá quý, đồ thủ công mỹ nghệ để bán cho đại gia nước sở tại, nhằm lấy tiền trang trải cho chuyến đi.

Khoảng tháng 8-2007, Lập xuất cảnh ra nước ngoài qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Lập được một người ngoại quốc tên Tony đón tại sân bay rồi đưa về một trang trại tư nhân tại quận Jager Fonban, tỉnh Free state. Làm thủ tục với chính quyền nước sở tại, Lập xin được giấy phép săn bắn và xuất khẩu thú săn tại Nam Phi.

Chẳng biết tập bắn bao giờ song chỉ trong vòng 2 tuần lễ, Lập đã hạ được 2 con tê giác trắng, mỗi con có 2 sừng, nặng vài kg/chiếc. Mỗi con tê giác bị bắn hạ, Lập phải trả cho chủ trang trại 10.000 đô la Mỹ. Lập cũng "xoay" được giấy phép xuất khẩu những chiếc sừng này. Ngoài ra Lập còn mua thêm 1 chiếc sừng khác, với giá khoảng 2000 USD.

Tháng 1-2008, Lập mang 5 chiếc sừng tê giác này về Việt Nam qua cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên Lập không khai báo trên tờ khai nhập cảnh. Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính, tiến hành tạm giữ số sừng tê giác trên.

Được biết theo quyết định của Bộ NN&PTNT thì các mẫu vật sống và các chiến lợi phẩm sau khi săn bắn loài tê giác trắng Nam Phi được phép buôn bán quốc tế như mẫu vật, có đủ điều kiện tham gia buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã theo quy định của công ước CITES (mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1994). Tuy nhiên, việc nhập số sừng tê giác trắng từ Nam Phi vào Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu là vi phạm vào nghị định 82/2006/NĐ- CP về quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu các loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Do vậy hành vi của Lập là vi phạm pháp luật. Lập bị cơ quan công an bắt giữ, điều tra về hành vi buôn lậu. Qua giám định, số hàng hóa này có trọng lượng gần 18 kg, trị giá trên 5,3 tỷ đồng.

Ngày 25-8-2009, TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Văn Lập về tội "Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới". Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM thay mặt HĐXX nhận định, bị cáo chỉ phạm tội đối với một sừng tê giác (mua của người bản địa), còn 4 sừng khác đã có giấy phép mua bán, xuất khẩu của Nam Phi. Từ đó, HĐXX chỉ phạt Trần Văn Lập mức án đúng bằng thời gian tạm giam là 1 năm 2 tháng 20 ngày tù (trong khi VKS đề nghị từ 8 đến 10 năm tù).

Không chấp nhận bản án này, VKSND TP.HCM kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm xét xử lại theo hướng buộc Lập phạm tội với cả 5 sừng tê giác và tăng hình phạt đối với bị cáo.

Ngày 7-1-2010, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM cho rằng nhận định của cấp sơ thẩm là không đúng với quy định của pháp luật, bỏ lọt tội phạm. Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án trên, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại. Ngày 30-7-2010, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ án buôn lậu của Trần Văn Lập. HĐXX tuyên bố bị cáo phạm tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tuyên phạt Lập 3 năm tù. Cùng ngày Lập có đơn kháng cáo.

Tháng 6-2011, TAND Tối cao tại TP HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án, tuy nhiên Lập không có mặt tại phiên tòa. Trước đó, tháng 3-2011, tòa phúc thẩm đã ra lệnh bắt tạm giam Trần Văn Lập, tuy nhiên chưa bắt được. Do vậy Hội đồng phúc thẩm đã xem xét và ra quyết định xử vắng mặt Lập theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, HĐXX căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, kết luận bị cáo Lập đã vận chuyển trái phép sừng tê giác. HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Lập, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên.

Ngày 27-9-2012, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra quyết định truy nã đối với Trần Văn Lập.

3. Khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm, Lập cho biết vì muốn mua sừng tê giác để chữa bệnh cho bố mẹ, nên ông ta mới đồng ý theo người đàn ông ngoại quốc sang Nam Phi. Lập cũng cho rằng mình không phạm tội bởi đã được phép của quốc gia sở tại đồng ý cho mua bán, xuất khẩu sừng tê giác. Mặt khác, khi quá cảnh tại Singapore, không thấy Hải quan nước này yêu cầu khai báo nên về đến Việt Nam nghĩ cũng như vậy. Dĩ nhiên lập luận của ông ta đã bị Cơ quan điều tra cũng như Hội đồng xét xử bác bỏ.

Thay vì việc phải chấp hành pháp luật, Lập đã biến mất khỏi TP.HCM. Ông ta liên tục di chuyển qua nhiều địa phương để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Cho đến cuối năm 2012, Lập bị một cơn tai biến và phải cấp cứu. Lúc này chỉ còn mấy người anh em trong gia đình có mặt chăm sóc ông ta. Điều trị tại bệnh viện Bạch Mai một thời gian, gia đình không có khả năng chu cấp nữa, đành liên hệ với Trung tâm bảo trợ xã hội 3 để đưa Lập vào.

Thượng tá Ngô Văn Đáp, điều tra viên phòng CSHS cho chúng tôi biết, sau khi phát hiện ra Trần Văn Lập đang ở Hà Nội, đơn vị đã tiến hành phối hợp với Công an TP HCM, ra lệnh bắt đối tượng theo lệnh truy nã. Tuy nhiên, tình cảnh của Lập như thế, cũng không đành...

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc bắt đối tượng truy nã, Thượng tá Đáp một mặt xin ý kiến của lãnh đạo phòng CSHS, mặt khác làm việc với trung tâm bảo trợ xã hội để xác định tình trạng hiện tại của Lập. Ông ta vẫn có thể nhận thức được nhưng khả năng giao tiếp và đi lại khó khăn, các hoạt động cá nhân phải có sự hỗ trợ của người khác. Do đó cơ quan công an không áp dụng các biện pháp ngăn chặn mà tiếp tục giao cho Trung tâm bảo trợ xã hội III TP Hà Nội quản lý và phối hợp để thông tin kịp thời di biến động của đối tượng.

Minh Tiến
.
.
.