Nếu không bắt đầu thì du lịch không thể mở lại được
Chiều 28/9, Chương trình du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 chính thức khởi động với sự hưởng ứng của đông đảo các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để phục hồi phát triển du lịch mà vẫn đảm an toàn cho cả du khách, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt đã trở thành mối quan tâm, thậm chí lo lắng nhất của doanh nghiệp. Ngay trước lễ phát động, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có trao đổi thẳng thắn với báo chí về vấn đề này.
PV: Theo đánh giá của ông thì triển khai chương trình du lịch nội địa toàn quốc vào thời điểm này đã thích hợp chưa? Khi triển khai sẽ gặp những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
Ông Vũ Thế Bình: Đây là việc cần phải làm. Vấn đề là chúng ta chưa làm rõ, thống nhất được khái niệm du lịch an toàn. An toàn hiện nay phải đi vào tất cả các khâu của hoạt động du lịch. Ví dụ đi là phải đi an toàn. Ở là phải ở chỗ an toàn. Các dịch vụ cũng phải an toàn, gặp gỡ những người an toàn và đến thăm những điểm an toàn. Từng cơ chế này phải được thể hiện rõ ra bằng những tiêu chí cụ thể. Vấn đề là chúng ta phải từng bước hoàn thiện tiêu chí.
Khó khăn của chúng ta hiện nay là nhận thức. Có nhiều địa phương rất tích cực triển khai hoạt động du lịch, coi du lịch là công cụ để khôi phục kinh tế, nhưng nhiều địa phương không ủng hộ việc này. Vấn đề quan trọng bây giờ là chúng ta phải hiểu khái niệm "vùng xanh" như thế nào? "Vùng xanh" ở đây phải là điểm nhỏ nhất về an toàn ở trong một địa bàn nhất định. Có thể một phường, một xã, một phố an toàn, một ngôi chùa an toàn là đi thăm được. Triển khai chương trình này rất vất vả, vì chưa thống nhất được nhận thức, chưa thống nhất được với nhau trong các hoạt động của ngành. Nhưng nếu không có mở đầu thì khó có thể giải quyết được những việc đó.
PV: Một số địa phương đã bắt đầu mở cửa du lịch nội tỉnh. Ông đánh giá việc này như thế nào, có góp phần tạo đà cho du lịch hoạt động trở lại trên toàn quốc hay không?
Ông Vũ Thế Bình: Du lịch an toàn không có nghĩa là chỉ đi trong địa phương đấy. Nếu địa phương bên cạnh an toàn thì chúng ta cũng có thể đi. Trong du lịch không có khái niệm ranh giới giữa tỉnh nọ và tỉnh kia mà chỉ có giới hạn các vùng an toàn. Vì vậy chúng ta mới có khái niệm “bong bóng du lịch”. Đó chính là con đường nối các vùng an toàn lại với nhau. Triển khai chương trình này là cụ thể hoá những khái niệm "bong bóng", khái niệm về "vùng xanh", "con đường xanh" bằng những đoàn khách cụ thể.
PV: Theo ông, du lịch khởi động lại sau một thời gian dài chìm lắng thì sẽ gặp những khó khăn nào?
Ông Vũ Thế Bình: Lực lượng làm du lịch đã sứt mẻ quá nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch chỉ còn một lực lượng rất nhỏ. Đấy chính là khó khăn nhất. Ấn tượng về sự không an toàn trong đại dịch cũng ảnh hưởng lớn đến chuyện người dân có đủ dũng cảm để đi du lịch và đến một chỗ mà họ có yên tâm là an toàn hay không? Nhưng tôi nghĩ, nếu không có bắt đầu thì hoạt động du lịch không thể mở lại được. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch sẽ phát động lại, làm lại, tạo điều kiện để mọi người quen đi với khái niệm an toàn mới. Đó là vấn đề đi du lịch nhưng lúc nào cũng an toàn.
Chúng tôi xác định khôi phục du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về quan điểm an toàn của khách, quan điểm về an toàn của địa phương khác nhau, thể hiện bằng chính sách của các địa phương khác nhau. Vấn đề vận chuyển cũng vô cùng khó khăn. Hiện nay, hàng không chưa có những chuyến bay nội địa bình thường. Nhưng khi khởi động chương trình này, chúng tôi biết hàng không đã trình các phương án để mở lại đường bay nội địa. Thậm chí các doanh nghiệp du lịch đã bàn với nhau là sẽ dùng các chuyến bay riêng để bay từ tỉnh nọ đến tỉnh kia.
Nhưng theo tôi thì trước tiên hãy du lịch nội địa bằng các phương tiện đường bộ, đi bằng xe riêng của mỗi người. Gần đây, chúng tôi phát triển loại hình du lịch canavan bằng xe tự lái. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người. Kể cả các điểm đến cũng cảm thấy an toàn hơn, vì họ không thấy những đoàn đến ào ạt rất đông mà đến bằng những chiếc xe nhỏ. Tóm lại, tuỳ các điều kiện mà chúng ta có những giải pháp để khắc phục. Bình thường thì đi đoàn đông, khi khó khăn thì đi xe nhỏ. Như thế, lúc nào du lịch cũng có thể phát triển được.
PV: Hiện tại, Hiệp hội đã lựa chọn điểm nào để khởi động chương trình chưa, thưa ông?
Ông Vũ Thế Bình: Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh… Trước tiên, du lịch sẽ đến với những địa phương đã sẵn sàng đón khách. Ngay trong lễ phát động ngày 28/9 ,đã có 25 hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố đã tham dự, cam kết triển khai. 11 Sở quản lý du lịch của các tỉnh cũng có mặt. Tất nhiên chúng tôi cũng phải chọn lựa địa phương nào có đủ điều kiện thì sẽ triển khai trong đợt đầu. Địa phương nào chưa đủ điều kiện thì triển khai đợt sau.
PV: Ông đặt kỳ vọng gì về chương trình này?
Ông Vũ Thế Bình: Kỳ vọng đầu tiên là chúng ta sẽ thống nhất được các khái niệm mới trong du lịch. Trong đó, du lịch an toàn là nội dung bắt buộc và phải chuyển tải nội dung này trong tất cả các hoạt động lớn, nhỏ của du lịch. Đây là điều rất khó vì thay đổi từ nhận thức đến hành động của hàng triệu người làm du lịch không phải dễ. Thông qua các hoạt động thực tế, các địa phương sẽ tìm ra sự thống nhất, sự đồng thuận về du lịch an toàn, các điểm xanh, con đường xanh. Như vậy, khái niệm về liên vùng, liên ngành mới thực chất hơn. Đây cũng là nhiệm vụ mà chương trình cần phải làm. Chúng tôi cũng mong muốn, chương trình tạo được thói quen cho người Việt về đi du lịch an toàn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất.
Phóng viên: Xin cảm ông!