Làm gì để đón khách du lịch an toàn, hiệu quả?

Thứ Bảy, 25/09/2021, 14:15

Khôi phục hoạt động du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay nhằm giúp du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch là việc cấp thiết. Nhưng làm thế nào để đón khách an toàn mà vẫn hiệu quả là lo lắng chung của nhiều người làm du lịch.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã dừng hẳn hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại, nếu muốn phục hồi thì phải đồng lòng, cùng tìm ra giải pháp liên kết để đón khách du lịch trở lại.

Hiện nay, chủ trương phục hồi du lịch quốc tế đang dần trở thành hiện thực với việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, dù rằng, do dịch bệnh, kế hoạch này có thể sẽ triển khai muộn hơn so với dự kiến. Vì vậy, cần tính tới khôi phục du lịch nội địa.

“Khôi phục du lịch quốc tế phải phụ thuộc vào các nước khác và không phải địa phương, doanh nghiệp nào cũng tham gia được. Trong khi đó, người dân ở 1 số trung tâm du lịch lớn đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và ngày càng nhiều địa phương được tiêm vaccine hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để khôi phục du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa một cách rộng rãi”,  ông Phùng Quang Thắng phân tích.

Làm gì để đón khách du lịch an toàn, hiệu quả? -0
Khôi phục hoạt động du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn 

Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, hiện nay, khôi phục hoạt động du lịch nhưng phải phải đảm bảo an toàn. Những người làm du lịch phải kết nối lại với nhau và phải kết nối các điểm đến an toàn, kết nối các dịch vụ an toàn để tạo thành chuỗi sản phẩm, chương trình du lịch an toàn cho du khách. Muốn du lịch an toàn thì phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí nhất định về tiêm vaccine ngừa COVID-19, phải tính toán khi nào cần xét nghiệm PCR, khi nào cần test nhanh, khi nào không cần không xét nghiệm? Đi trong nội tỉnh hoặc ngoại tỉnh thì cần điều kiện gì? Lữ hành nắm chắc đâu là vùng xanh, đâu là vùng đỏ, cam và yêu cầu của từng địa phương như thế nào… Như thế, du lịch phải có sự kết nối, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, các địa phương.

Đồng quan điểm cần cấp thiết khôi phục hoạt động du lịch, nhưng ông Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Giám đốc Công ty Du lịch Pattours lại chỉ ra nhiều vướng mắc. Cụ thể, du lịch đi theo tuyến định trước nhưng quy định vùng đỏ, vùng xanh, vùng vàng chỉ mang tính tạm thời. Nếu đoàn đoàn đang đi tour mà điểm đến phát hiện có F0 trong cộng đồng thì dễ chuyển từ vùng xanh chuyển sang vùng đỏ, vùng cam. Như thế, quy định của địa phương cũng thay đổi. Chưa kể, lữ hành giữ vai trò kết nối và kiểm soát an toàn của chuỗi dịch vụ cung ứng cho khách, từ điểm đến, nhà hàng, khách sạn lưu trú…

Làm gì để đón khách du lịch an toàn, hiệu quả? -0
Ảnh minh hoạ: Thị trường nội địa vẫn là quan tâm hàng đầu của đông đảo doanh nghiệp du lịch hiện nay

Trước đây, lữ hành dựa vào uy tín của các đơn vị cung cấp dịch vụ để đánh giá về chất lượng khi lựa chọn, nhưng kiểm soát an toàn ở các nơi là thách thức lớn. Vì vậy, cần có những tiêu chí nhất định đối với các thành phần tham gia vào chuỗi dịch vụ và cơ quan quản lý tại địa phương sẽ kiểm soát, công bố công khai đơn vị nào được tham gia. Về bảo hiểm du lịch cho khách cũng còn bất cập. Hiện nay, khách du lịch đi nước ngoài đã có bảo hiểm COVID-19 nhưng ở trong nước thì chưa có hoặc cho mua bảo hiểm nhưng chỉ trả bảo hiểm trong trường hợp khách du lịch chết và phải chứng minh được nhiễm COVID-19 trong quá trình đi du lịch…

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng nhận định, du lịch an toàn, kết nối các vùng xanh với nhau nhưng kết nối như thế nào là cả một vấn đề. Bởi lẽ, có thể cùng là vùng xanh nhưng mỗi địa phương áp dụng biện pháp chống dịch khác nhau, quy định cũng khác nhau. Nếu không đồng bộ thì rất khó làm du lịch.  

Cũng theo ông Bùi Văn Mạnh, trước mắt, nên thí điểm khôi phục du lịch an toàn tại 1,2 địa phương, trên cơ sở đó mới quyết định mở rộng dần. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch chủ trì để các địa phương phối hợp với nhau, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí chung về du lịch an toàn, điểm đến an toàn, có sự thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương. Khi có bộ tiêu chí chung, thống nhất, các địa phương sẽ ký kết hợp tác, cùng triển khai. Nếu làm không đồng bộ, chỉ có Hiệp hội Lữ hành thì rất khó khôi phục hoạt động du lịch an toàn.

Về vấn đề này, bà Lê Thu Thảo, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen cũng cho hay, sau 3 đợt dịch bùng phát, đến lần thứ 4 này, các doanh nghiệp đã “sức cùng lực kiệt”. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực quảng bá của các doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ, phối hợp quảng bá tích cực hơn từ cơ quan quản lý. 

Hoa Nguyễn
.
.
.