Nhật Bản nới lỏng chính sách nhập cảnh từ 1/3:

Mở cánh cửa cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam

Thứ Hai, 21/02/2022, 08:06

Diễn biến dịch COVID-19 phức tạp suốt 2 năm qua, cùng chính sách siết chặt nhập cảnh của một số thị trường lao động ngoài nước lớn đã khiến cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam phải mỏi mòn chờ đợi.

Tính đến hết tháng 12/2021, riêng thị trường lao động Nhật Bản đã có đến 55.000 lao động chờ bay. Trong đó có không ít người đã mòn mỏi chờ đợi một quãng thời gian dài, nhiều người thậm chí đã chán nản đến mức muốn bỏ cuộc. Tuy vậy, thông tin phía Nhật Bản sẽ nới lỏng, cho phép lao động nước ngoài (trong đó có lao động Việt Nam) được nhập cảnh từ tháng 3 tới đây đã mở ra cánh cửa hy vọng cho mong muốn chính đáng được ra nước ngoài làm việc của hàng chục nghìn lao động Việt Nam.

Mong sẽ sớm được bay

Trúng tuyển đơn hàng đóng gói thực phẩm từ giữa năm 2020, đồng thời cũng đã hoàn thành đào tạo, theo đúng lộ trình thì chị Nguyễn Thúy Hạnh (Phú Xuyên, Hà Nội) được xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc vào cuối năm 2020. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà gần 1 năm rưỡi qua, chị Hạnh vẫn chưa thể xuất cảnh.

“Cuối năm 2020, những tưởng có thể bay được thì xuất hiện biến chủng COVID-19 mới, phía Nhật Bản đóng cửa các đường bay. Gần như cả năm 2021 cứ ngồi mỏi mòn chờ đợi, nhưng liên tiếp các làn sóng dịch lớn diễn ra nên không có tín hiệu nào cho thấy có thể bay được. Đến đầu tháng 11/2021, có thông tin Nhật Bản mở cửa trở lại, cho phép lao động được nhập cảnh. Cả nhà ai cũng mừng vì nghĩ là tôi đã có thể đi sau một thời gian dài chờ đợi nhưng vui chưa được bao lâu lại hụt hẫng vì chỉ sau đó 1 tháng phía Nhật Bản lại thông báo đóng cửa do xuất hiện biến chủng mới Omicron. Hy vọng lần này mọi việc sẽ suôn sẻ, bởi mọi thứ với chúng tôi chỉ cách một chuyến bay”, chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hạnh cho biết thêm, do visa lần trước phải chờ đợi quá lâu nên đã hết hạn, chị đang liên hệ với phía công ty phái cử đến hoàn thành thủ tục xin cấp visa mới. Đồng thời, hiện chị đã tiêm đủ 3 mũi vaccine đáp ứng quy định từ phía Nhật Bản.

Khác với trường hợp của chị Hạnh, anh Lê Văn Tân (Yên Khánh, Ninh Bình) còn sốt sắng hơn với “cánh cửa hy vọng” lần này bởi theo anh Tân, nếu lần này không suôn sẻ, đồng thời dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì “cơ hội” cho anh được sang Nhật Bản lao động sẽ đóng lại.

“Theo quy định của Nhật Bản, tuổi của tôi chỉ còn 1 năm để được nhập cảnh vào Nhật Bản làm việc. Trong khi đó, chờ đợi gần 2 năm qua thật sự mệt mỏi. Nhiều lúc cũng đã muốn bỏ ngang nhưng tiếc công sức, tiền bạc học hành nên vẫn cố đợi. Nếu không sớm được bay thì hết cơ hội”, anh Tân cho biết. Anh Tân trúng tuyển đơn hàng xây dựng từ đầu năm 2020, hoàn thành thủ tục tưởng sẽ được xuất cảnh tháng 8/2020 nhưng chính sách hạn chế nhập cảnh từ phía Nhật Bản mà anh bị kẹt lại đến nay. Tháng 11/2021, Nhật Bản thông báo mở cửa cho lao động nước ngoài được nhập cảnh trở lại, đang tất tả liên hệ để làm lại visa thì phía Nhật Bản lại thông báo đóng cửa khiến anh mất ăn mất ngủ. Mong muốn lớn nhất của anh Tân hiện nay cũng chỉ là được bay sớm nhất có thể.

1.jpg -0
Hiện có 55.000 lao động Việt Nam chờ bay sang thị trường Nhật Bản.

Nhiều thị trường có thể sẽ sớm mở lại

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, việc Chính phủ Nhật Bản nới lỏng chính sách nhập cảnh cho người nước ngoài sau một thời gian dài siết chặt để phòng chống dịch COVID-19 đợt này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho một trong 3 thị trường lớn nhất hiện nay. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo thông báo từ phía Nhật Bản, từ giữa tháng 2, Nhật Bản mở cửa với visa kinh doanh ngắn hạn và những du học sinh tự túc sắp sửa kết thúc khóa học, cần dự lễ tốt nghiệp... Số lượng nhập cảnh trong giai đoạn này được giới hạn khoảng 1.000 người/ngày và sau đó sẽ tăng dần theo từng giai đoạn.

“Từ ngày 1/3, Nhật Bản sẽ gỡ bỏ lệnh cấm cho tất cả các loại visa khác nhập cảnh, bao gồm cả các visa như thực tập sinh, du học sinh lần đầu nhập cảnh. Giai đoạn này, số lượng nhập cảnh có thể lên đến 5.000 người/ngày. Các đối tượng ưu tiên xét nhập cảnh trong giai đoạn này là nhà nghiên cứu, kỹ sư và người lao động mang lại lợi ích cho cộng đồng”, bà Trịnh Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên tryền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, các thủ tục nhập cảnh cũng sẽ được tối giản một cách tối đa để tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể nhập cảnh và bắt đầu công việc, học tập tại Nhật Bản. Cụ thể, sẽ không yêu cầu phải xin và nộp bản kế hoạch hoạt động sau khi nhập cảnh. Mà chỉ cần cơ quan tiếp nhận (công ty, trường học…) nộp đơn bảo lãnh, các thủ tục cũng sẽ được thực hiện online trước ngày nới lỏng nhập cảnh 1/3. Thời gian cách ly sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản, bất kể là người Nhật hay người nước ngoài, việc cách ly tại nhà có thể giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Về nguyên tắc là 7 ngày, trường hợp tính đến ngày thứ 3 xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ không cần cách ly tiếp.

Những người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và nhập cảnh từ quốc gia được coi là không bùng dịch sẽ được miễn cách ly. Sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính tại sân bay, trong vòng 24 giờ có thể sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển về nhà để thực hiện cách ly tại nhà. Những người nhập cảnh từ quốc gia có tình trạng lây nhiễm lan rộng phải cách ly tại một cơ sở do chính phủ chỉ định từ 3 đến 6 ngày, tùy thuộc vào tình hình lây nhiễm ở quốc gia đó. Từ tháng 3, điều này sẽ được giảm xuống còn 3 ngày. Riêng trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vaccine có thể được cách ly tại nhà thay vì tại cơ sở chỉ định.

“Chúng tôi đã thông báo các quy định để được nhập cảnh vào Nhật Bản đến các doanh nghiệp phái cử đến các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất cho người lao động. Cục cũng sẽ có những hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động. Thị trường Nhật Bản hiện nay đang có 55.000 lao động đang chờ bay. Trong đó có 7.600 lao động đã hết hạn visa, 28.000 người đã có tư cách lưu trú ở Nhật Bản đang chờ xin visa và còn 18.000 lao động đã trúng tuyển ở phía Việt Nam và đang học tập, đào tạo đợi thi trúng tuyển các đơn hàng.

Cùng với đó, qua việc tiêm chủng mở rộng, các nước có những chính sách nới lỏng việc kiểm soát phòng chống dịch COVID-19. Như vậy, các thị trường sẽ được xem xét mở lại. Khả năng thị trường lao động các nước mở ra thì Cục sẽ có hướng dẫn các doanh nghiệp đưa người lao động đi được làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới”, bà Trịnh Vân Hà cho biết thêm.

Phan Hoạt
.
.
.