Chuyển đổi số tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế

Thứ Năm, 26/05/2022, 07:56

Kinh tế số tạo ra dư địa phát triển mới của Việt Nam. Bởi, dữ liệu số là đầu vào của nền kinh tế do con người tạo ra chứ không phải dựa vào tài nguyên...

Theo ước tính của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%. Điều đó cho thấy, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng.

Cùng với đó, trước tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ nói riêng được đánh giá sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong trung và dài hạn.

Dự báo về GDP giảm, dự báo kinh tế số lại liên tục tăng

Ông Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nền tảng dịch vụ số hiệu quả, sáng tạo sẽ tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao, đảm bảo đầu ra cũng như các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các ngành công - nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ không những giúp Việt Nam vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch mà còn là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để có thể thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số. Những rủi ro đầu tư, năng lực nguồn nhân lực cũng là những cản trở lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế -0
Chuyển đổi số là một cuộc cải cách từ mô hình kinh doanh đến quản trị nhà nước.

GS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kinh tế số tạo ra dư địa phát triển mới của Việt Nam. Bởi, dữ liệu số là đầu vào của nền kinh tế do con người tạo ra chứ không phải dựa vào tài nguyên. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, dự báo về GDP liên tục giảm, thì dự báo kinh tế số lại liên tục tăng. “Điều kiện cơ bản để thoát bẫy thu nhập trung bình, thì phải gia tăng năng suất. Kinh tế số là tác nhân quan trọng để tăng năng suất.

Để trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, Việt Nam phải nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, kinh tế số là nguồn lực giúp tăng trưởng năng suất lao động, là động lực tăng trưởng quan trọng nhất”, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh và cho rằng, kinh tế số sẽ giúp Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Khủng hoảng COVID-19 đã góp phần chuyển đổi nhanh trong kinh tế số ở Việt Nam.

Theo báo cáo kinh tế số của Google, Temasek và Bain Economy, tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Vào năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô tăng trưởng hơn 600 tỷ USD, theo dự báo trên thì quy mô kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP (trùng với mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra)…Đóng góp của kinh tế số đối với GDP, nếu phát triển kinh tế số của mức truyền thống thì kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,38% tương đương 60,9 tỷ USD; nếu theo kịch bản xuất khẩu số, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,45% tương đương 66,9 tỷ USD.

Thủ tục hành chính còn rườm rà thì khó chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hiện đã đạt 100%. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc. Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là chìa khóa và là cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng hải quan số và hải quan thông minh. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với ngành Hải quan mà còn mang lại lợi ích cho đất nước, cho hoạt động xuất nhập khẩu, của doanh nghiệp, các bộ, ngành và các bên liên quan; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

TS. Nguyễn Minh Cường, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số không phải là phong trào mà là xu hướng thị trường và buộc phải làm, nếu không làm thì không thể hy vọng Việt Nam có thể tăng trưởng trong tương lai. Do vậy, muốn chuyển đổi số thực chất, trước hết phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp thì rất khó để chuyển đổi số thành công, ngược lại nó có thể gây cản trở.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số là một cuộc cải cách từ mô hình kinh doanh đến quản trị nhà nước. Đối với Nhà nước, đó là cải cách trong quản trị, còn động lực chính của chuyển đổi số phải là doanh nghiệp. Chính phủ không cần làm những việc cụ thể hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số mà chỉ nên hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng trong vấn đề này.

Kiến nghị chính sách và giải pháp nhằm nâng cao nền tảng số ngành dịch vụ, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, về mặt hạ tầng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình này thông qua việc hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với khu vực tư, tránh tình trạng độc quyền dễ xảy ra trong nền kinh tế số do yêu cầu về chi phí cố định lớn và hiệu ứng quần tụ mạng lưới.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Song, muốn chuyển đổi số cần nhanh chóng phát triển hạ tầng băng thông rộng, các nền tảng số quốc gia và địa phương do người Việt Nam làm chủ… trên cơ sở huy động tổng lực cả hệ thống chính trị.

Phan Đức
.
.
.