Ẩn họa vì thờ ơ trước nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm giả
- Chặn tận gốc nguồn thực phẩm bẩn
- Liên tục phát hiện thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc
- Hàng lậu, thực phẩm bẩn ồ ạt vào Nam
Nhưng nhìn lại các vụ phát hiện, bắt giữ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả vừa qua, trách nhiệm chủ yếu vẫn được phó mặc cho Công an, lực lượng thú y và quản lý thị trường. Còn chính quyền cơ sở từ phường đến khu phố, tổ dân phố hầu như vẫn chưa thể hiện được trách nhiệm quản lý địa bàn.
Ngay tại nơi đặt nhà máy sản xuất bột ngọt Ajinomoto, sau nhiều lần bắt quả tang đối tượng tiêu thụ bột ngọt giả với số lượng lớn, ngày 31-1 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Đồng Nai bất ngờ kiểm tra căn nhà tại khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa do đối tượng tên Nguyễn Chí Hải, 31 tuổi, thuê lại để sản xuất bột ngọt giả. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, Hải đã nhanh chóng chạy vào trong nhà, khóa trái cửa và cố thủ.
Xác định đối tượng bất hợp tác nên lực lượng Quản lý thị trường đã thông báo sự việc cho Công an TP Biên Hòa và Công an tỉnh Đồng Nai cùng phối hợp. Phát hiện Hải cố thủ trong nhà nhiều giờ nhằm kéo dài thời gian để tẩu tán tang vật nên lực lượng kiểm tra phải quyết định phá cửa để vào bên trong, khi đó đối tượng mới chịu mở cửa.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện 170 gói bột ngọt được đối tượng làm giả nhãn hiệu Ajinomoto cùng hàng trăm vỏ bao bột ngọt vứt xung quanh bồn cầu sau khi đối tượng này đã đổ bột ngọt vào bồn cầu. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra còn phát hiện các bao tải đựng hàng chục kg nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc dùng để làm bột ngọt và nhiều thiết bị, dụng cụ sản xuất.
Những lò giết mổ heo lậu “3 không” bị phát hiện. |
Trước đó, ngày 6-1, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm do bà Trần Thị Thục, ngụ phường Quang Vinh, TP Biên Hoà làm chủ. Khi đoàn kiểm tra có mặt, cơ sở này có gần chục công nhân đang sơ chế thực phẩm ngay trên nền đất dơ bẩn, không mang dụng cụ bảo hộ lao động.
Lực lượng chức năng phát hiện có tới 1.000 hộp nhựa dùng để đựng các loại thực phẩm như chanh muối, củ sen, củ kiệu, ớt bột, tương đen… tất cả đều đã bị nấm mốc và một số phụ gia không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; khu vực chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động chế biến. Hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, thực phẩm giả của các cơ sở trên đã tồn tại trong thời gian dài, song địa phương sở tại đều không nắm được hoặc thờ ơ, mặc cho các cơ sở này thoải mái lộng hành.
Với hoạt động ngăn chặn thịt heo bẩn cũng vậy, từ đầu tháng 1 tới nay, lực lượng chức năng đã phát hiện cả chục lò giết mổ heo lậu trên địa bàn TP Biên Hòa. Giết mổ lậu nên các lò mổ heo đều không đảm bảo vệ sinh môi trường; không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; heo đưa vào giết mổ đều không có nguồn gốc rõ ràng.
Thậm chí, ngày 18-1 vừa qua, khi lực lượng của Chi cục Thú y Đồng Nai, Đội Quản lý thị trường số 2 và Trạm thú y Biên Hòa bất ngờ kiểm tra đã phát hiện cơ sở giết mổ heo bệnh để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ tại phường Long Bình, TP Biên Hòa.
Tiếp đó, ngày 22-1, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Biên Hòa còn phát hiện cơ sở giết mổ heo lậu với quy mô rất lớn tại địa bàn phường này. Khi đoàn kiểm tra có mặt, lò heo lậu này có tới 10 người đang tiến hành giết mổ với hàng chục con heo sống và heo đã giết mổ.
Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, các lò heo lậu chở heo đến, chuyển thịt heo đi bỏ mối ì xèo hàng ngày người dân xung quanh ai cũng biết. Nhưng chỉ đến khi có lực lượng kiểm tra, các lò heo lậu này mới bị phát hiện, dẹp bỏ. Đặc biệt vụ việc lực lượng Công an Đồng Nai bắt quả tang cơ sở bơm nước vào heo trước khi đem đi tiêu thụ với số lượng lớn tại phường Long Bình, TP Biên Hòa vào ngày 8-1 cũng vậy.
Khi lực lượng Công an có mặt, cơ sở có tới 5 người làm công đang bơm nước vào heo. Trong tổng số 187 con hiện đang nuôi nhốt trong chuồng, các đối tượng đã bơm nước bẩn pha thuốc không rõ nguồn gốc vào 130 con để làm tăng trọng lượng trước khi đem bán. Vựa heo lớn như vậy, xe chở heo ra vào ầm ầm, tiếng heo kêu, mùi hôi thối lan ra cả khu vực, người dân ai cũng biết, chỉ có địa phương là không muốn biết?
Sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm tại 20 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn, kết quả được đoàn kiểm tra liên ngành TP Biên Hòa công bố vào ngày 18-1 đã tiếp tục phát hiện 2 trại heo với số lượng lên tới hơn 950 con heo đã sử dụng chất cấm Salbutamol.
Vấn đề nằm ở chỗ, các trại heo khủng như vậy đã không được địa phương giám sát chặt chẽ trong quá trình chăn nuôi. Càng thiếu trách nhiệm hơn khi TP Biên Hòa đã có chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn từ cách đây nhiều năm để tránh phát sinh ô nhiễm môi trường nhưng đến nay, trên địa bàn Biên Hòa đang có cả trăm trại heo lén lút chăn nuôi trong khu dân cư. Tình trạng quản lý địa bàn quá lỏng lẻo này một lần nữa thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các địa phương cơ sở.