Vĩnh Phúc đưa du lịch thành ngành công nghiệp chủ lực
- Du lịch nước ngoài vui vẻ cùng 4 thứ không thể quên
- Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm
- Trải nghiệm mô hình “Du lịch voi thân thiện”
Tận dụng và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều giải pháp đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2020.
Xây dựng sản phẩm du lịch mũi nhọn
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch, trong đó, 2 sản phẩm mũi nhọn đang thu hút được nhiều du khách là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội. Nếu như năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách thì trong năm 2018 vừa qua, đã có trên 5,2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh.
Không chỉ đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đã đưa yếu tố thiên nhiên kết hợp với phong cách hiện đại vào thiết kế. |
Tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.670 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ước đón hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có gần 11.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt 590 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động trực tiếp và hơn 5.000 lao động gián tiếp tại các địa phương trong tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) chia sẻ: Trước khi bắt đầu chuyến hành trình Tam Đảo- Tây Thiên, tôi đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về khu du lịch trên internet và kết nối với khách sạn để có sự tư vấn tốt nhất, từ việc lên lịch trình các điểm tham quan, thời gian di chuyển đến cả thực đơn từng bữa ăn đều được đặt trước, rất tiện lợi. Mọi chi phí của chuyến đi cũng không phát sinh thêm nhiều nên chắc chắn gia đình tôi sẽ còn quay lại đây trong những kỳ nghỉ tới.
Theo số liệu của Sở VH,TT&DL Vĩnh Phúc, tính đến nay, toàn tỉnh có 352 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 6.400 buồng đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch. Trong đó, có 2 khách sạn 5 sao là khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh và khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải; 2 khách sạn 4 sao là khu nghỉ dưỡng Sông Hồng thủ đô và Westlake Hotel.
Có 32 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và 293 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc cũng đang có 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 4 công ty lữ hành quốc tế.
Hướng tới phát triển du lịch thông minh
Để tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa, doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng và trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, ngành du lịch Vĩnh Phúc nhiều giải pháp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mạnh mẽ.
Ngoài việc quảng bá du lịch Vĩnh Phúc theo cách truyền thống, ngành du lịch Vĩnh Phúc còn tận dụng CNTT để quảng bá được sâu rộng hơn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn cũng chủ động tích cực tham gia vào hệ thống online của các đại lý du lịch trực tuyến trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ và nâng cấp các phần mềm điều hành tour, thanh toán điện tử và xây dựng các kênh xã hội tương tác trực tiếp… nhằm đem đến sự phục vụ tốt nhất cho tất cả các đối tượng khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch và là công cụ hữu hiệu phục vụ cho 3 nhóm đối tượng chính: Người quản lý du lịch, nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch, người du lịch, nhiều năm nay, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã sử dụng các trang như: Du lịch Vĩnh Phúc, Du lịch Vĩnh Phúc 88… để quảng bá, giới thiệu về du lịch Vĩnh Phúc.
Từ giữa năm 2018, nhằm kết nối mạnh hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và những người có chung sở thích, đam mê du lịch, chúng tôi tiếp tục có thêm trang Facebook “Du lịch Vĩnh Phúc - Hành trình và trải nghiệm”.
Ngoài những hoạt động du lịch, văn hóa thể thao của tỉnh và các văn bản, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực du lịch thường xuyên được đăng tải, trên trang này còn hỗ trợ giới thiệu các dịch vụ du lịch của hàng chục khách sạn với trên 21.000 lượt người thường xuyên tham gia bình luận, chia sẻ.
Điều này không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực khi cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò trung gian kết nối giữa đơn vị du lịch và du khách mà còn mang lại hiệu quả kinh tế tức thời khi nhiều những phòng trống của các khách sạn sau một thời gian ngắn chào bán trên trang đã được khách đặt kín.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Thanh Long cho biết: “Để bắt kịp với xu hướng công nghệ mới buộc doanh nghiệp du lịch phải thay đổi hình thức kinh doanh truyền thống. Sớm nhận ra phát triển du lịch trên nền tảng 4.0 sẽ tạo ra cơ hội để doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh và quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch sâu và rộng hơn, chúng tôi đã chủ động thay đổi, làm mới mình thông qua việc tuyển dụng con người và đầu tư nâng cấp các phần mềm điều hành tour, thanh toán điện tử và xây dựng các kênh xã hội tương tác trực tiếp với khách hàng”.
Kịp thời nắm bắt, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mới đây, một nhóm bạn trẻ làm dịch vụ du lịch ở thị trấn Tam Đảo đã tạo một Group riêng trên Facebook mang tên: “Review Tam Đảo”. Những thông tin được cập nhật thường xuyên, từ bản đồ, địa điểm tham quan, tình hình thời tiết, nhà hàng, khách sạn đến giá cả dịch vụ, phương tiện di chuyển… cộng thêm những phản ánh, góp ý đối với một số điểm kinh doanh nhà nghỉ, quán ăn mang tính chất “chặt chém” đều được công khai trên trang thông tin này đã giúp du khách có thể tìm hiểu kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định.
Điều đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Tam Đảo thời cách mạng công nghiệp 4.0, mang đến hình ảnh một Tam Đảo đẹp hơn trong lòng du khách.
Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực
Theo thống kê sơ bộ, nước ta hiện có 346 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp và khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực này, nhưng không nhiều nhân sự có chuyên môn, kỹ năng cao.
Để khắc phục hạn chế đó, bên cạnh các thay đổi trong khâu đào tạo, hành lang pháp lý,... nhiều doanh nghiệp đã bắt kịp xu hướng liên kết cung - cầu với nhà trường, chủ động giải quyết “điểm nghẽn” của ngành du lịch.
Là đơn vị đi tiên phong trong việc thu hút lao động trẻ, Flamingo Group đã thực hiện ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khách sạn - du lịch với Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên (Vĩnh Phúc), hướng đến việc phát triển du lịch địa phương bền vững.
Với hợp tác này, Flamingo Group đã tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của du khách, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là khi khu nghỉ dưỡng 5 sao Flamingo Đại Lải Resort trên địa bàn tỉnh đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho các sự kiện mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.
Theo đó, Flamingo Group sẽ hỗ trợ giới thiệu giảng viên thực hành, nhận thực tập, đào tạo trực tiếp công việc và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với các sinh viên theo học chương trình.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ cùng thành lập Hội đồng khoa học chung để thảo luận, thống nhất các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch - khách sạn. Hợp tác này đã mở ra một con đường mới: cụ thể hơn, thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch, phục vụ tại Flamingo Đại Lải Resort nói riêng và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Trong tương lai gần, doanh nghiệp này sẽ hướng tới đào tạo liên kết quốc tế, đào tạo đại học và sau đại học ngành du lịch – khách sạn. Nói cách khác, Flamingo Group đã tạo nên khởi điểm cho các nhà lãnh đạo tương lai của ngành khách sạn, là “cái nôi” ươm mầm, nuôi dưỡng nhân tài trẻ tại địa phương cũng như trên khắp cả nước.
Không chỉ đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đã đưa yếu tố thiên nhiên kết hợp với phong cách hiện đại vào thiết kế. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của kiến trúc xanh hiện đại – giải pháp toàn diện về kiến trúc bền vững xứng tầm thế giới.
Trong bối cảnh du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang bước những bước tăng trưởng chưa từng có, Vĩnh Phúc chính là mảnh đất màu mỡ thu hút các chủ đầu tư vào những dự án cao cấp.
Với vị trí kề bên Hà Nội, sở hữu không gian rộng lớn, khí hậu dễ chịu, các kiệt tác nghỉ dưỡng tại đây có ưu thế vượt trội về tiềm năng đầu tư sinh lời. Vì thế việc phát triển bền vững nhằm mang lại diện mạo mới cho du lịch địa phương đã và đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Chiến lược của Flamingo Group không chỉ tạo điểm nhấn cho Vĩnh Phúc, mang đến cơ hội đào tạo và công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương mà còn tiên phong kiến tạo nên những giá trị cơ bản của việc phát triển du lịch bền vững.