Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm

Chủ Nhật, 21/07/2019, 00:26
Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019, địa phương nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, đã diễn ra sáng 20-7 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tới dự sự kiện quy mô lớn này còn có hơn 500 đại biểu, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.


Với chủ đề “Lào Cai - Điểm đến thành công”, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc kiến tạo cơ hội, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, điểm lại những tiềm năng tự nhiên, văn hóa đặc thù của đất và người Lào Cai, Thủ tướng nêu rõ: Lào Cai là mảnh đất hội tụ, lưu giữ và lan truyền giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử và di sản đặc sắc của 25 dân tộc anh em vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Lào Cai 2019.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến Sa Pa, vùng đất du lịch đặc trưng của khu vực miền núi phía Bắc, một “thị trấn trong sương” mang vẻ đẹp cuốn hút, hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và sắc màu bản địa”, được ví như “Thủ đô mùa Hè” của Bắc Bộ.

Phân tích sâu thêm về tiềm năng du lịch của Lào Cai, Thủ tướng nhận xét: Bên cạnh các tỉnh duyên hải với những bờ biển hấp dẫn du khách thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu du lịch miền núi mang tầm vóc quốc tế. Theo Thủ tướng, Lào Cai, đặc biệt là Sa Pa có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…

Điều may mắn là dù phát triển nhanh nhưng cho đến nay cơ bản Lào Cai vẫn còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.

Với mục tiêu đó, Thủ tướng nhắc lại năm yêu cầu đặt ra để phát triển du lịch mà cho đến nay chưa địa phương nào trả lời được một cách xuất sắc. Đó là: Làm thế nào để du khách tìm đến Lào Cai đông hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì có tiền mà không biết tiêu gì?

Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, “kể xấu” về Lào Cai? Và câu hỏi cuối cùng là làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?

Trên tinh thần đó Thủ tướng đề nghị “Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm”.Tức là Lào Cai phải đẩy mạnh du lịch nhưng vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường sinh thái, đồng thời mọi đối tượng trong xã hội đều được thụ hưởng thành quả từ phát triển du lịch tương xứng với những gì đã đóng góp.

Không chỉ có du lịch, Thủ tướng cho rằng Lào Cai vẫn có thế mạnh công nghiệp chế biến, cụ thể là chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Đặt ra yêu cầu việc phát triển công nghiệp truyền thống tại địa phương (phôi thép, xi măng, cao lanh, phốt pho vàng, thủy điện, v.v…) phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại địa phương: “Chính phủ không khuyến khích các nhà đầu tư khai khoáng có tầm nhìn ngắn hạn, sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô khai thác manh mún, nhỏ lẻ mang tính tận thu, đe dọa tính bền vững về môi trường, không đóng góp gì đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân”.

Đánh giá thêm về tiềm năng kinh tế cửa khẩu – được kỳ vọng trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai, Thủ tướng cho rằng hạ tầng điện, nước, viễn thông, Internet ở Lào Cai được đánh giá thuộc top 10 trong cả nước. Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị địa phương phải căn cứ vào tính chất đặc thù là đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt để bám sát quan điểm “lợi thế kinh tế dựa vào quy mô”.

Lào Cai cần quy hoạch lại, bố trí dân cư một cách hợp lý, tập trung hơn nhằm tăng hiệu quả đầu tư những hạ tầng cơ bản như giao thông, cung cấp điện, nước, viễn thông, Internet và chi tiêu cho y tế, giáo dục, và cung cấp dịch vụ công…, nhằm tối đa hóa được lợi ích và hiệu quả đầu tư.

Gửi những thông điệp tới các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, tất cả những nhà đầu tư đến với Lào Cai nói riêng, Tây Bắc và miền núi nói chung, đều rất đáng trân trọng bởi vùng đất này tuy tiềm năng rất lớn nhưng ở nhiều nơi người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Thủ tướng chỉ rõ: “Mỗi một đồng vốn của nhà đầu tư, mỗi một sinh kế, việc làm được tạo ra đều rất quý giá; bên cạnh mục đích kinh doanh là cả một tấm lòng vì xã hội, vì đồng bào, vì đất nước”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư cần phải thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương, không chỉ giúp tạo công ăn việc làm mà còn phải cải thiện thu nhập, cải thiện năng suất lao động, nâng cao phúc lợi và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân địa phương.

Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 11 đối tác với tổng vốn đầu tư khoảng trên 124 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh cũng trao tám quyết định chủ trương đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư khoảng trên 22 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.

l Cũng trong chuyến công tác tại Lào Cai nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2019), vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Don, vợ liệt sỹ Phạm Ngọc Tuy, cư trú tại phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai và đến thăm gia đình ông Bùi Xuân Xanh, người thương binh có tỷ lệ thương tật 66% và luôn cùng với gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

PV (TTXVN)
.
.
.