Tràn lan tình trạng gian lận tuổi, trọng lượng vàng trang sức

Chủ Nhật, 22/05/2016, 08:51
Đây là nghi ngại của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam trong tờ trình gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Theo Hiệp hội này, quy chuẩn kiểm định chất lượng vàng trang sức đang “có vấn đề”.


Sau 5 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng miếng đã “đi vào khuôn khổ”. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức đang có nhiều vấn đề cần đặt ra, dù Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đã có hiệu lực được hơn 2 năm nay. 

Cụ thể, trước khi Thông tư 22 có hiệu lực, đồ trang sức bằng vàng, hoặc có gắn các vật chất khác (đá quý, kim loại, kim cương…) đều do các cơ sở chế tác, kinh doanh tự công bố hàm lượng, trọng lượng vàng. Người mua vàng trang sức thường bán trở lại nơi đã mua, tức bán cùng “hiệu” thì đỡ mất giá hơn. Bởi vậy, để người tiêu dùng không bị thiệt thòi khi mua vàng không được ghi đúng hàm lượng, và để có sự thống nhất chung hàm lượng vàng công bố trên sản phẩm vàng trang sức, Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, có hiệu lực thi hành từ 1-6-2014.

Thế nhưng, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến. Theo qui định, các sản phẩm vàng nữ trang phải ghi đầy đủ trọng lượng, mã ký hiệu, hàm lượng vàng. 

Để đối phó với quy định này, một số đơn vị kinh doanh nữ trang vàng dù chấp nhận ghi đúng thông số về sản phẩm, nhưng sau khi hạ tuổi, giá bán vẫn không thay đổi, đây cũng là điều mà nhiều cửa hàng vàng nữ trang còn khá lập lờ với khách hàng. 

Một điểm đáng chú ý là do từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nên các doanh nghiệp buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều này đã đặt doanh nghiệp đối diện với thực tế là có thể dính “vàng giả, vàng nhái” do các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng vàng trang sức kém chất lượng có cơ hội tồn tại.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng vẫn than thở rằng, vàng trang sức, mỹ nghệ rất khó lưu thông từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác vì việc đánh giá chất lượng vàng vẫn chưa thực sự đồng nhất. Chẳng hạn, một sản phẩm vàng trang sức tại TP.Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TP Hồ Chí Minh chỉ còn 61%. 

Điều này cho thấy, chất lượng của thiết bị kiểm định tuổi vàng của phần lớn các doanh nghiệp đang có vấn đề, và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “mua ở đâu, bán ở đó”. Ngoài ra, việc quy định thủ tục để xin Giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng cũng rất phức tạp, gây khó khăn và tốn nhiều thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp, trái ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc loại bỏ giấy phép con không cần thiết. Vì vậy, việc xem xét sửa lại quy định nói trên theo hướng cho các doanh nghiệp đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này là rất cần thiết. 

“Với những tồn tại trên, Hiệp hội Kinh doanh Vàng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết, đánh giá lại những quy định của Thông tư 22 về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, để sửa đổi, bổ sung những điều khoản không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng vàng lưu thông trên thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chính đáng và của người tiêu dùng”, Hiệp Hội Kinh doanh vàng kiến nghị.  

Lệ Thúy
.
.
.