‘Tuyên chiến’ với nông sản ngoại đội lốt hàng Việt

Thứ Bảy, 24/10/2015, 08:32
“Cấm cửa” khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt. Động thái muộn màng này tuy mạnh mẽ nhưng khá lẻ loi khi mà rau quả Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam.


Lâu nay, tình trạng khoai tây Trung Quốc “khoác áo” khoai tây Đà Lạt đã râm ran dư luận, báo chí (trong đó có Báo CAND đã lên tiếng) nhưng phải đến gần đây, UBND TP Đà Lạt mới quyết định “cấm cửa” khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt. Động thái muộn màng này tuy mạnh mẽ nhưng khá lẻ loi khi mà rau quả Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam dưới những thương hiệu rau quả Việt.

Tình trạng nông sản Trung Quốc giá rẻ gắn mác nông sản Việt để lừa dối người tiêu dùng Việt Nam đang dần phổ biến trong những năm gần đây. Từ cải bắp, súp lơ đến các thương hiệu trái cây như nho Ninh Thuận, cam Hà Giang, cam Cao Phong (Hòa Bình); hồng, dâu tây Đà Lạt đều có “lẫn” hàng của Trung Quốc. Mới đây, UBND TP Đà Lạt đã quyết định không cho tiểu thương nhập khẩu khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt. Theo lý giải của UBND TP Đà Lạt, “lệnh cấm” này nhằm hạn chế tình trạng một số tiểu thương nhập khoai tây Trung Quốc về chợ rồi "phù phép" thành khoai tây Đà Lạt, sau đó vận chuyển đi nhiều địa phương tiêu thụ.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, từ ngày 13/7 đến 14/10, đã có 41 lô khoai tây Trung Quốc với 1.063 tấn được nhập về chợ nông sản Đà Lạt. Chợ nông sản Đà Lạt có tổng cộng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó tới 24 hộ là kinh doanh khoai tây. Vào thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100% các hộ này đều kinh doanh khoai tây Trung Quốc. Theo khảo sát, giá nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về đến Lào Cai chỉ từ 1.800-2.000 đồng/kg. Nếu được “biến” thành khoai tây Đà Lạt thì giá vọt lên 18.000 - 19.000 đồng/kg.
Khoai tây hồng Trung Quốc được nhập qua cửa khẩu Lào Cai.

Theo thống kê, hầu hết lượng khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt đều “vào Việt Nam” qua các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai và Lạng Sơn. Số liệu từ Hải quan Lạng Sơn cho biết, trong năm 2014, khoai tây Trung Quốc nhập khẩu, thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh này là 21.316 tấn, nhưng chỉ 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu đã lên tới 34.939 tấn. Khoai tây nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn được tập kết tại chợ nông sản Hòa Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Từ đây, khoai tây Trung Quốc sẽ được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như là khoai tây Việt Nam và kỳ công hơn là đưa vào Đà Lạt để từ đó tỏa đi khắp nơi với thương hiệu “khoai tây Đà Lạt”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII (Lào Cai)   Trần Văn Hoàng cũng cho biết, năm 2014, khoai tây nhập qua cửa khẩu Lào Cai là 10.480 tấn. Từ đầu năm 2015 đến nay đã nhập xấp xỉ 8.000 tấn. Theo ông Phó chi cục trưởng, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày nhập về khoảng vài chục tấn, ngày cao điểm có thể lên tới xấp xỉ 100 tấn.

Khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hai loại, khoai tây có vỏ hồng, lòng vàng và khoai tây trắng, tuy nhiên, phần lớn là khoai tây vỏ hồng, lòng vàng. Khoai tây Trung Quốc cũng như các loại trái cây, rau quả Trung Quốc khác đang “rầm rộ” vào Việt Nam. Với sự tiếp tay của các tư thương hám lợi, những loại rau quả này đã được “phù phép” trở thành rau quả Việt Nam với giá cao hơn từ 5-10 lần.

Người tiêu dùng chịu thiệt vì mua hàng dỏm, nông dân thua thiệt vì uy tín thương hiệu giảm sút, chỉ có các tư thương là “ôm lời”. Chưa kể đến những ẩn họa về vệ sinh an toàn thực phẩm từ những loại rau quả đã bôn ba cả tháng trời trên đường từ biên giới phía Bắc lên Tây Nguyên rồi đi khắp cả nước? Nhưng chưa thấy cơ quan quản lý nào lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng này trừ động thái của UBND TP Đà Lạt. Nhưng chỉ riêng TP Đà Lạt thì chưa đủ.

Quy trình “nhuộm màu” khoai tây Trung Quốc

"Nguyên liệu" để biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt là đất đỏ. Khi đất khô, các tiểu thương sẽ tán mịn đất này rồi bỏ vào thau để làm nguyên liệu "nhuộm" màu cho khoai. Khoai tây Trung Quốc sau khi rửa sạch đất đen (hoặc nâu) sẽ được thả vào thau đất bột đỏ. Đất đỏ này sẽ bám quanh củ khoai, khiến khoai trông mịn màng, đẹp mắt. Khi đất bám quanh củ khoai tây khô đều, các tiểu thương tại Đà Lạt mới đóng vào bịch ni lông (10 kg/bịch) để đưa về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh tiêu thụ. (N.Y.)

Chi Linh
.
.
.