Từng bước vực dậy du lịch miền Trung

Thứ Ba, 02/06/2020, 08:38
Nằm trên con đường di sản ở miền Trung với chiều dài khoảng 300km, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng, Quảng Nam đều có nhiều tiềm năng về du lịch, bao gồm các bãi biển đẹp, những di sản văn hóa thế giới như: Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn.


Bên cạnh đó là những khu sinh thái sinh quyển, rừng quốc gia phong phú và đa dạng về chủng loại động thực vật. Ngoài ra còn có các làng nghề thủ công truyền thống như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Dèng A Lưới (Thừa Thiên-Huế); đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng); dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam)…

Theo số liệu thống kê, nhiều năm qua, ngành Du lịch của miền Trung ước tính đóng góp gần 20% vào doanh thu du lịch của cả nước. Hơn 80% số du khách quốc tế đến Việt Nam đều ghé chân tại khu vực này.

Chỉ tính riêng trong năm 2019,  các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã đón hơn 10 triệu lượt khách nội địa và hơn 9 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội và các hoạt động về du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các địa phương ở miền Trung thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch để thu hút du khách.

Tất cả kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới của các địa phương đều bị ngưng trệ; một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản, hàng nghìn lao động trong ngành Du lịch bị cắt giảm, thôi việc, không có thu nhập.

Dự báo những khó khăn có thể còn kéo dài đã đặt ra cho ngành Du lịch Việt Nam cũng như các tỉnh thành miền Trung những thách thức không nhỏ, yêu cầu phải có sự vào cuộc, đồng hành và hành động quyết liệt của mọi tổ chức, cá nhân để kịp thời chuyển đổi, đột phá, thu hút du khách quay trở lại, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch cho điểm đến ở các tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cho biết, ngoài việc ký kết triển khai chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới giữa 3 tỉnh miền Trung với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”, các địa phương cần tăng cường kết nối cấp độ chiến lược giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, các hiệp hội du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch của các địa phương cũng cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ để cùng xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, đầu tư phát triển những sản phẩm mới, có sức hấp dẫn và tạo điểm nhấn cho vùng. Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, để vực dậy ngành Du lịch, các địa phương ở miền Trung có những ưu thế đặc biệt riêng nên cần khai thác tốt thế mạnh vốn có.

Như Đà Nẵng là thành phố phát triển hiện đại, đầy sức sống thì cần đẩy mạnh các loại hình dịch vụ du lịch hiện đại. Quảng Nam ngoài các di sản nên phát triển thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe du khách, du lịch nghỉ dưỡng. Thừa Thiên-Huế có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đang được khai thác tốt nhưng cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch từ ẩm thực.

“Kế hoạch viết ra thì dễ nhưng để thực hiện là rất khó. Vì thế chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho các địa phương ở miền Trung. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ Hiệp hội Du lịch của các địa phương để vực dậy du lịch khu vực, nhất là các vùng trọng điểm như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nhằm chủ động đưa nguồn khách đến 3 địa phương này”, ông Bình khẳng định.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, để phục hồi, phát triển du lịch, thời gian gần đây, các địa phương ở miền Trung đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp kích cầu du lịch với các chính sách ưu đãi được triển khai rộng khắp, đảm bảo các tiêu chí an toàn ở mức cao nhất. Và, diễn đàn du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện” do tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào ngày 31/5 là một trong những chương trình thu hút được sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, thiệt hại về doanh thu từ du lịch của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 2.250 tỷ đồng, lượng khách giảm 55% so với cùng kỳ.

Trước tình hình này, tỉnh đã xây dựng đề án kích cầu du lịch năm 2020-2021, xác định thị trường trọng tâm, nghiên cứu và ban hành nhiều giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và tăng cường kết nối các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc.

Theo ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, trong bối cảnh mới “hậu dịch bệnh”, các hoạt động kinh doanh, sản xuất, khai thác du lịch được cho phép hoạt động trở lại, Bộ VH-TT&DL đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa. Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Bình… đã chủ động tổ chức, lên kế hoạch triển khai chương trình kích cầu du lịch tại địa phương rất tốt.

Với những nỗ lực, hành động quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong khu vực, sự ủng hộ, kết nối của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch… tin tưởng rằng các hoạt động kích cầu của các tỉnh thành miền Trung sẽ nhận được sự quan tâm, tham gia của người dân cả nước, góp phần từng bước khôi phục ngành Du lịch của mỗi địa phương.

Kích cầu du lịch miền Tây

Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tổ chức hội nghị “Triển khai các nhiệm vụ chủ yếu phục hồi và kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch COVID-19”. Hơn 100 doanh nghiệp (DN) lưu trú, dịch vụ ăn uống, tham quan, công ty du lịch tham gia kích cầu du lịch với giá giảm bất ngờ.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, một trong những trọng tâm là vận động và khuyến khích các DN du lịch hưởng ứng và tích cực tham gia, tăng cường liên kết địa phương, DN và các tổ chức hoạt động du lịch.

Trong đó xác định các ưu tiên hợp tác, liên kết với TP Hồ Chí Minh, chọn các địa phương, trung tâm du lịch cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang - Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

Chương trình được triển khai trên phạm vi ĐBSCL, từ tháng 6 đến tháng 12-2020 và có thể được kéo dài lâu hơn. 57 DN lưu trú, 36 DN về dịch vụ ăn uống, 25 DN về tham quan, 22 công ty bán tour du lịch cùng tham gia trong đợt kích cầu này. Các dịch vụ tại những nơi này giảm từ 10-50% để thu hút khách.

Văn Vĩnh

Anh Khoa
.
.
.