Tôm nuôi lại chết tràn lan, nhiều hộ dân đổ nợ

Thứ Sáu, 03/06/2016, 08:35
Hiện nay, tôm nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế bị chết hàng loạt do dịch bệnh và thời tiết bất thường, đẩy nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất...


Đứng bên hồ tôm vừa được xử lý hóa chất, ông Phan Trai (trú thôn An Gia, thị trấn Sịa) buồn bã, cho biết: “Từ đầu tháng 4, gia đình tôi thả 10 vạn tôm, 2.500 cua giống cùng các loại cá nuôi xen ghép. Theo quy trình, số thủy sản này nuôi từ 3 đến 3,5 tháng sẽ thu hoạch, nhưng nay mới được 1,5 tháng thì tôm, cua đều chết nổi trắng hồ, gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng”. 

Hàng chục hộ nuôi tôm xen ghép ở đồng tôm An Gia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như hộ ông Trai. 

Ông Nguyễn Đình Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, cho biết, hiện có 70 hồ tôm, trên tổng số 100 hồ, với diện tích 49ha của người dân xảy ra tình trạng tôm chết. “Chưa khi nào địa phương xảy ra dịch bệnh trên tôm nhiều như hiện nay. Tôm chết bất thường khiến nhiều hộ dân trắng tay, nợ nần chồng chất do vay vốn ngân hàng để đầu tư ao tôm, máy móc”, ông Châu nói. 

Qua thống kê, đến nay các địa phương ở Thừa Thiên- Huế như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà đều xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt khiến người nuôi điêu đứng. 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm lây lan, khó xử lý triệt để là do nước thải ở hồ có dịch bệnh chưa qua xử lý được thải ra môi trường, hệ thống ao nuôi chưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản “dỏm”, không được phép lưu hành hiện vẫn được bán trôi nổi trên thị trường. 

Tôm nuôi ở đồng tôm An Gia, thị trấn Sịa, chết hàng loạt khiến nhiều người nuôi điêu đứng.

Để ngăn chặn tình trạng này, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. 

Ngày 17-5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt cơ sở do ông Lương Chí Sĩ (53 tuổi, trú thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm chủ số tiền 50 triệu đồng do kinh doanh 21 loại sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản cấm lưu hành…

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi tại địa bàn tỉnh có nguy cơ lan rộng, Sở đã tổ chức kiểm tra, lấy mẫu tôm tại nhiều ao nuôi và tiến hành quan trắc môi trường thủy sản tại 15 điểm trên đầm phá và ven biển, qua đó phát hiện nhiều mẫu tôm mắc bệnh đốm trắng và bệnh lý môi trường. 

“Để giúp người dân ngăn chặn, xử lý dịch bệnh trên thủy sản, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cấp hỗ trợ cho địa phương 20 tấn hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia và đề nghị này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Trước mắt, đơn vị đã phân bổ khoảng 15 tấn hóa chất về các địa phương nhằm xử lý hồ nuôi có dịch bệnh”, ông Hùng cho hay.

Anh Khoa
.
.
.