Nắng nóng kéo dài, tôm nuôi chết hàng loạt

Thứ Hai, 01/06/2015, 09:08
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài trên 40 độ C đã khiến nhiều diện tích nuôi tôm ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) bị chết hàng loạt, làm nhiều hộ gia đình lâm cảnh điêu đứng do đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào nuôi tôm...

Cuối tháng 5, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi về xã Quảng An (Quảng Điền) và nghe người dân phản ánh câu chuyện “thời sự” nhất là tìm biện pháp để cứu lấy các ao tôm trước sự hoành hành của dịch bệnh. Đứng bên hồ tôm vừa được xử lý sau khi phát hiện tôm chết, ông Trần Quang Mười (45 tuổi, trú thôn An Xuân) lo lắng nói: “Từ giữa tháng 3/2015, vợ chồng tui thả nuôi 3 ao tôm với diện tích trên 1ha. Mấy vụ trước nuôi tôm có lãi nên bao nhiêu vốn liếng đều dồn hết vào vụ tôm năm nay, chi phí tôm giống, thức ăn... đã hơn 500 triệu đồng. Không ngờ tôm nuôi được 2 tháng tuổi, sắp đến ngày thu hoạch thì gặp nắng nóng, dịch bệnh đốm trắng trên tôm bùng phát làm tôm chết hàng loạt, vợ chồng tui trở tay không kịp!”.

Tôm chết vì dịch bệnh và nắng nóng, khiến nhiều hồ tôm ở vùng cát huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế bỏ hoang.

Cùng chung tình cảnh mất trắng hàng trăm triệu đồng đầu tư vào con tôm khi gần 1ha mặt nước nuôi tôm của nông dân Hoàng Phú Minh đều chết sạch. Dẫn tôi ra hồ tôm cạn đáy, ông Minh thất vọng: “Thời điểm này so với năm ngoái, máy móc ở đây phải chạy hết công suất, tôm cũng bán được hơn phân nửa cho thương lái. Nhưng, vụ tôm năm nay tui mất cả chì lẫn chài. 4 hồ tôm đều chết hết, ngày nào tui cũng phải bơi ghe ra hồ vớt xác tôm chết...”.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho biết: Vụ tôm năm 2015, bà con trong xã thả 15 triệu tôm giống, với diện tích nuôi trên 124ha, tập trung chủ yếu ở thôn An Xuân (179 hộ), nhưng nay đã có gần 10ha tôm bị chết, hồ bỏ không. Trên vùng cát các xã huyện Phong Điền, như: Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc cũng xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Văn Vinh, ở thôn Thế Mỹ A (xã Điền Hòa), một người có kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát cho hay, ngoài thời tiết nắng nóng thì chất lượng tôm giống mua từ các cơ sở sản xuất ở khu vực Nam Trung bộ không đạt yêu cầu cũng là nguyên nhân khiến tôm dễ phát bệnh và chết. “Nếu lúc trước giá tôm cao thì bà con nông dân nuôi tôm còn có lãi, giờ giá tôm xuống thấp, chỉ còn từ 90-120.000 đồng/1kg; nếu bình quân mỗi hồ thu được 6-7 tấn tôm thì chỉ bán hòa vốn, thậm chí lỗ nặng, nếu tôm chết do dịch bệnh”, một hộ nuôi tôm ở địa phương này cho biết. Ở các xã như Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Trì, Lộc Điền (huyện Phú Lộc), tôm nuôi xen ghép trên đầm phá cũng bị chết rất nhiều, do nắng nóng.

Theo ông Hồ Văn Ánh, Chủ nhiệm HTX Đại Thắng, xã Vinh Hưng (Phú Lộc), vụ tôm năm nay, 300 hộ dân thuộc HTX thả nuôi trên 250ha tôm xen ghép với cá dìa, cua. Nhưng, do nắng nóng nên hiện tôm trong các ao hồ của người dân đang chết dần, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, nông dân toàn huyện thả nuôi trên 900ha tôm, trong đó có hơn 750ha tôm nuôi xen ghép; nhưng nay đã có 80ha tôm nuôi bị chết. Trước thực trạng này, huyện đã cấp trên 2 tấn thuốc Cloramin về các địa phương để giúp người dân xử lý ao hồ, nhằm giảm bớt thiệt hại.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tôm trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt, ông  Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: Xuất phát từ việc các ao hồ bị tình trạng ngọt hóa kéo dài, độ mặn thấp, trong khi đó thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ chênh lệch ngày đêm quá cao, tôm nuôi lại được thả dày đặc... là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh trên tôm bùng phát. “Hiện Chi cục đã có văn bản thông báo gửi về các địa phương và cử cán bộ trực tiếp xuống hồ tôm để kiểm tra, hướng dẫn người dân dùng hóa chất, vôi để xử lý ao hồ, phòng ngừa dịch bệnh tôm lây lan. Đặc biệt, đối với tôm nuôi trên vùng cát và tôm xen ghép trên đầm phá, người dân chỉ được thả 200 con/m2 để tôm phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh xảy ra”, ông Đức khuyến cáo.

Anh Khoa
.
.
.