Tiếp sức cho người nuôi tôm đồng bằng sông Cửu Long
- Phá đập đưa nước mặn vào nuôi tôm, hại nhiều hơn lợi
- Vì sao người dân phản đối dự án nuôi tôm ở xã Tam Tiến?
- Nuôi tôm trái phép gây ô nhiễm vịnh Lăng Cô
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông ngư 14/10 (Sóc Trăng) cho biết, từ năm 2015, HTX đã liên kết với Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú.
Người nuôi tôm vùng ĐBSCL đang cần vốn để tái đầu tư. |
“Phía doanh nghiệp (DN) này sẽ hỗ trợ con giống và bán cho HTX bằng giá đại lý. Nếu nuôi tôm theo đúng quy định của DN thì được tăng thêm 2.000 đồng/kg, nếu nuôi tôm theo chuẩn VietGAP tăng thêm 4.000 đồng/kg. Tuy thuận lợi vậy nhưng chúng tôi làm diện tích không nhiều do rất khó khăn về vốn, không tài sản thế chấp. Nên nhiều DN muốn đầu tư vào họ cũng e dè”, ông Luận phản ánh.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ nhiệm tổ hợp tác 30/4 (Bạc Liêu) cho rằng, mấy năm nay, người nuôi tôm gặp rủi ro rất lớn do thời tiết, dịch bệnh… Ngành tôm phải có vốn lớn nhưng chỉ cần thua lỗ thì nông dân trắng tay, không còn tài sản đâu thế chấp ngân hàng nên không thể tái sản xuất.
Còn ông Lâm Thanh Dũng, Giám đốc HTX Đoàn Kết (Cà Mau) nhìn nhận: Lâu nay việc liên kết trong ngành tôm là có nhưng chưa chặt chẽ giữa các xã viên và HTX với xã viên, ai thích gì làm nấy. “Sự liên kết giữa nông dân và DN còn lỏng lẻo nên khi nông dân bán qua thương lái, lợi nhuận bị teo tóp”, ông Dũng nói.
Theo ông Trần Hữu Mai, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), vào năm 2008, dịch bệnh bùng phát trên tôm, nhưng phía ngân hàng nâng lãi suất. Vì vậy, những năm sau đó, con tôm gặp giá cả bấp bênh, nông dân thua lỗ, nông dân không còn gì thế chấp nên người nuôi phải bỏ ao. Tình trạng này sẽ còn kéo dài nếu Nhà nước không can thiệp kịp thời.
Bà Nguyễn Lê Hoa, Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam cho biết: Sản xuất tôm là một trong những ngành có tốc độ phát triển cao nhất trong ngành thuỷ sản, tăng trưởng bình quân 8,8%/năm trong vòng một thập kỷ qua, chiếm 40% xuất khẩu toàn ngành. Sản xuất tôm là nguồn thu nhập cho khoảng 1 triệu người, trong đó có 80% là người nuôi quy mô nhỏ. Ngành này cũng tạo ra việc làm cho 3 triệu lao động.
Tuy nhiên, sự bùng nổ nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội: hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt.
Mặt khác, chính những người nuôi tôm và DN chế biến cũng đang hứng chịu các khó khăn và thiệt hại nặng nề từ các vấn đề như: dịch bệnh, chất lượng giống, thức ăn, quản lý và quy hoạch vùng nuôi, khô hạn, xâm nhập mặn…
“Chính những khó khăn trên làm cho ngành tôm luôn là ngành có rủi ro cao. Do hạn chế về trình độ kĩ thuật, kĩ năng quản lý thương mại và thị trường khiến người nuôi và DN khó có thể xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả và hút vốn đầu tư”, bà Hoa nói.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Chúng tôi có mô hình mua thiết bị cho DN thuê sử dụng. Khi DN làm ăn có lời và dùng tiền tiết kiệm được do thiết bị này tạo nên thì trả nợ dần cho chúng tôi, không phải tốn chi phí. Nếu DN hoạt động không hiệu quả thì chúng tôi không thu. Vì vậy, nếu nông dân tập hợp lại trong HTX với số lượng đông hoặc do DN tổ chức thì phía trung tâm sẽ cho thuê, để cải thiện năng suất. Vì không thể sản xuất nhỏ lẻ mãi và việc áp dụng công nghệ là điều nên làm trong điều kiện hiện nay”.
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đề xuất giải quyết khó khăn cho ngành tôm gồm 3 việc: DN hoặc HTX tập hợp nông dân và quản lý nuôi tôm từ khâu đầu vào đến đầu ra; ở khâu “đầu tư tài chính” là các công ty cho thuê tài chính, các nhà đầu tư… cho các đối tượng trong chuỗi nói trên vay; khâu “dịch vụ công” gồm các sở, ban, ngành, viện nghiên cứu… là những đơn vị chứng nhận, nếu ai tham gia vào chuỗi này thì được công nhận tôm sạch. Từ đây con tôm truy xuất được nguồn gốc sẽ dễ dàng bán với giá cao.