Nuôi tôm trái phép gây ô nhiễm vịnh Lăng Cô

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:32
Thời gian qua, rất nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã ngang nhiên đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc nuôi tôm ồ ạt, trái với quy hoạch đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm và vịnh đẹp thế giới Lăng Cô…

Tháng 11-2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định số 72 về “Quy định nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng phá Tam Giang- Cầu Hai và Lăng Cô”. Theo quyết định này, cơ sở nuôi tôm bắt buộc phải nằm trong vùng quy hoạch và phải được sự phê duyệt của chính quyền địa phương.

Một hồ nuôi tôm trái phép ở vùng ven vịnh Lăng Cô.

Qua quá trình khảo sát, Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc xác định chỉ có 1 hộ dân ở thị trấn Lăng Cô đủ điều kiện nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1,05ha. Thế nhưng, từ thời điểm cuối năm 2014 đến nay, đã có gần 100 hộ dân đào ao, xây hồ nuôi tôm trái phép với diện tích trên 30ha ở vùng ven đầm Lập An, khu vực Loan Lý, Mũi Doi, Hói Dừa.

Việc người dân ồ ạt đào ao nuôi tôm đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Đáng lo ngại là nước thải từ các hồ tôm chưa qua xử lý được thải thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và cả nguồn nước ở vịnh Lăng Cô…

Chúng tôi tìm về đầm Lập An, khu vực trước đây được người dân Lăng Cô tận dụng nuôi hàu giờ đã được dẹp bỏ; nhưng dọc dải đất cát trắng kéo dài hơn 1km ven khu đầm này lại xuất hiện vô số vuông, khoảnh vừa được người dân đào để nuôi tôm. Theo một cán bộ UBND thị trấn Lăng Cô, do đầu tư nuôi vội vàng, không nắm vững kỹ thuật nên thời gian qua, dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng lây lan đã đẩy các hộ nuôi tôm ở vùng này vào cảnh điêu đứng. Có gần 40 hộ dân phải bỏ hồ, bán hồ hoặc sang nhượng hồ tôm cho người khác do liên tiếp bị thua lỗ.

Cụ thể như trường hợp ông Ngô Quang Thân, ở tổ dân phố Hói Dừa đầu tư 3 hồ nuôi tôm ở khu vực đầm Lập An thua lỗ trên 100 triệu đồng; ông Lê Văn Được có 2 hồ tôm lỗ 80 triệu đồng... Chỉ cho chúng tôi thấy những vuông tôm bỏ hoang cạn đáy, máy móc nằm ngổn ngang, ông Lê Sung (56 tuổi, ở thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô) nói trong sự thất vọng: “Đó là mấy hồ tôm của người dân trong thôn do thua lỗ 2, 3 vụ qua nên không có tiền đầu tư tiếp, vì thế phải bỏ hồ, hoặc bán hồ cho người khác. Riêng gia đình vụ trước thua lỗ gần 70 triệu đồng, nhưng vụ ni vẫn cố vay mượn thêm 100 triệu để mua tôm giống, thức ăn... để nuôi nhằm gỡ gạc lại chút vốn”.

Ông Mai Văn Xỷ, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho hay, để có đất đào ao nuôi tôm, người dân Lăng Cô đã xâm lấn đất nông nghiệp, đất trồng rừng của địa phương nên các ao hồ này đều có diện tích nhỏ hơn 3.000m2 theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Qua kiểm tra, hiện Phòng đã phát hiện có 70 hộ dân nuôi tôm trái phép cạnh khu vực đầm Lập An, ven vịnh Lăng Cô, nên đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính mỗi hộ từ 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm trái phép ở Lăng Cô là rất khó, bởi hiện địa phương vẫn chưa tạo được kế sinh nhai cho người dân khi nghề nuôi hàu trước đây đã bị dẹp bỏ”, ông Xỷ nhận định.

Anh Khoa
.
.
.