Vì sao người dân phản đối dự án nuôi tôm ở xã Tam Tiến?

Thứ Hai, 22/02/2016, 09:16
Một dự án nuôi tôm trên cát với kinh phí hàng chục tỷ đồng được cho là bền vững, có lợi ích thiết thực đến sản xuất của người dân, là mô hình mẫu của tỉnh Quảng Nam, nhưng khi mới triển khai một gói thầu của dự án đã bị người dân phản đối. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?


Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào tháng 6-2015, với tổng kinh phí 41,8 tỷ đồng, do ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án triển khai ở 2 thôn của xã Tam Tiến là Diêm Trà và Long Thạnh. Tại thôn Diêm Trà, dự án sẽ đầu tư hệ thống đường nội bộ, hệ thống điện; 2 bể xử lý nước thải tập trung trong vùng nuôi tôm đã quy hoạch rộng 40ha. 

Tại thôn Long Thạnh, dự án sẽ triển khai xây dựng 1 ao lắng rộng 5ha với 1 trạm bơm nước lớn đặt ngoài bờ biển để lấy nước biển vào ao, sau đó thông qua hệ thống đường ống dẫn vào các ao nuôi tôm trên cát tại thôn Diêm Trà. Đây được xem là mô hình điểm của tỉnh Quảng Nam về việc nuôi tôm trên cát.

Tuy nhiên, ngày 17-2, khi Công ty CP 6.3, đơn vị thi công xây dựng ao lắng tại thôn Long Thạnh, vận chuyển lán trại đến phục vụ cho công tác thi công thì gặp phải sự cản trở của người dân địa phương. Hàng trăm người dân mang theo cả trống đến khu đất dự kiến xây dựng ao lắng, khua trống ầm ĩ, phản đối việc thi công tại đây. Tình thế cấp bách khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc can thiệp, còn đơn vị thi công thì đành phải vận chuyển lán trại quay trở về.

Người dân nuôi tôm tự phát ở Tam Tiến gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Lý do của việc phản đối này được người dân đưa ra vì họ cho rằng, việc xây dựng ao lắng sẽ làm cho nước mặn của biển trong ao lắng thẩm thấu xuống đất ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm sinh hoạt. Đồng thời, khi xây dựng ao lắng sẽ làm cản trở con đường đi ra biển, nơi có tàu thuyền của họ thường neo đậu. 

Bà Bùi Thị Lý (68 tuổi, trú tổ 3, Long Thạnh) cho biết, khu đất xây dựng ao lắng cách biển khoảng 500m, trong khi ở Long Thạnh lâu nay đã đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt do việc nuôi tôm tự phát của các hộ dân. 

“Nếu bây giờ thực hiện xây ao lắng ở đây với diện tích lên đến 5ha thì nguy cơ thẩm thấu nước mặn xuống mạch nước ngầm sẽ rất lớn, từ đó việc thiếu nước ngọt cho việc sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là trong cao điểm mùa khô, sẽ xảy ra”, bà Lý tỏ vẻ bức xúc nói. 

Nhiều bà con cho hay, trước khi triển khai dự án này, chính quyền xã Tam Tiến chỉ mới họp dân 1 lần duy nhất vào ngày 5-11-2015 để thông tin dự án, nhưng không đưa ra các quyết định, công văn liên quan nên tại cuộc họp đó bà con cũng đã có ý kiến phản đối dự án…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, giải thích, việc xây dựng ao lắng rộng 5ha tại thôn Long Thạnh nằm trong diện tích đất của xã quản lý và cách khu dân cư hơn 200m. Đây là một dự án dân sinh nhằm phát triển bền vững diện tích nuôi tôm trên cát đã được quy hoạch của xã.

Toàn xã Tam Tiến có 361ha diện tích nuôi tôm nhưng do thời gian qua người dân nuôi tôm tự phát dọc sông Trường Giang nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm ở địa phương. Các ao tôm hiện nay đều phải làm đường ống dẫn nước mặn từ biển vào với chi phí cao. Chính vì vậy, khi dự án này hoàn thành sẽ đảm bảo nguồn nước đầu vào, tiết kiệm chi phí cho người dân cũng như nguồn nước thải được xử lý, không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Còn ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết, hạng mục xây ao lắng ở thôn Long Thạnh có kinh phí 19,9 tỷ đồng. Trong đó phần đáy của ao sẽ được lót bằng một loại bạt chuyên dụng có độ bền từ 15-20 năm và đã được thực hiện thành công tại nhiều địa phương trên cả nước nên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm như người dân lo lắng. 

Trước phản ứng của người dân thôn Long Thạnh, đơn vị thi công ao lắng này đã tạm dừng thi công. Sắp tới, lãnh đạo xã Tam Tiến, huyện Núi Thành và Ban Quản lý sẽ tiến hành đối thoại với người dân để giải thích rõ những thắc mắc của họ, qua đó tìm được tiếng nói chung để không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án…

Ngọc Thi
.
.
.