Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản huy động vốn cho cao tốc Bắc - Nam

Thứ Tư, 19/07/2017, 09:51
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đánh giá lại nợ công và các nghĩa vụ của Chính phủ trong các dự án đầu tư PPP; nghiên cứu cơ chế thí điểm bảo lãnh cho một số dự án PPP quan trọng và phương án huy động vốn cho cao tốc Bắc Nam...

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trong đó Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại nợ công và các nghĩa vụ của Chính phủ trong các dự án này; nghiên cứu cơ chế thí điểm bảo lãnh cho một số dự án PPP quan trọng và phương án huy động vốn cho cao tốc Bắc Nam...

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian nghiên cứu, sửa đổi các luật có liên quan và xây dựng Luật Đầu tư PPP, đồng ý về nguyên tắc các nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 15 và Nghị định 30 như theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư; giao Bộ này khẩn trương tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo sửa đổi, trình Chính phủ trong tháng 8 này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổng hợp lại nợ công và nghĩa vụ tài chính của Chính phủ trong các dự án BOT.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Nghị định sửa đổi phải đặt vấn đề quản lý theo cách tiếp cận đầu ra: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố nhu cầu về công trình, dịch vụ công để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin một cách bình đẳng.

Nhà đầu tư tự cân đối nguồn lực (bao gồm vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn tín dụng, mức lãi tín dụng, mức lợi nhuận chấp nhận được của nhà đầu tư, các rủi ro...) để quyết định việc tham gia đấu thầu. Nhà đầu tư/Doanh nghiệp được thu giá, phí dựa trên chất lượng dịch vụ cung cấp; chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ gắn với quyền lợi của mình trong quá trình khai thác, vận hành dự án.

Tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai dự án: từ quyết định chủ trương đầu tư, cân đối nguồn lực, thẩm định dự án, lựa chọn nhà đầu tư và giám sát tổ chức thực hiện, vận hành công trình. Các bộ, ngành và địa phương phải ưu tiên dành nguồn lực ngân sách để hỗ trợ các dự án có khả năng đầu tư PPP; khi đấu thầu không thành công mới xem xét đầu tư công. Nghiên cứu rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng; dự thảo cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10-2017.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính tính toán cụ thể các kịch bản về khả năng huy động vốn tín dụng, bảo đảm đáp ứng phương án đầu tư dự kiến trình Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, các bộ cũng được yêu cầu thống kê vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn ngành (từ Trung ương đến địa phương) đối với từng ngành, lĩnh vực, phân theo từng nhóm ngành cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, đánh giá số liệu về nợ công của các dự án và các nghĩa vụ về tài chính của Nhà nước trong các hợp đồng PPP đã ký với nhà đầu tư trong từng ngành và trong nước; Bộ Tư pháp rà soát, báo cáo chung về nghĩa vụ pháp lý của cơ quan nhà nước trong các hợp đồng đã ký (các cam kết có khả năng dẫn đến tranh chấp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế)... 

Vũ Hân
.
.
.