Nỗi lo trước mùa khô hạn ở Ninh Thuận

Thứ Ba, 10/04/2018, 08:28
Nằm ở cực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận là vùng đất nắng gió khốc liệt nên nhiều cánh đồng đất nối liền những dãy núi đá luôn phải đối mặt với khô hạn, cháy khát. 

Mới đầu mùa khô nhưng nắng như trút lửa khiến cho nông dân lâm vào cảnh khốn khó khi cừu chết hàng loạt vì thiếu cỏ tươi và nước uống…

Đến thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái một trưa đầu tháng tư, chúng tôi chứng kiến nhiều loại cây trồng khô héo phơi thân còm cõi dưới nắng gió và những con suối cạn kiệt nguồn nước. 

Đứng bên thửa đất khô cằn, nứt nẻ, ông Đạo Văn Nô – dân tộc Raglai chỉ tay về phía đàn cừu lang thang tìm kiếm những cây cỏ xanh còn sót lại bên cây cối hoang dại khô khốc ở bên đường, nói bằng âm giọng buồn tẻ: “Đàn cừu này hơn 1.400 con, do tôi cùng ba gia đình khác ở cùng làng nhận khoán chăn thuê cho ông Trần Công Hòa với mức tiền công một năm mỗi gia đình 25 triệu đồng. Mỗi ngày chúng tôi luôn nỗ lực chăm sóc, nuôi dưỡng đàn cừu, nhưng gần một tháng qua đã có hơn 100 con cừu lần lượt chết vì kiệt sức do thiếu cỏ tươi và nước uống”. 

Nắng hạn gay gắt khiến cho nhiều đàn cừu ở Ninh Thuận thiếu cỏ tươi và nước uống.

Ông Hòa cho biết: “Để có đàn cừu này, tôi đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, đó là chưa tính đến chi phí xây dựng chuồng trại 600m². Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn cừu, tôi đã đầu tư trồng cỏ trên diện tích 2ha nhưng không đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho đàn cừu. Cách đây ba năm, đại hạn khốc liệt mùa khô năm 2015 đã “xóa sổ” hơn 700 con cừu của gia đình tôi cũng do đói, khát. Bây giờ thêm một lần nữa đối mặt với hạn hán khốc liệt, ngoài việc thuê thiết bị cơ giới chuyên dụng đào ao tìm nguồn nước hiếm hoi, mỗi ngày tôi phải chi phí 500.000 đồng mua rơm, cỏ và sữa để chăm sóc đàn cừu. Nếu kéo dài tình trạng này, tôi chưa biết phải làm gì trước khó khăn thử thách do thiên tai”.

Cách đó không xa, ông Ka Tơ Đáy nỗ lực chăn nuôi đàn cừu 300 con với hy vọng đổi mới đời sống kinh tế gia đình, không ngờ hơn nửa tháng qua hàng chục con cừu lần lượt bị chết. 

Lý giải nguyên do, ông Ka Tơ Đáy nói: “Thiếu nước uống, không có cỏ tươi chớ đâu phải tai họa, dịch bệnh gì đâu”. 

Cũng trong tình trạng khốn khó như thế, gia đình ông Nguyễn Công Bảy chăn nuôi đàn cừu gần 250 con nhưng một tháng qua đã có hơn 50 con bị chết.

Tìm hiểu từ người chăn nuôi cừu ở xã Phước Trung, chúng tôi được biết, khi những con cừu mẹ kiệt sức không sống nổi thì cừu con cũng chết vì thiếu nguồn sữa. 

Trước sự cố cừu chết hàng loạt do đói, khát, nhiều chủ trang trại đã phải đi tìm kiếm nguồn nước và mua từ nơi khác chuyển đến với giá mỗi bao 70.000 đồng, vừa tính toán giải pháp tình thế bằng cách bán dần đàn cừu với giá mỗi con trên dưới 1 triệu đồng để thu hồi vốn, chứ để khi cừu chết thì giá bán chỉ còn 100.000 đồng một con, thậm chí lắm khi phải đưa xác cừu xuống hố để tiêu hủy vì chẳng ai mua.

Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, khô hạn nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều địa bàn, mực nước tại các hồ chứa Ông Kinh ở huyện Thuận Bắc, Phước Nhơn ở huyện Ninh Hải, Tà Ranh ở huyện Ninh Phước đã cạn dần nên nhiều địa phương vùng hạ lưu các hồ phải gác lại hoặc giảm bớt diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu để dành nguồn nước uống cho bò, dê, cừu…

Trong khi đó, ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh có đàn cừu hơn 160.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước… 

Chi cục đã điều tổ công tác về huyện Bác Ái để kiểm tra, đánh giá thực trạng và nguyên nhân khiến cho hàng trăm con cừu chết, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi chủ động dự trữ, bảo quản nguồn thức ăn, nước uống cho cừu, dê, bò khi có cảnh báo thời tiết khô hạn kéo dài, bán bớt gia súc đủ định lượng thịt, tách đàn thành nhóm nhỏ để dễ tìm kiếm thức ăn và mở hướng di đàn đến những nơi có đủ thức ăn, nước uống.

Hữu Toàn
.
.
.