Những đổi thay trên vùng giới tuyến

Thứ Bảy, 23/05/2020, 10:45
45 năm sau ngày đất nước hòa bình, vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) từng được ví như “cái rốn” của bom đạn chiến tranh, qua bàn tay và khối óc của con người đã trở mình liền lại những vết thương, hình thành nên vườn cây trái tươi xanh, mở ra một điểm đến đầy hấp dẫn trên cung đường du lịch miền Trung…


Những mùa vàng trên miệng hố bom

Từ Tùng Luật – làng quê bên cửa biển, ngược dòng Bến Hải, đi qua những vùng đất Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, lên Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy… khó có thể hình dung được mảnh đất bên bờ giới tuyến này đã từng có những năm tháng chìm trong khói lửa chiến tranh ác liệt, bom xới đạn cày, hố bom chồng lên hố bom. Giờ đây, màu xanh của cây cối đã trải đều trên những làng mạc. Dưới cái nắng của tháng Năm, trên cánh đồng, những chiếc máy cày đang phát huy tối đa công suất làm đất chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh đang đổi thay từng ngày.

Ông Trần Văn Hải – Giám đốc HTX Đức Xá (Vĩnh Thủy) gạt vội mồ hôi trên mặt, phấn khởi nói: “Vụ này đã là mùa thứ 6 người dân canh tác lúa hữu cơ; 5 vụ trước lúa cho năng suất cao, thu hoạch có lãi. Vui nhất là hạt gạo làm ra đảm bảo chất lượng, ngon cơm”. Cũng như nhiều nông dân khác, mấy năm trước, khi nghe nhắc đến lúa hữu cơ, ông Hải rất băn khoăn. Nhưng rồi qua làm thử, thấy hiệu quả, bà con chuyển sang canh tác thật. “Thông thường, lúa cho năng suất mỗi ha tầm 60 tạ, nay canh tác hữu cơ cho đến 70 tạ/ha. Canh tác lúa hữu cơ, người dân còn thu hoạch thêm được cá trong chân ruộng”, ông Hải nói.

Chia sẻ về lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh cho biết, ước tính đến thời điểm hiện tại, huyện có vùng chuyên canh cây trồng cho giá trị cao, như: Hồ tiêu hơn 1.300ha, cao su gần 6.600ha, trồng rừng và cây ăn quả.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận 6 nhãn hiệu hàng hóa tập thể, gồm: Ném Vĩnh Linh, lạc Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, đậu xanh Vĩnh Giang, khoai môn Vĩnh Linh, hồ tiêu Vĩnh Linh. Bằng cách ấy, đời sống người nông dân Vĩnh Linh dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm hơn 50 triệu đồng...

Điểm xanh trên bản đồ du lịch 

Vĩnh Linh bây giờ không chỉ có những cánh đồng xanh bạt ngàn của lúa, hồ tiêu, hoa màu… Những di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bằng câu chuyện về sức sống trường tồn của ý chí và nghị lực phi thường của người và đất Vĩnh Linh trong chiến tranh. Nằm trên quốc lộ 1A, Cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Sông Bến Hải luôn là điểm đến đầu tiên trong hành trình tour tuyến du lịch của du khách thập phương.

Cùng vợ nắm tay nhau đi qua cây cầu hai màu sơn, ông Hoàng Nghi, nhân chứng sống bên bờ Hiền Lương bộc bạch: “Cuộc sống ở giới tuyến bây chừ không còn cảnh đứng bên ni ngó qua bên nớ mà nhớ thương vời vợi”.

 Ông Nghi từng là dân quân trên miền giới tuyến này. Mối tình của ông và người con gái bên kia sông Bến Hải từng được nhiều người dân nơi đây biết đến. Đám cưới của họ là một trong những đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau ngày thống nhất, được ví như một cuộc se duyên đôi bờ Bến Hải.

Từ Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Sông Bến Hải xuôi về phía biển tầm 15km là hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc. Nơi ghi dấu về ý chí quật cường của người Vĩnh Linh trong những năm tháng xẻ lòng đất để trường tồn. Ngay từ năm 1983, di tích đã mở cửa đón khách du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử là vấn đề được chính quyền tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Vĩnh Linh nói riêng quan tâm đặc biệt. Đó là nơi để những người lính trên chiến trường năm xưa trở lại, để những người con mang dòng máu Việt tìm về và để cho cả những du khách muôn nơi đến, hiểu hơn giá trị của hòa bình.

Bản đồ du lịch của mảnh đất bên bờ giới tuyến này ngoài di tích lịch sử còn có nhiều danh thắng nổi tiếng như: Bãi tắm Cửa Tùng, rừng nguyên sinh Rú Lịnh… 

Gần đây, du lịch Vĩnh Linh còn được nhắc đến địa danh Mũi Trèo ở thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim. Một điểm đến nên thơ nép mình bên những triền đồi, phía trước là biển xanh, cát trắng. Mũi Trèo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó, Tập đoàn Pacific Healthcare xúc tiến đầu tư Khu du lịch Mũi Trèo với kinh phí dự kiến 3.500 tỷ đồng. 

Về Vĩnh Linh bây giờ nghe người dân kể về câu chuyện cổ tích- cổ tích có thật với cơm ngon, áo đẹp, bình yên trong mỗi nếp nhà. Không còn cảnh bưng bát cơm trộn sắn vừa ăn vừa lắng tai nghe tiếng máy bay địch trong tư thế sẵn sàng xuống hầm trú ẩn, cũng không còn cảnh ly tán, chia xa.

Nói như chị Lê Thị Tố Hoài, Trưởng Ban Quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc: “Có rất nhiều điều để tự hào về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nhưng nếu ai hỏi về Vĩnh Linh nói chung và địa đạo Vịnh Mốc nói riêng, tôi thường nói thế này: Đã có những năm tháng, người dân quê tôi phải xẻ lòng đất để sinh sống, phải rời vòng tay của cha mẹ để ra đi khi còn trứng nước để bảo tồn nòi giống, để học hành, để đánh trả kẻ thù mạnh vào bậc nhất thế giới. Không một nỗi khổ nào có thể sánh, nhưng chúng tôi đã chỉ ra cho kẻ thù thấy rằng chân lý luôn thuộc về lẽ phải”.

Ý chí quật cường ấy được nối tiếp, chảy trong huyết quản để người Vĩnh Linh cùng xây dựng cuộc sống mới như hôm nay!

Thanh Bình
.
.
.