Người Đồn trưởng Công an ở giới tuyến Vĩnh Linh

Thứ Ba, 22/08/2017, 13:10
Một thời chiến tranh máu lửa, ông cùng đồng đội đã vượt qua mưa bom bão đạn để trung chuyển, đảm bảo an toàn cho hàng nghìn con em cán bộ cách mạng từ miền Nam ra Bắc học tập.


Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, với chức vụ Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Trị Thiên, ông luôn sát cánh cùng đồng đội mưu trí phá hàng loạt vụ trọng án gây rúng động dư luận thời bấy giờ… Đó là chuyện của Thiếu tá Phạm Văn Ngữ - Chuyện của một người anh hùng...

Nỗi nhớ đồng đội thời hoa lửa

Chúng tôi đến thăm Anh hùng LLVTND, Thiếu tá Phạm Văn Ngữ trong căn nhà nép mình bên con đường nhỏ, của phường Xuân Phú, TP Huế vào một ngày đầu tháng 8. Đã vào tuổi 93, với 69 năm tuổi Đảng, nhưng ông Ngữ vẫn minh mẫn, nhớ rõ từng sự kiện lịch sử mà bản thân ông tham gia trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Anh hùng LLVTND Phạm Văn Ngữ.

Bên chén trà thơm ngát, ông Ngữ kể rằng, ông sinh ra ở vùng quê truyền thống cách mạng xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy. Năm 20 tuổi, ông gia nhập Đại đội quyết tử quân huyện Hương Thủy và sau đó được cấp trên biên chế vào Trung đoàn Trần Cao Vân nổi tiếng với nhiều trận đánh Pháp thắng lợi lẫy lừng tại Huế. Ông Ngữ nhớ lại: “Tháng 4-1947, tôi được giao chỉ huy Tiểu đội đại liên hình thành thế gọng kìm đánh địch tại Võ Xã, xã Thủy Bằng. Lúc này, địch dùng hỏa lực mạnh áp chế khiến xạ thủ đại liên hy sinh. Trước tình thế đó, tôi liền xung phong ra vị trí đặt đại liên để tiếp tục chiến đấu…

Lúc ấy, tay trái tôi trúng đạn bị gãy, máu ra rất nhiều. Tôi chỉ kịp dùng ống tay áo cuốn lấy vết thương rồi chĩa nòng súng hướng về phía quân địch mà nhả đạn. Trận đánh ác liệt diễn ra suốt 1 ngày đêm, ta giành thắng lợi, gần 50 lính ngoại xâm phải bỏ mạng tại trận địa này”. Ông Ngữ xắn tay áo cho chúng tôi xem vết sẹo còn hằn in nơi cánh tay trái là bằng chứng của cuộc chiến đấu năm xưa.

Đáng trân trọng là khi ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Ngữ luôn nhắc đến 2 từ “đồng đội”. Có lẽ với ông, hình ảnh thân thương của đồng đội cùng kề vai, sát cánh một thời đánh giặc, từng chia ngọt, sẻ bùi còn mãi trong tâm trí; dù ông biết rằng, cuộc chiến đấu đánh giặc ngày ấy có nhiều hy sinh, mất mát.

Người lính già kể tiếp rằng, sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông được điều ra Bắc làm Đồn trưởng Công an vũ trang, thuộc Đại đội 2 khu vực giới tuyến Vĩnh Linh và sau đó là Phó phòng Cảnh sát Nhân dân, thuộc Ty Công an Đặc khu Vĩnh Linh. Từ năm 1967 đến những năm đầu 1970, Vĩnh Linh gánh chịu hàng nghìn tấn bom B52 do quân đội Mỹ ném xuống. Làng mạc, trường học, trạm xá ở đây đều bị san phẳng.

Để có thể bám trụ chiến đấu, người dân đất thép Vĩnh Linh phải đào hầm sâu vào lòng đất từ 10m đến hơn 20m, chia làm nhiều tầng và nhiều ngăn. Cứ mỗi ngăn nhỏ như thế là nơi trú ẩn của một gia đình. Vì thế, ngoài nhiệm vụ chống gián điệp, biệt kích, nắm tình hình địch ở bên kia giới tuyến, ông Ngữ cùng đồng đội còn giúp dân đào giao thông hào, địa đạo nối liền từ xã này qua xã khác để trú ẩn và phục vụ công tác chiến đấu.

“Đặc biệt trong thời kỳ này, đơn vị tôi nhận một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là tiếp nhận đưa an toàn con em cán bộ ở khu vực Vĩnh Linh (K8, K10) và con em ở miền Nam (K15) ra miền Bắc đào tạo, học tập cũng như bảo vệ hàng nghìn tấn lương thực, súng đạn chuyển vào Nam phục vụ chiến đấu.

Từ 18 giờ hằng đêm, tôi cùng đồng đội trực tiếp đưa con em cán bộ từ Vĩnh Linh đến Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) để bàn giao cho binh trạm. Suốt hơn 4 năm ròng rã như thế, chúng tôi lặng lẽ làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn, máy bay địch càn quét… mà lúc nào cũng lo lắng, vì phải đảm bảo tuyệt đối tính mạng con em của những gia đình cách mạng ở miền Nam ra Bắc học tập”, ông Ngữ tâm sự…

Cho tôi xem lại những kỷ vật chiến tranh từ vĩ tuyến 17 năm xưa được gìn giữ cẩn thận qua nhiều năm tháng, ông Ngữ bồi hồi: “Thành tích tiếp nhận, bảo vệ, luân chuyển con em K8, K10, K15 của lực lượng Công an nói chung và Công an Vĩnh Linh nói riêng ra Bắc đào tạo và sau đó vào miền Nam chiến đấu được ghi vào lịch sử CAND Việt Nam.

Trong đó có tấm gương đồng chí Nguyễn Bá Chưng, Trung sĩ Cảnh sát bảo vệ giao thông làm nhiệm vụ tại bến phà Xuân Sơn ở sông Son (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) hy sinh sau khi bảo vệ an toàn cho đoàn xe chở các cháu K10 đi qua. Sau này đồng chí Chưng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND”…

Còn mãi những chiến công...

Theo lời ông Ngữ, tháng 3-1972, ông được cấp trên phân công giữ chức vụ quyền Trưởng phòng An ninh, thuộc Ty Công an Thừa Thiên- Huế. Để bảo vệ sự an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Mặt trận giải phóng, Quân khu và công tác chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông đã lập 8 đồn Công an vùng giáp ranh giữa các huyện và chiến khu cùng nhiều đồn nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đến tháng 3-1975, sau khi bộ đội chủ lực giải phóng Huế, đơn vị ông về tiếp quản, bảo vệ cơ quan đầu não, tài sản, tài liệu cơ mật...

Năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên sát nhập, ông giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Trong 7 năm công tác đến lúc về hưu, ông đã mưu trí phá hàng loạt vụ trọng án, góp phần bảo vệ ANTT địa bàn thời bấy giờ.

Đã hơn 40 năm trôi qua, bây giờ tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn nhớ rõ về vụ trọng án xảy ra vào rạng sáng 21-5-1976, ở khu vực cầu Đuồi bắc qua sông Hiếu (nay thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Ông kể, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân về 3 thi thể bị mất đầu, trên người có nhiều vết máu nên ông cùng các điều tra viên lập tức đến hiện trường. Qua công tác khám nghiệm, làm rõ danh tính các nạn nhân; tại hiện trường, ông tìm thấy một cây búa dính máu cùng tờ hóa đơn thuốc mang tên Phạm Văn S. ở TP Huế.

Từ manh mối này, ông chỉ đạo trinh sát lần theo dấu vết kẻ thủ ác, qua đó bắt giữ được đối tượng gây án là Phạm Thanh Hải (trú phường Phú Hiệp, TP Huế). Hải khai nhận chính là tài xế chở 3 nạn nhân nói trên đi từ Huế ra Lao Bảo, nhưng vì thấy họ có nhiều vàng bạc mang theo trên người, từ đó nảy sinh lòng tham nên đã ra tay tàn độc. Tháng 12-1975, TAND tỉnh Bình Trị Thiên tuyên án tử hình đối với Hải.

Anh hùng LLVTND Phạm Văn Ngữ với những bằng khen thành tích đạt được trong chiến đấu.

Bằng sự mưu trí và quyết tâm truy bắt tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người về quy án, đầu năm 1976, ông Ngữ tiếp tục làm rõ vụ  án Phan Mậu Can (ở Hàm Ninh, Lệ Thủy) giết một lúc 4 mạng người gồm vợ, mẹ vợ, 2 đứa con 5 tuổi và 5 ngày tuổi bằng cách cài nổ bọc phá khi cả nhà đang ngủ để buộc đối tượng chịu hình phạt thích đáng của luật pháp là tử hình. Tiếp đó, ông cùng đồng đội được quần chúng nhân dân khen ngợi khi bắt giữ được tên cướp Nguyễn Trớn (20 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) giết người cướp xe máy trên đèo Hải Vân. Đối tượng này cũng chính là thủ phạm gây ra 4 vụ dùng súng giết người xảy ra trước đó tại xa lộ Biên Hòa, đèo Cả, dốc đèo Bảo Lộc và đèo Cù Mông để cướp xe máy...

Mặc dù lập được nhiều chiến công trong thời chiến, cũng như vào thời bình, song trở về đời thường, ông Ngữ sống cuộc sống giản dị cùng người vợ hiền để nuôi dạy 6 người con nên người, trong đó có 3 người con đứng vào hàng ngũ lực lượng CAND.

Với những thành tích xuất sắc, năm 2015, ông Ngữ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen về những thành tích đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ cùng nhiều Huân, Huy chương cao quý…

Đáng trân trọng là khi ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Ngữ luôn nhắc đến 2 từ “đồng đội”. Có lẽ với ông, hình ảnh thân thương của đồng đội cùng kề vai, sát cánh một thời đánh giặc, từng chia ngọt, sẻ bùi còn mãi trong tâm trí; dù ông biết rằng, cuộc chiến đấu đánh giặc ngày ấy có nhiều hy sinh, mất mát.
Anh Khoa
.
.