Ngư dân miền Trung trúng “lộc biển” cuối năm
- Những chuyến tàu đầy ắp “lộc biển” trở về từ khơi xa
- Ngư dân miền Trung trúng đậm 'lộc biển'
- Trúng đậm lộc biển từ Hoàng Sa
Những ngày cuối năm, do ảnh hưởng không khí lạnh từ phía Bắc khiến thời tiết rét đậm nhưng bên trong khu vực cảng cá tỉnh Thừa Thiên - Huế ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, vẫn nhộn nhịp những chuyến xe tải nối đuôi nhau đến thu mua hải sản.
Chúng tôi tìm đến tàu cá TTH-91982TS và chứng kiến 5 nhân công đang gom hải sản từ khoang thuyền cho vào sọt để đưa lên bến cảng. Anh Nguyễn Văn Tý (42 tuổi, trú thôn Tân Bình, Thuận An) “đi bạn” trên tàu cá này, chia sẻ: “Nếu chuyến biển nào cũng trúng đậm tôm, cá như đợt này thì chắc giàu to rồi!”.
Anh Tý kể, tàu cá của anh và các bạn thuyền thường đánh bắt hải sản cách bờ trên 50 hải lý. Trong chuyến biển vào cuối tháng 11 âm lịch này, tàu anh Tý “đi bạn” vươn khơi ra xa bờ hơn để đánh bắt cá ngừ đại dương và không ngờ thu được hàng chục tấn cá, trong đó có gần 3 tấn cá ngừ có giá trị kinh tế cao.
Tàu cá ngư dân Thừa Thiên - Huế “trúng đậm” hải sản trong chuyến đi biển cuối năm. |
Không chỉ tàu cá anh Tý trúng đậm “lộc biển”, vào những ngày cuối năm, nhiều tàu cá khác của ngư dân huyện Phú Vang cũng gặp may mắn khi chỉ sau mấy ngày vươn khơi đã cập bến với tôm, cá đầy khoang. Cho tàu rẽ sóng cập cảng, ngư dân Nguyễn Hôi (thôn Hải Bình, Thuận An), chủ tàu cá vỏ thép TTH-99997.TS rời buồng lái bước xuống bến bắt tay với các thương lái đang đợi sẵn để thu mua hải sản. Lão ngư có nước da đậm màu biển cả cho hay, trong hơn nửa tháng vươn khơi đánh bắt xa bờ, dù đã bán gần 1/2 sản lượng hải sản đánh bắt được cho các tàu dịch vụ trên biển, nhưng tàu vẫn phải cập bờ để tiếp thêm nhiên liệu và bán số hải sản còn lại cho thương lái.
“Những chuyến biển cuối năm, tàu chúng tôi thường đánh bắt cách bờ từ 70-80 hải lý, vươn khơi đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và thu về nhiều tôm, cá. Nếu trừ chi phí xăng dầu, đá, tiền thuê nhân công thì vẫn lãi ròng cả trăm triệu đồng. Vì thế mà có thêm tiền để trả vốn vay đóng tàu và sắm sửa Tết nhất cho các con”, ông Hôi tâm sự.
Theo các ngư dân, dù đóng tàu vỏ thép tốn đến “tiền tỷ” nhưng với ước mơ vươn khơi xa, đoàn kết cùng những đoàn tàu xa bờ nên rất nhiều ngư dân ở khu vực miền Trung đã đăng ký đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Điển hình mới đây, ngư dân Trần Dành (45 tuổi, trú thôn Hải Tiến, Thuận An) đã đưa tàu cá số hiệu TTH-91555TS vào hoạt động. Đây là tàu cá vỏ thép thứ 4, cũng là tàu cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế được đóng mới với kinh phí 21 tỷ đồng.
Anh Dành trải lòng: “Sau bao nhiêu năm bám biển bằng con tàu gỗ thì vợ chồng tôi cũng thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu là đóng một chiếc tàu vỏ thép kiên cố để làm nghề biển. Ngoài công suất 829CV, tàu còn được trang bị giàn đèn cao áp 150 bóng và hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy dò cá hiện đại nhằm phục vụ hoạt động vươn khơi đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao. Bên cạnh, tàu còn được thiết kế 5 khoang lớn chứa hải sản và hàng hóa với tổng trọng lượng 150 tấn. Đặc biệt khi gặp các tàu cá tỉnh bạn không may bị sự cố trên biển, tàu chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ...”.
Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song nhờ tinh thần đoàn kết và sự “dám nghĩ dám làm” nên thời gian qua, ngư dân địa phương đã đóng mới thêm gần 20 tàu cá vỏ gỗ và vỏ thép công suất lớn. Nhờ vậy mà năm 2017, sản lượng khai thác hải sản của thị trấn đạt trên 8.700 tấn.
“Biết nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, giá rét như hiện nay nên chính quyền địa phương đã tìm mọi cách để hỗ trợ và động viên các ngư dân vươn khơi bám biển. Đặc biệt vào dịp cận Tết, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao nên cứ sau mỗi chuyến biển, tàu thuyền nào cập bến đầy ắp hải sản thì chúng tôi rất phấn khởi và tự hào bởi đây chính là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Phước khẳng định.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, tỉnh hiện có gần 2.000 chiếc tàu cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có 409 chiếc với 200 tàu công suất từ 400CV trở lên và 52 tàu có công suất trên 800CV. Trong năm 2017, sản lượng khai thác hải sản trên biển của ngư dân đạt trên 30.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã có 40/45 tàu cá nằm trong chỉ tiêu hỗ trợ của Trung ương được phê duyệt hỗ trợ đóng mới với tổng vốn vay ưu đãi trên 280 tỷ đồng. Trong đó có 4 tàu cá vỏ thép công suất trên 800CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400-800CV. Điều này khẳng định, Nghị định 67 của Chính phủ đã giúp các ngư dân hiện thực hóa giấc mơ đóng tàu cá công suất lớn, phục vụ hoạt động vươn khơi bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ lãnh hải, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...