Tín hiệu vui từ những làng chài ven biển miền Trung

Những chuyến tàu đầy ắp “lộc biển” trở về từ khơi xa

Thứ Tư, 03/05/2017, 05:56
Thời gian qua, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được làm tốt. việc tiêu thu thủy hải sản đã tăng trở lại như tiếp thêm động lực cho hàng triệu ngư dân miền Trung yên tâm bám biển.

Tại cảng cá Thừa Thiên- Huế, sau đợt nghỉ trăng, nhiều tàu cá đánh bắt từ khơi xa đã trở về cập bến với khoang thuyền đầy ắp hải sản, báo hiệu một chuyến đi biển nhiều thắng lợi.

Vừa cho nhân công đưa cá từ dưới hầm đá lên trên khoang thuyền để bán cho thương lái, lão ngư Nguyễn Văn Mừng (trú ở thị trấn Thuận An), chủ tàu cá TTH-97641TS có công suất máy gần 500 mã lực không giấu hết niềm vui khi đợt ra khơi lần này trúng đậm “lộc biển”.

“Suốt 10 ngày lênh đênh trên biển, tàu của tui với 10 thuyền viên đã nỗ lực đánh bắt để đưa vào bờ 4 tấn hải sản các loại, đáng chú ý trong đó có hơn 1 tấn cá ngừ đại dương được đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Tui nhẩm tính, hiện cá ngừ đại dương với giá bán từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg như hiện nay cộng thêm các loại cá hố, cá thu, cá cam... thì trừ 40 triệu đồng tiền dầu cùng các chi phí khác, thuyền của tôi vẫn còn lãi gần 100 triệu đồng”, ông Mừng cười rổn rảng.

 “Ngư dân được Nhà nước, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu thuyền, chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường, cộng với biển đã sạch và có nhiều tôm cá trở lại nên ai cũng phấn khởi. Những chuyến biển vừa qua, tàu cá của gia đình tui và các tàu trong thôn đều đánh bắt rất hiệu quả, chuyến biển nào cập bến cũng đầy ắp tôm, cá”, cân bán hơn 2 tấn hải sản cho thương lái, ngư dân Phan Ngạch, chủ tàu cá công suất 500CV ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, đứng cạnh ông Mừng chia sẻ.

Tàu thuyền ngư dân Quảng Trị trở về đầy ắp cá tôm.

Theo ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, từ cuối năm 2016 đến những tháng đầu năm 2017, ngư dân thị trấn đã đóng mới thêm 15 chiếc tàu công suất từ 400-950CV, cải hoán hàng chục tàu thuyền, nâng tổng số tàu thuyền toàn thị trấn lên 390 chiếc, với tổng công suất 29.895CV.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết thêm, hiện toàn tỉnh có 2.500 tàu thuyền hoạt động khai thác biển với 12.000 lao động thường xuyên, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90-1.000CV là 358 chiếc với tổng sản lượng đánh bắt hải sản trong quý 1-2017 tuy có giảm nhưng vẫn đạt gần 10.000 tấn.

 “Nhờ vào sự nỗ lực, vươn khơi bám biển thường xuyên và trúng đậm nhiều chuyến “lộc biển” nên không ít ngư dân ở địa bàn tỉnh đã đầu tư đóng mới nhiều tàu cá. Điển hình như ngư dân Phan Tước ở thị trấn Thuận An 3 năm đóng mới 3 tàu cá trên 500CV; gia đình ông Trần Vẹn ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc có 7 tàu đánh bắt cá và hậu cần nghề cá công suất lớn; hay hộ ông Trần Lương ở xã Lộc Trì cũng vừa đóng mới 2 tàu cá công suất 420CV và 830CV. Những tàu cá được đóng mới không những thể hiện quyết tâm bám biển của ngư dân mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương”, ông Đức khẳng định.

Về cảng cá Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chúng tôi như đắm mình trong không khí đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ của bà con ngư dân khi trúng “lộc biển”.

Ông Ngô Văn Hải, ở khối phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng phấn khởi, nói rằng, khoảng 2 tháng lại đây, buổi sáng và buổi chiều hàng ngày có khoảng 30 thuyền cá gần bờ trở về cập bến, với thủy sản đánh bắt được chủ yếu cá hố, cá nục và mực các loại. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi thuyền cá với 5 lao động lãi ròng từ 12-15 triệu đồng.

Còn tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ, bà con đi chừng 1-2 tháng mới trở về. Từ đầu năm đến nay, bà con đã cập bờ 2 chuyến, với khoảng 40 tàu; lượng thủy sản đánh bắt được là vài tấn mỗi tàu; thu lãi ròng từ 200 đến 300 triệu đồng/tàu...

 Theo thống kê của riêng thị trấn Cửa Việt, từ đầu năm 2017 đến nay, bà con ngư dân trên địa bàn đã đánh bắt được hơn 1.000 tấn thủy sản các loại, mang lại nguồn thu khá lớn cho mỗi tàu ra khơi, đánh bắt ở các vùng biển trung và xa bờ.

“Những khó khăn do sự cố ô nhiễm môi trường biển đang dần dần được khắc phục, đẩy lùi, ngư dân đã yên tâm hơn khi bám tàu, bám biển. Bà con ngư dân đều tin tưởng năm nay biển lặng, sóng ru, tôm cá luôn đầy khoang”, nhiều ngư dân làng Thượng Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bày tỏ với chúng tôi như thế.

Xã Đức Trạch có hơn 80% lao động làm nghề biển thì làng Thượng Đức là một làng nghề biển trên 500 năm tuổi với bao câu chuyện thăng trầm. Ngư dân Thượng Đức đều chọn vùng biển Hoàng Sa như quê hương mình. Sau sự cố môi trường biển, giờ đây xã Đức Trạch và làng Thượng Đức nói riêng, cuộc sống ngư dân đã nhộn nhịp, tấp nập trở lại như vốn có…

Thực tế, những vùng biển bãi ngang ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà… tỉnh Hà Tĩnh, hay Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tàu thuyền của ngư dân đã tấp nập ra khơi, vào cảng, với những khoang thuyền đầy ắp cá hố, cá chim, cá cháo và được tiêu thụ nhanh chóng, đã dần ổn định cuộc sống của bà con ngư dân.

Chỉ trong một đêm quăng lưới, anh Mai Văn Tuân, xã Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã đánh bắt được gần 50kg tôm biển, với giá khoảng 100.000 đồng/kg; nhiều ngư dân mỗi đêm thu được từ 2-5 triệu đồng. 

Hay như ngư dân Võ Kiểm ở xã Nhân Trạch cùng 6 thuyền viên, chỉ sau 3 ngày ra biển đã đánh bắt được hơn 10 tấn cá; ngư dân Nguyễn Chiến Trường ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, với chiếc tàu cá vỏ thép QB 98963 TS, công suất 829CV, từ đầu năm 2017 đến nay, thực hiện 3 chuyến đi biển “trúng đậm” hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hài, tổ trưởng tổ tàu cá xa bờ thôn Cồn Sẻ, không chỉ tàu của ông Trường mà nhiều tàu cá xa bờ khác của ngư dân trong thôn cũng trúng chuyến biển mới đây, với doanh thu mỗi tàu từ 200-300 triệu đồng. Tin từ Chi cục Thủy sản Quảng Bình, hầu hết tàu cá xa bờ tại địa phương đều kết thúc chuyến biển đầu tháng 4 trong thắng lợi. Có chủ tàu trả lương cho ngư dân từ 15-20 triệu đồng/chuyến biển khoảng 20 ngày.

Thời gian qua, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được các địa phương làm tốt công tác chi trả như khẩn trương, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng nên đã đem lại nhiều niềm vui cho bà con ngư dân. Nay thời tiết thuận lợi, việc tiêu thu thủy hải sản đã tăng trở lại như tiếp thêm động lực cho hàng triệu ngư dân miền Trung yên tâm bám biển.

Nguyễn Đình Nam, một chủ tàu công suất 90CV chuyên đánh cá tại vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh cho biết, năm nay ngư dân vùng này được mùa cá trích, ngư dân vui không chỉ mỗi việc đánh bắt được nhiều, mà vui nhất là thủy hải sản đã được tiêu thụ trở lại, đánh bắt được chừng nào bà con bán hết chừng đó. Chúng tôi tới bến cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Gần một năm qua, ngư dân làng biển Thạch Kim đã phải chống chọi với bao vất vả, khó khăn sau sự cố môi trường biển vừa qua, thì giờ đây cả làng biển đang đổi thay mạnh mẽ. Những con tàu cập cảng đầy ắp cá, tôm. Khuôn mặt ngư dân đều rạng rỡ niềm vui bên chân sóng. 

A. Khoa – Thanh Bình – Sông Lam
.
.
.