Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Thứ Ba, 08/03/2016, 07:52
Sáng 7-3, tại tỉnh Quảng Ngãi, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương (TW), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.


Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ; lãnh đạo Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và trên 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo của 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trong cả nước đã ký hợp đồng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu, với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Giải ngân và dư nợ đến thời điểm này đạt gần 2.000 tỷ đồng. 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với trên 1.000 tàu đóng mới và 213 tàu nâng cấp, trong đó đóng mới tàu vỏ thép 473 tàu, vỏ vật liệu mới 58 tàu, vỏ gỗ trên 550 tàu. Đến nay, có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động. 

Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm, cả nước đã thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tàu trên 90CV được bảo hiểm là trên 10.000 chiếc, số lao động được bảo hiểm 101.000 người. Tổng giá trị được bảo hiểm là gần 25.000 tỷ đồng. 

Một tàu cá được đóng theo Nghị định 67 được hạ thủy. Ảnh: An Khang.

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của các địa phương, ngân hàng nêu ra những kinh nghiệm, cũng như những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai chính sách, như: thuế giá trị gia tăng trong đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ còn bất cập; vấn đề bảo hiểm, vấn đề thực hiện mô hình chuỗi liên kết - sản xuất - tiêu thụ... Các đại biểu cũng đề xuất để tiếp tục triển khai chính sách có hiệu quả như cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn; chủ động tháo gỡ, vướng mắc và giải quyết khó khăn cùng ngư dân. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình một lần nữa khẳng định tính ưu việt của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản mà Chính phủ ban hành. Đây là một chính sách với nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ tối đa cho ngư dân vay vốn hiện đại hóa tàu cá, các địa phương ven biển từng bước đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến neo đậu tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, giúp cho bà con ngư dân có thu nhập cao vững tin ra khơi khai thác thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Đồng thời, lưu ý Nghị định 67 là một chương trình không phải thực hiện một sớm một chiều mà mang tính chất lâu dài. Các chính sách của nghị định này đã thật sự đi vào cuộc sống, tuy nhiên thời gian đến các bộ, ngành TW, các địa phương và các doanh nghiệp cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Trước hết các bộ, ngành TW phải bám sát lắng nghe việc thực hiện chương trình này, phải lắng nghe ý kiến của ngư dân, của chính quyền địa phương các cấp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc nhằm có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Phải quan tâm công tác đào tạo các thuyền trưởng, máy trưởng, công nghệ khai thác đánh bắt… Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành TW để ban hành những cơ chế phù hợp với thực tế để Nghị định 67 thật sự đi vào cuộc sống. 

Chính quyền các địa phương cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, các ngân hàng thương mại cũng phải cùng vào cuộc với chính quyền ngay từ ban đầu trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn. Làm thế nào khi danh sách các chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt thông qua thì các ngân hàng phải tiến hành cho vay ngay không phải mất thời gian thẩm định lại.

Anh Thư
.
.
.