Chuyện người quản lý

Nâng cao vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Thứ Tư, 13/04/2016, 08:44
Đây là một trong những vấn đề chính được các chuyên gia kinh tế bàn thảo tại hội thảo khoa học “Vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường giai đoạn 2016-2020: Những vấn đề cải cách thể chế” do Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 12-4, tại Hà Nội.


Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận các nội dung như: Vai trò của Nhà nước trong hoạt động đầu tư của Nhà nước; Vai trò của Nhà nước trong việc tăng cường hiệu quả của các đơn vị công ích; vai trò của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống thị trường tài chính của Việt Nam…

Ông Sandeep Maha Jan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua, vẫn còn một số bóp méo đối với nền kinh tế của Việt Nam. Nhiều bộ, ngành vừa điều tiết vừa là chủ sở hữu nhà nước, đưa ra chính sách và hưởng lợi từ chính những chính sách đó. Vì vậy, đó là nguyên nhân làm cho tốc độ tăng năng suất Việt Nam giảm trong 15 năm qua. Nhà nước còn phân tán, vai trò trách nhiệm chưa được xác định rõ ràng, như quản lý chính sách kinh tế vĩ mô, cần phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ, nhưng ở Việt Nam thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính thì chưa rõ ràng…

Nhìn nhận thực tế, Viện trưởng CIEM - TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, thời gian qua, ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn tài trợ lớn nhất cho đầu tư công, nhưng gần đây đầu tư công có xu hướng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay, làm gia tăng nhanh chóng nợ công. Đầu tư công hiện tập trung nhiều vào các ngành, lĩnh vực kinh tế và tiết chế đầu tư xã hội.

Mặc dù, đầu tư công vào các ngành, lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua có giảm nhưng không đáng kể; trong đầu tư công cho những ngành dịch vụ công, liên quan trực tiếp đến phát triển con người, thì hầu như không có sự chuyển biến rõ rệt. Không những thế, hiệu quả đầu tư công có xu hướng giảm, luôn thấp hơn hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế và khoảng cách có xu hướng ngày càng dãn rộng ra.

Một trong những vấn đề dẫn đến hiệu quả đầu tư công thấp, là do chất lượng công tác ước tính nguồn vốn, hiệu quả quản lý kém, dẫn đến các dự án bị đội vốn lên nhiều lần. Sự đầu tư, duy trì vốn Nhà nước dàn trải tại nhiều doanh nghiệp (DN) và nhiều ngành, lĩnh vực làm cho quy mô của DN Nhà nước nhỏ, manh mún, khó tận dụng được lợi thế quy mô, hiệu quả hoạt động không cao, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, năng lực cạnh tranh thấp.

Do vậy, theo ông Sandeep Maha Jan, nếu có sự can thiệp Nhà nước quá nhiều, sẽ bóp méo phân bổ thị trường. Mặc dù, thời gian qua, đã nhiều tiến bộ trong cổ phần hóa, nhưng vai trò Nhà nước vẫn chưa thay đổi nhiều. Trong khi đó, trách nhiệm giải trình chưa đủ mạnh. Việt Nam cần phải giải quyết xung đột lợi ích; các bộ, ngành không thể tiếp tục nắm DN….

Viện phó Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Bích cho rằng, chủ trương của Đảng với đổi mới và thực hiện đổi mới là rất quan trọng: dù chịu áp lực chính trị cao nhất, hoạt động cải cách không đơn thuần là sự thay đổi hành vi mà là sự thay đổi tư duy và đấu tranh lợi ích. Do đó, chúng ta cần có mối quan hệ chặt chẽ giữa đổi mới thể chế và tăng hiệu suất hoạt động cung cấp dịch vụ kết cấu hạ tầng. Các nghiên cứu tiếp sau nên áp dụng hai phương pháp định lượng để đo lường hiệu suất.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công, tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, không đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho DN và các lĩnh vực sản xuất thương mại; bố trí một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia các dự án hạ tầng theo mô hình PPP.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Phan Đức
.
.
.