Lúa gạo Việt Nam chuyển mình với Đề án tái cơ cấu 7.000 tỷ đồng
- "Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam"
- Đảm bảo tuyệt đối ANTT cho Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II
- Chuẩn bị cho Festival lúa gạo Việt Nam lần II
Từ một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam đang thụt lùi vị trí của mình. Nhiều chuyên gia nhận định, hàng loạt tồn tại như mức tổn thất sau thu hoạch cao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận chuyển như cảng, đường… còn yếu khiến chi phí bị đội lên nhiều lần... đã làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Và nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ tự đánh mất uy tín của mình và nhường cả “sân nhà” cho gạo ngoại.
Để thay đổi diện mạo của ngành lúa gạo, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thông qua đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo với kinh phí thực hiện gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu lớn nhất của đề án này là thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện hằng năm và bảo đảm lợi nhuận từ 30% tổng thu trở lên.
Ngành lúa gạo sẽ có 5 năm để “cựa mình” trỗi dậy. |
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 có 25 chương trình, dự án được ưu tiên vốn, gồm các nội dung như: quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; các dự án, đề tài khoa học công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống; tổ chức sản xuất và cơ giới hóa, chế biến; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…
Đề án đưa ra định hướng sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao. Hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và ven biển. Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích lúa xuân hè và lúa vụ ở nơi không đủ điều kiện.
Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 gồm: giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên; 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện hằng năm và bảo đảm lợi nhuận từ 30% tổng thu trở lên.
Ngoài ra, đề án cũng đề cập đến việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay…; đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu khoa học và khuyến nông, doanh nghiệp kinh doanh vật tư đầu vào có liên kết với nông dân.
Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào việc xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành liên kết và lâu dài giữa các tổ chức liên kết sản xuất của nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp nòng cốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã đưa ra lộ trình thực hiện và danh mục các dự án cần ưu tiên thực hiện từ năm 2017 - 2022. Tổng kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, 5.000 tỷ đồng là dự án hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ. Ngoài ra, là hàng loạt các dự án về chọn giống lúa, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và các chủng loại gạo phục vụ xuất khẩu… được lên kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), ngành lúa gạo của nước ta có chi phí sản xuất cao nhưng lợi nhuận mang lại thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Ấn Độ, thậm chí là Campuchia.
“Gần 30 năm xuất khẩu gạo, nước ta chỉ loay hoay tập trung vào thị trường châu Á. Thời gian gần đây có xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu nhưng vừa qua nhiều container gạo bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép. Ngược lại, Campuchia mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo nhưng 71% tổng lượng gạo xuất khẩu của họ xuất sang thị trường châu Âu với giá cao. Trong khi 76% lượng gạo xuất khẩu của nước ta lại xuất sang thị trường châu Á với giá thấp nên xuất nhiều nhưng lợi nhuận không nhiều”, ông Kiên đánh giá về thực trạng ngành lúa gạo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại khi nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều vướng mắc, khi tài nguyên đất và nước đang ngày càng khan hiếm do quá trình đô thị hóa.
Bà Lan cho rằng: “Công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp còn yếu mặc dù Nhà nước đã có chính sách khuyến nông song chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Dân số làm nông nghiệp đang bị già hóa. Sản xuất nông nghiệp phải ứng phó với nhiều thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường do con người gây ra... Do đó, phải tiến tới một nền nông nghiệp dựa trên hiệu quả và giá trị gia tăng cao hơn, phải có cuộc cải cách sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế để hỗ trợ và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển”.
Theo bà Phạm Chi Lan, để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, Nhà nước cần tập trung vào các nội dung quan trọng như: Tạo môi trường phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường; đổi mới thể chế về đất nông nghiệp; phối hợp hành động để tăng trưởng cho mọi người và định vị lại ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cần thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bởi đây là "2 nhà" quan trọng trong chuỗi ngành hàng. Nhà nước thực hiện chức năng giám sát cả 2 bên trong việc tuân thủ nghiêm ngặt về hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức tổ chức thương mại gạo, chủ động cung cấp thông tin thị trường, cùng doanh nghiệp quản lý rủi ro.