Loay hoay đấu giá khoáng sản

Thứ Tư, 18/11/2015, 09:41
Sau hơn 5 tháng triển khai thử nghiệm đấu giá khoáng sản, đến nay vẫn chưa có mỏ nào được đấu giá thành công. Chủ trương lớn của Chính phủ nhằm xoá bỏ cơ chế xin – cho trong hoạt động khoáng sản đang đứng trước nguy cơ thất bại.

Bất cập lớn nhất trong hoạt động khai khoáng hiện nay là tình trạng khai thác một cách ồ ạt nhưng lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể, người dân địa phương không được hưởng lợi ích. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại chính sách về khoáng sản nhằm minh bạch hoạt động khai khoáng, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Khai thác khoáng sản hiện nay chưa mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách Nhà nước.

Nếu như trước đây, việc cấp mỏ được thực hiện theo cơ chế xin – cho, doanh nghiệp nào nộp đơn trước sẽ được cấp phép, thì nay, sau khi đấu giá, các doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền lớn, đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Những doanh nghiệp và cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu giá và trả giá cao hơn sẽ được Nhà nước cấp mỏ. Những trường hợp không đấu giá và những trường hợp được cấp phép trước ngày Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực sẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chính thức triển khai đấu giá thử nghiệm 4 mỏ khoáng sản lớn đầu tiên, kể từ ngày 1/7. Cụ thể, mỏ cát thạch anh (cát trắng) tại khu vực xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có giá khởi điểm 18 tỉ đồng, đặt trước 900 triệu đồng.

Mỏ quặng sắt tại huyện Yên Lập và huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có giá khởi điểm R=2% (R là mức thu cấp quyền khai thác khoáng sản, được quy định bằng tỉ lệ phần trăm giá trị khai thác của mỏ), tiền đặt cọc là 1 tỉ đồng. Mỏ fluorit tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình tại tỉnh Cao Bằng có giá khởi điểm R=2%, mức tiền đặt trước là 500 triệu đồng. Mỏ đá metacacbonat tại xã Suối Giàng và xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có giá khởi điểm R=1%, tiền đặt trước là 1,5 tỉ đồng.

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi chưa thể triển khai đấu giá do số lượng đơn vị đủ tư cách chỉ có 2, trong khi quy định phải có tối thiểu 3 tổ chức mới có thể tiến hành. Hơn nữa, việc Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có vốn sở hữu ít nhất 50 tỉ cũng gây trở ngại do doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính”.

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam cũng nói thêm: “Hiện giờ lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện rất khó. Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Vì thế, Bộ Tài chính nên cân nhắc giảm bớt các điều kiện bắt buộc để đảm bảo tính khả thi. Khoáng sản có yếu tố đặc thù nên không nhất thiết phải đủ 3 doanh nghiệp mới tiến hành phiên đấu giá. Trong nhiều trường hợp, có thể chỉ cần 2 doanh nghiệp là đủ”.

Trước việc nhiều doanh nghiệp cho rằng, cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay chưa hợp lí do hệ số R quá cao, ông Dương khẳng định: “Giá khoáng sản đang xuống, thuế tài nguyên, phí môi trường cũng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Hệ số R sẽ được xem xét điều chỉnh nhưng quyền quyết định không thuộc về chúng tôi do còn phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành khác nữa”.

Việc đấu giá và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chính sách đúng đắn nhằm quản lí hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, qua đó phân bổ nguồn thu cho các địa phương để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra.

Theo quy định hiện nay, với những mỏ do Trung ương cấp phép, tiền đấu giá và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được phân bổ 70% về ngân sách Trung ương, 30% về ngân sách địa phương. Với mỏ do địa phương cấp, 100% được dành cho ngân sách địa phương. Khi tiến hành đấu giá và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự kiến 20% doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả sẽ bị loại bỏ bởi số tiền phải nộp rất lớn.

Khánh Vy
.
.
.