Quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản

Thứ Bảy, 24/10/2015, 01:33
Đây là nội dung hội thảo do Tổ chức Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Phát triển và Hội nhập phối hợp tổ chức ngày 23/10, tại Hà Nội. 


Nhiều nhà quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng một số địa phương tham dự hội thảo. Nhiều ý kiến tham luận đã nhấn mạnh đến vấn đề trả lại bản chất phí bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu tác động và hạn chế xung đột trên lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Khai thác khoáng sản có những tác động rất đặc thù đối với môi trường, có thể phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa thải với diện tích lớn. Các tác động môi trường của hoạt động này vẫn tiếp diễn khi kết thúc khai thác do sạt lở bãi thải, sụt lún lòng đất mang theo các chất ô nhiễm ra môi trường. Trong đó cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các vấn đề chất lượng môi trường sống, sinh kế và sức khỏe của họ.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: Phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản là một công cụ chính sách được xây dựng, với mục tiêu tạo nguồn lực tài chính để bù đắp các tổn thất do hoạt động khai khoáng gây ra. Việt Nam bắt đầu thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản từ năm 2006 theo nội dung của Nghị định số 137/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2006-6/2008. Sau đó, để sửa đổi những bất cập trong chính sách thu phí bảo vệ môi trường, Nghị định 63/2008/NĐ-CP được ban hành quy định đối tượng nộp phí được bổ sung với nhiều nhóm khoáng sản khác nhau. Đến năm 2011, Nghị định 74/2011/NĐ-CP ban hành có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012 bổ sung các đối tượng nộp phí, cũng như nâng mức phí đối với một số khoáng sản.
Một điểm khai thác vàng trái phép.

Như vậy, việc thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đã được thực hiện gần 10 năm, tạo ra một nguồn lực tài chính đáng kể cho nhiều địa phương. Nhưng hiệu quả của chính sách thu phí bảo vệ môi trường về mặt xã hội và môi trường vẫn chưa được đánh giá và rà soát lại. Đề cập về quyền lợi cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khoáng sản, bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản nhận xét: Tính đến năm 2005, hoạt động khoáng sản ở Việt Nam đã chiếm diện tích 41.000ha. Ở tỉnh Thái Nguyên, diện tích khai khoáng là 3.191ha, chiếm 1% diện tích tự nhiên; còn ở Quảng Ninh riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động chiếm dụng 5.700ha. Hằng năm, khai thác than phát sinh 4,6 tỷ m3 đất đá thải; khai thác apatit tại Lào Cai phát sinh 3 triệu m3 đất đá thải, khai thác bauxite ở Tân Rai phát sinh 11 triệu m3 bùn đỏ. Theo thống kê năm 2014, số lao động ngành mỏ có 253.200 người, chiếm 0,48% tổng số lao động của cả nước.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Theo Luật Khoáng sản năm 2010, việc bảo hộ quyền lợi của người dân được Nhà nước điều tiết từ khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Còn người dân ngoài việc được ưu tiên tuyển dụng vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ liên quan, còn được sử dụng hạ tầng kỹ thuật kết hợp với hoạt động khai thác, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản…

Tuy vậy, qua khảo sát tại 30 xã có hoạt động khoáng sản chỉ có 6 xã cho biết hằng năm nhận được khoản thu từ khai thác khoáng sản; 12 xã không nhận được; 12 xã không biết có được phân bổ hay không; 21 xã chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường; 9 xã được đầu tư công trình nước sạch, song các công trình này thuộc Chương trình 135 hoặc Chương trình 925. Phân tích về xung đột giữa người dân, doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản và trách nhiệm của chính quyền địa phương, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Bích San, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển cho rằng: Các doanh nghiệp theo đuổi mục đích lợi nhuận nên thường xem nhẹ vấn đề môi trường. Không ít người dân theo đuổi mục tiêu bình ổn đời sống nên thường chỉ thấy lợi ích trước mắt. Còn chính quyền địa phương chỉ mong hướng tới sự ổn định, do đó thường giải quyết mâu thuẫn theo cách “vo gọn” sự việc lại.

Hậu quả dẫn tới là xung đột trong hoạt động khoáng sản ngày càng phổ biến và gay gắt. Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường đã xử phạt vi phạm về môi trường 6.500 vụ với tổng số tiền 74 tỷ đồng. Nhiều vụ việc có hàng ngàn người dân tụ tập phản đối hoạt động khoáng sản làm suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí…

Do đó, để giải quyết tận gốc những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hoạt động khoáng sản, trước hết cần quy định rõ địa giới hành chính nơi có hoạt động khai thác như các huyện và xã bị ảnh hưởng. Đồng thời, quy định cụ thể hơn vai trò của chính quyền các cấp trong bố trí và sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển xã hội và khắc phục hậu quả môi trường, nơi có hoạt động khoáng sản. Bên cạnh đó, sửa đổi về cơ chế quản lý theo hướng hằng năm UBND cấp xã có hoạt động khai thác mỏ, phải tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư và xây dựng kế hoạch đầu tư cho môi trường tại địa phương.

Ngoài ra, cũng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của doanh nghiệp khai khoáng trong việc hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, để người dân biết rõ những lợi ích mang lại từ hoạt động khoáng sản, qua đó tạo sự đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp.

Nhật Minh
.
.
.