Khơi thông xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cú sốc COVID-19

Thứ Bảy, 11/04/2020, 17:31
Ở giai đoạn 1 của chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua cú sốc dịch bệnh. Tiêu biểu như khơi thông cho xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế cho doanh nghiệp trong và tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước.


Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp

Trong báo cáo gửi Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, toàn ngành Công Thương xác định vừa thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, vừa tính tới các giải pháp lâu dài hơn. 

Tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn định, nhất là khai thác tốt cơ hội mới của thương mại điện tử.

Một trong những giải pháp đó là tiếp tục cân đối, tính toán phương án giảm giá điện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đã chủ động, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng để nghiên cứu và đưa ra đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn về kinh tế và tham gia phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Gói hỗ trợ trong cắt giảm giá điện đã báo cáo Chính phủ và được sự chấp thuận chung của Thủ tướng và của Chính phủ. 

Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn định, nhất là khai thác tốt cơ hội mới của thương mại điện tử; hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa; đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ và liên kết trong toàn chuỗi cung ứng.

Xây dựng lại chuỗi liên kết ngành nông nghiệp

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng cho rằng đang có cơ hội để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước để tái cơ cấu trong thời gian tới đây. Do vậy, cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ..., tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường. 

Ngoài tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Công Thương tiếp tục cố gắng khai thác những cơ hội, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác đều có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tìm kiếm các giải pháp khơi thông cho xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế cho doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiếp tục tìm kiếm, khai thác và phát triển các thị trường xuất khẩu mới. Tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh). 

Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ NN&PTNT chủ trì, làm việc sớm với phía Bạn để tập trung đẩy nhanh việc sớm cho phép một số nông sản của ta được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là tiền đề hết sức quan trọng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian tới. 

Hiện nay, trước việc Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại Trung Quốc qua các khu vực biên giới. Bộ Công Thương đang bám rất sát để tập trung xử lý. Dự kiến trong tuần tới, Bộ trưởng Công Thương sẽ cùng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc và sẽ lên tuyến biên giới để khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ. 

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: EU, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Đông Á… vẫn là những thị trường rất tiềm năng và có cơ hội lớn cho Việt Nam trong quá trình khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu...

Trong khi đó, với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền Mỹ thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng của Mỹ để có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp; Tiếp tục tập trung xử lý tốt các vấn đề trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là các nội dung trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).

Lưu Hiệp
.
.
.