Giải ngân vốn ODA chậm, nguy cơ lỗi hẹn tiến độ

Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:09
Địa phương mới giải ngân gần 40% dự toán vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, trong khi tại các bộ, ngành, con số này cũng không khá hơn là mấy. Thời gian của năm 2020 chỉ còn vài tuần, dù có “vắt chân lên cổ” chạy, khả năng kịp tiến độ của nhiều địa phương, bộ, ngành là rất khó.


Địa phương giải ngân dưới 40%

Bộ Tài chính công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ giải ngân chung bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương là 39,5% dự toán được giao, trong đó, dự toán ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đã được điều chỉnh. Về giải ngân dự toán vốn đầu tư công năm 2019 kéo dài, các địa phương đã giải ngân được 76% dự toán 2019.

“Kết quả này đã tăng hơn đáng kể so với 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, tốc độ tăng của 2 tháng giai đoạn này có dấu hiệu chậm lại do một số dự án không còn nhiều khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán; các tỉnh miền Trung phải tập trung ứng phó với tình hình thiên tai”, bà Nguyễn Xuân Thảo – Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính thông tin.

 Đi vào từng địa phương cụ thể, đại diện TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 11/2020, mới giải ngân 1.611,9 tỷ đồng, đạt hơn 31% kế hoạch. Việc chậm giải ngân do vướng mắc của một số dự án lớn.

Tiến độ giải ngân vốn ODA tiếp tục chậm. (Ảnh minh họa) 

Còn tại Đà Nẵng, tiến độ giải ngân thấp, tính đến hết tháng 10, giải ngân mới đạt 25%, trong đó vốn cấp phát là 20%. Dự kiến giải ngân đến hết tháng 1/2021 đạt 63,5%. Riêng Hà Giang là tỉnh miền núi nhưng có tốc độ giải ngân tương đối khá, 11 tháng đạt 64% kế hoạch. Tỉnh cam kết tập trung tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, đảm bảo 100% kế hoạch sau cắt giảm (cắt giảm 200 tỷ đồng). Ngoài Hà Giang, đại diện của TP Hải Phòng và một số địa phương khác cũng cho biết phấn đấu đến hết tháng 1/2021 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch...

Nguyên nhân khiến cho tiến độ giải ngân của các địa phương bị ảnh hưởng đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc chậm ký hợp đồng vay lại, hay chưa có hướng dẫn rõ về phương án xử lý đối với trường hợp các dự án được thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định và quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư bằng ngoại tệ…

“Nhiệm vụ từ nay cuối năm chỉ còn 3 tuần, khối lượng công việc cần thực hiện của các địa phương còn rất lớn. Đặc biệt, các địa phương điều chỉnh kế hoạch và hứa với Thủ tướng Chính phủ giải ngân đạt 100%, thì khối lượng cần giải ngân trong thời gian tới là rất nhiều”, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nhận định.

Bộ, ngành giải ngân được 6.312 tỷ đồng             

Tương tự như các địa phương, tốc độ giải ngân của các bộ, ngành cũng không khá hơn là mấy. Ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, 11 tháng năm 2020, các bộ, ngành đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các Bộ, ngành (là 4.346 tỷ đồng).

Ông Hải cho biết, qua theo dõi, tổng hợp, Bộ Tài chính nhận thấy vấn đề lớn nhất làm tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi còn thấp là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân. Nguyên nhân do tác động của đại dịch COVID-19, thiên tai lũ lụt. Tuy nhiên, ngay cả ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt, Bộ Tài chính thấy tiến độ triển khai và gửi đơn rút vốn vẫn còn chậm. 

Nguyên nhân thứ hai là dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề từ phía nhà tài trợ như: Thời gian cấp ý kiến không phản đối đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài; một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn là không rõ ràng…

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã đề xuất những giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, với các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi kho bạc Nhà nước (KBNN) xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. 

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến “không phản đối” ở các giai đoạn triển khai dự án, đặc biệt đối với khối lượng công việc hoàn thành cần được chấp thuận của nhà tài trợ để giải ngân…

Với các bộ, ngành, để thúc đẩy kết quả giải ngân, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm Nghị định sau khi được sửa đổi sẽ quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại.

Hà An
.
.
.