Giải ngân vốn ODA: Rất chậm và gây nhiều hệ lụy

Thứ Năm, 27/06/2019, 08:43
Tình hình giải ngân vốn ODA xấu đi từ năm 2014 và từ năm 2016 đến nay, năm nào giải ngân vốn ODA cũng không đạt dự toán. Tính ra mức độ trung bình giải ngân của Việt Nam chỉ bằng một nửa giai đoạn trước và so với các nước cùng nhận tài trợ.

Đây là nhận định của các nhà tài trợ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2019, do Bộ Tài chính tổ chức sáng 26-6.

Giải ngân dưới 50%

Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán NSNN của giai đoạn 2016 - 2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng. Trong đó số vốn đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5-2019, là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016 - 2019 và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

Như vậy nếu so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, thì mới giải ngân đạt 46%. Riêng năm 2019, giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 1.605 tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán Quốc hội giao và bằng 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết, việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương hiện rất chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều nơi không có nguồn để giải ngân. Việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch, tiến độ triển khai cũng như với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ.

Đường sắt đô thị là những dự án điều chỉnh về giải ngân chậm vốn ODA.

Riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu cần bổ sung là trên 34.000 tỷ đồng. Tình trạng giao kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ tồn tại kéo dài. Một số đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn.

Góc nhìn từ các nhà tài trợ, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nói, trước đây, Việt Nam có tốc độ giải ngân rất tốt nhưng từ năm 2014, tốc độ này dần thấp đi và tới nay đang rất chậm, không chỉ vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Đây là mối quan ngại lớn của cả 6 nhà tài trợ chính (WB, ADB, JICA, KfW, K-Exim, AFD).

Tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Việt Nam chỉ ở mức 11,2% bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011-2014 là 21,7%; và cũng chỉ bằng một nửa các quốc gia khác.

Giải ngân chậm gây nhiều hệ lụy

Việc giải ngân vốn chậm sẽ dẫn đến hệ lụy gì? Giới chuyên gia cho rằng, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế, Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; các dự án phải trả chi phí cao hơn do sự chậm trễ của dự án; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian; các tranh chấp về hợp đồng với nhà thầu không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam. Đặc biệt, hiệu quả các dự án cũng như những tính toán ban đầu của nhà tài trợ theo đó cũng bị ảnh hưởng.

 Đến từ một bộ, ngành chịu nhiều “điều tiếng” trong giải ngân vốn ODA, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự kiến giải ngân 6 tháng năm 2019 các dự án ODA của Bộ GTVT đạt khoảng 1.680 tỷ đồng, đạt 27,04% kế hoạch giao, trong đó vốn nước ngoài giải ngân 794 tỷ đồng, đạt 17,63% kế hoạch giao; vốn đối ứng giải ngân 886 tỷ đồng, đạt 51,84% kế hoạch giao.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin, một số dự án đang trong giai đoạn quyết toán cần hoàn thiện một số thủ tục trước khi tiến hành giải ngân. Bộ cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án; vướng mắc trong quá trình thi công…

Ðại diện địa phương đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại, việc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ Ngân sách Trung ương chưa đảm bảo theo nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài.

Cụ thể là các dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Ðôi - Tẻ, giai đọan 2 và dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh - giai đoạn 2. Do đó, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng các Hiệp định vay đã cam kết, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền sớm bố trí đầy đủ vốn ODA trung hạn và hàng năm.

Phía các nhà tài trợ khuyến nghị cần xây dựng, triển khai và giám sát một số kế hoạch hành động dựa trên các khuyến nghị của 6 ngân hàng phát triển. Các cơ quan Chính phủ có trách nhiệm giải trình rõ ràng, cũng như mục tiêu và kế hoạch thời gian rõ ràng...

Cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng đưa ra một loạt nhóm giải pháp trong đó, kiến nghị Chính phủ cần tăng cường ủy quyền cho các cấp thấp hơn để có thể tự quyết định những thay đổi tương xứng; tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan đến ODA thông qua việc phối hợp, giám sát, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, cần thống nhất các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục để tránh gây nhầm lẫn dẫn đến lúng túng trong triển khai thực tế…

Hà An
.
.
.