Kinh doanh tậm tịt: EVN lỗ hơn 930 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
- Truy trách nhiệm sau kết luận thanh tra EVN
- Sau 3 năm, nhiều kiến nghị liên quan đến EVN vẫn bị phớt lờ
- Giá bán buôn điện trong nội bộ EVN tăng từ 2%-5%, giá bán lẻ thì sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của EVN là âm gần 717 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 888 tỷ đồng), riêng công ty mẹ thì lỗ gần 930 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 450 tỷ đồng).
EVN thua lỗ dù doanh thu tăng đáng kể và giá bán điện vẫn cao hơn giá thành là do chi phí tài chính trong kỳ (trong đó có lãi vay, lãi trái phiếu) bị đội lên quá cao, cộng với chi phí thuế.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của EVN đạt gần 130.686 tỷ đồng, tăng 18.230 tỷ đồng, tương ứng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
EVN cũng vừa công bố lỗ 6 tháng đầu năm nay |
Với giá vốn bán hàng là 112.680 tỷ, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVN lãi 18.005 tỷ đồng, cao hơn 4.600 tỷ đồng (34%) so với con số 13.404 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, giá bán điện đã cao hơn giá thành, và nguyên nhân lỗ không nằm ở đây.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của EVN 6 tháng đầu năm nay cũng lãi 3.352,4 tỷ đồng, tăng cao hơn rất nhiều so với con số 1.483,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chi phí tài chính không nhỏ cộng với các khoản thuế đã làm nên con số lỗ nghìn tỷ của EVN trong 6 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm của EVN lên tới gần 15.460 tỷ đồng, tăng 7.779 tỷ đồng so với con số 7.681 tỷ đồng vào năm ngoái, tương ứng 101%. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng khá lớn 44,6% (gần 6.896 tỷ đồng) trong 6 tháng. Như vậy, lợi nhuận của EVN đã “tiêu” gần hết trong lãi vay. Khoản này, cùng với chi phí bán hàng gần 2.555 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 4.130 tỷ đồng đã khiến EVN lỗ hơn 592,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây chưa phải là con số lỗ cuối cùng. Sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp gần 160 tỷ, con số lỗ của EVN là gần 717 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ của công ty mẹ lên tới gần 930 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của báo CAND về nguyên nhân lỗ này, ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết ông chưa tiếp cận báo cáo tài chính này, nhưng một phần lỗ của EVN do cơ cấu nguồn phát năm nay khá bất lợi, EVN phải chạy điện dầu giá cao khá nhiều.
Chi phí kinh doanh này của EVN chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới xu thế giá điện trong thời gian tới, dù Thủ tướng đã chính thức yêu cầu không tăng giá điện trong vài tháng còn lại của năm nay.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng thừa nhận: "Đương nhiên lỗ thế này, đến một lúc nào đó EVN không còn chịu đựng được nữa, áp lực lên Chính phủ điều chỉnh giá điện là khó tránh khỏi. Mà tăng giá điện dù nhiều hay ít cũng là điều rất ầm ĩ trong xã hội".