Doanh nghiệp FDI kỳ vọng vào chính sách mới minh bạch, thân thiện

Chủ Nhật, 03/07/2016, 06:50
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định về những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện, xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại hội thảo Đối thoại chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) phối hợp với Công ty Tư vấn KPMG vừa tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định trước đại diện hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện, xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung nỗ lực tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN và nhà đầu tư thông qua việc xem xét rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật, giao các bộ, ngành cùng các cơ quan độc lập xem xét đề xuất loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp và không cần thiết, đồng thời sẽ nghiêm túc xử lý các hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cản trở đối với doanh nghiệp.

“Đợt rà soát vừa rồi là cuộc cách mạng lớn của Chính phủ trong việc xem xét lại toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan đến cải cách môi trường kinh doanh với trọng tâm là nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy DN tư nhân phát triển để đóng góp cho nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN đã xác định rõ chính phủ kiến tạo, đổi mới tư duy, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp. Trong đó, cần rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan quản lý với DN trên tinh thần cầu thị và thân thiện.

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện thể chế và văn bản luật pháp, với khối lượng lớn nghị định được xây dựng nhằm nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ trong lĩnh vực kinh doanh, tích cực rà soát để loại bỏ hơn 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, kịp ban hành đúng thời hạn 1/7 để hướng dẫn thực hiện hai luật quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, góp phần cởi trói và tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo không để khoảng trống pháp lý.

“Trước đây, chúng ta nặng về quản lý thì giờ chúng ta chuyển sang phục vụ DN. DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ các khâu sau, không buông lỏng quản lý. Thời gian tới, mối quan hệ này phải thay đổi theo hướng tạo được sự thân thiện, có hệ thống pháp luật đồng bộ chặt chẽ thì DN mới yên tâm bỏ tiền đầu tư, làm ăn. Tinh thần mới là sự thân thiện và hỗ trợ nhau giữa Chính phủ và cộng đồng DN. Cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là phát triển”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Gs. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Vafie, đã ví những nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh như “một cuộc chiến chống lại giấy phép con”.

“Tất cả các giấy phép con đang hành hạ các DN phải được tận diệt. Cuộc đấu tranh loại bỏ giấy phép con, bỏ điều kiện kinh doanh, như Thủ tướng nói là từ bỏ lợi ích nhóm để vì sự phát triển DN. Theo tôi đây là minh chứng cho cuộc đấu tranh đổi mới, nhằm tạo nên nhà nước kiến tạo, thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy DN phát triển”, ông Mại khẳng định.

Gs. TSKH Nguyễn Mại nhận định, trước những động thái nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, điều đáng mừng là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng mạnh, minh chứng rất rõ cho sự gia tăng niềm tin này với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng tới 105,4% so với cùng kỳ năm 2015, số vốn giải ngân đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. 

6 tháng đầu năm, khu vực FDI đã nổi lên với vai trò là động lực tăng trưởng mạnh cho toàn bộ nền kinh tế, đóng góp phần quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế. Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi về chất, nhiều dự án sau 1 năm khi cấp giấy đăng ký đã đi vào hoạt động. 

Ông Mại nhấn mạnh các DN FDI đang hết sức kỳ vọng vào những kết quả tích cực từ những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho DN hoạt động.

Đánh giá cao những cải thiện về môi trường đầu tư tại Việt Nam gần đây cùng những lợi thế về sự ổn định chính trị, dân số trẻ, tuy nhiên bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó TGĐ KPMG Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những rào cản từ sự yếu kém trong thực thi pháp luật, khó tiếp cận thị trường và thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng. 

“Mặc dù Việt Nam đã có một Nghị định về thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hợp tác công tư (PPP), song việc thi hành nghị định này vẫn chưa rõ ràng”, bà Hà lấy ví dụ và cho rằng các rào cản này cần được gỡ bỏ để tạo thuận lợi hơn cho các DN nói chung và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Ông Hong Sun- Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cũng cho rằng để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn FDI, Việt Nam phải có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Phan Đức
.
.
.