Đảm bảo an ninh tài chính là điều kiện sống còn để phát triển kinh tế tốc độ cao và ổn định

Thứ Ba, 25/07/2017, 12:37

Nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định đảm bảo an ninh tài chính đang ngày càng trở thành vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá kinh tế - tài chính đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay.

Toàn cảnh Diễn đàn 

An ninh tài chính đối với các hoạt động của các ngân hàng thương mại nói riêng và doanh nghiệp nói chung thực sự là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. 

Để có những đánh giá khách quan và đưa ra được các giải pháp đảm bảo an ninh tài chính doanh nghiệp, ngày 25-7 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp Cục An ninh Tài chính Tiền tệ và Đầu tư với tổ chức Diễn đàn “An ninh tài chính và Cạnh tranh doanh nghiệp” với sự tham gia của nhiều diễn giả và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Đảm bảo an ninh tài chính đang ngày càng trở thành vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá kinh tế - tài chính đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay. 

Đối với Việt Nam, một nước đang chuyển sang nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, thì việc đảm bảo an ninh tài chính càng có ý nghĩa quan trọng, là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế với tốc độ cao và ổn định.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, từ trước đến nay, nhắc tới an ninh người ta thường nghĩ ngay đến an ninh chính trị, quân sự và xã hội với việc đảm bảo an ninh bằng các biện pháp vũ trang, bằng lực lượng quân sự, bằng các thiết chế luật pháp và cưỡng chế thi hành pháp luật, tuy nhiên, gần đây, khái niệm an ninh đã được mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế - tài chính và nâng lên tầm khu vực và toàn cầu.

Đại biểu trình bày tham luận tại Diễn đàn 

“An ninh tài chính là một khái niệm cơ bản để chỉ một tình trạng tài chính ổn định, an toàn và vững mạnh. An ninh tài chính đối với hoạt động của các TCTD là việc đảm bảo hoạt động của các TCTD được tiến hành một cách ổn định, an toàn, vững mạnh,” ông Ánh cho biết.

Theo ông Ánh, hệ thống các TCTD Việt Nam hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN với tiềm lực tài chính còn mỏng và trình độ thấp nên đồng thời tồn tại nhiều thuận lợi cũng như thách thức, trở ngại đối với việc đảm bảo an ninh tài chính trong hoạt động của các TCTD.

“Nếu không có ngay các biện pháp củng cố và giữ vững an ninh tài chính cho hệ thống các TCTD – “bà đỡ” của các hoạt động sản xuất kinh doanh - thì không những các tổ chức này hoạt động không hiệu quả, rủi ro cao dẫn tới khủng hoảng tài chính - tiền tệ, mà còn gây ra đổ vỡ hàng loạt, theo dây chuyền, tác động xấu tới toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta,” ông Ánh cho biết.

Về vấn đề quản lý rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam, Chuyên gia tài chính Phạm Tuấn Anh cho biết, môi trường kinh doanh của mỗi doanh nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động gây ảnh hưởng đến các quá trình tài trợ và đầu tư cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong điều kiện các dịch vụ tài chính tại Việt Nam đã phát triển khá đa dạng, nhưng nhiều nhà quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn xa lạ với các kỹ thuật quản trị rủi ro tài chính.

Ông Cấn Văn Lực trình bày về "Tài chính tiền tệ Việt Nam: Rủi ro và giải
pháp"

Do vậy, Chuyên gia Phạm Tuấn Anh cho rằng, hơn lúc nào hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc rủi ro tài chính doanh nghiệp Việt Nam, về nhận thức và quan điểm của các nhà quản trị doanh nghiệp về rủi ro tài chính và quản trị rủi ro tài chính. 

Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông, các diễn đàn, các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực quản trị rủi ro tài chính cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã đem đến các tham luận về chính sách đối với ổn định tài chính tiền tệ cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp dựa trên tiếp cận tài chính bền vững và một số giải pháp bảo đảm An ninh tài chính cho các doanh nghiệp.

Duy Tiến
.
.
.