Chuyện người quản lý

Cần nỗ lực để thoát “bẫy gia công”

Thứ Hai, 21/03/2016, 08:40
Tận dụng cơ hội việc làm tạo ra từ các ngành thâm dụng lao động và phải tận dụng thật nhanh khi tham gia TPP là những điều các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam tại hội nghị bàn tròn do World Bank (WB) tổ chức thời gian gần đây.


Trong quá trình phát triển, giai đoạn đầu tiên thường dựa nhiều vào yếu tố đầu vào như vốn, lao động để tạo ra phát triển. Việt Nam đã thực hiện rất thành công giai đoạn này. 

Việc mở cửa đất nước và tiến hành các cải cách, đặc biệt thông qua hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp có bước tăng trưởng rất nhanh giai đoạn đầu.

Nhưng đến nay, bên cạnh thu hút nguồn đầu vào để phát triển thì quan trọng hơn là tăng tính hiệu quả của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã quyết định tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, trong đó có TPP. 

Một trong những thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ Việt Nam là tham gia các FTA này không chỉ nhằm tạo ra cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp (DN), mà rộng hơn là tạo ra một môi trường mới để Việt Nam có thể phát triển dài hạn, tạo ra mô hình tăng trưởng mới dựa trên cạnh tranh. Đây cũng là cách tiếp cận của rất nhiều nước khi tham gia FTA.

Đối với Việt Nam, đa số các nhận định đều cho rằng những ngành được hưởng lợi nhất từ TPP và những ngành thâm dụng lao động, tiêu biểu là dệt may. Đây là ngành tạo ra 33% số lao động trong các ngành công nghiệp (năm 2011) và theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cứ 1 tỷ USD tăng thêm của xuất khẩu dệt may có thể tạo ra từ 150.000 – 200.000 việc làm.

Để đón đầu TPP, hàng loạt các dự án FDI trong lĩnh vực này đã đổ vào Việt Nam. Ngoài các dự án lớn như Texhong (Hong Kong) đã đầu tư nhà máy 300 triệu USD ở Quảng Ninh, Kyungbang (Hàn Quốc) đầu tư 40 triệu USD sản xuất sợi ở Bình Dương, thì theo Bộ Công Thương, có khoảng 1 tỷ USD đang chờ đầu tư vào ngành Dệt may Việt Nam. FDI đang được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển giao công nghệ và tác động liên kết xuôi lan tỏa đến các DN trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Đức – chuyên gia cao cấp của WB, Việt Nam đang phải đối mặt với “bẫy giá trị gia tăng thấp”, hay còn gọi là “bẫy gia công”. “Việt Nam tham gia vào phần giá trị thấp của chuỗi giá trị toàn cầu: 70% số DN gia công cắt may, 90% là các DN hợp đồng. 

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội của các FTA, của TPP để thoát bẫy gia công hay không? Đây là một nguy cơ hiện hữu, và nếu không thoát được, chắc chắn Việt Nam không nâng cao được sức cạnh tranh quốc gia và chắc chắn không thoát được bẫy thu nhập trung bình” – ông Đức khẳng định.

Hiện công đoạn cung ứng thượng nguồn của sản xuất trong nước kém phát triển làm cho Việt Nam lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Phần lớn nhập khẩu của Việt Nam nằm ngoài các nước TPP (chỉ chiếm 5,3%), trong khi nhập từ Trung Quốc và Đài Loan chiếm đến gần 60%. 

Nếu giữ nguyên cơ cấu này, dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ TPP do sự ngặt nghèo của quy tắc xuất xứ. 

Tuy nhiên, thay vì nhìn đây như một thách thưc, các chuyên gia lại cho rằng quy tắc này tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam tái cấu trúc ngành theo hướng tăng cường kết nối thượng nguồn cung ứng và thúc đẩy giá trị gia tăng.

“Việt Nam trước hết phải là thành viên tham gia tích cực vào cuộc chơi, tiến tới làm chủ cuộc chơi ở những khu vực có lợi thế” – ông Đức khuyến nghị. Nhìn xa hơn, ông Nguyễn Thắng – Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam lại cho rằng cơ hội phải được tận dụng thật nhanh. 

Điều cảnh báo cuối cùng của ông Thắng chính là khả năng bảo vệ lao động Việt Nam trong hội nhập và cái giá phải trả về môi trường.

Vũ Hân

.
.
.