Nghịch lý "phái mạnh" của thể thao đỉnh cao Việt Nam

Thứ Năm, 25/08/2022, 10:06

Trong bối cảnh Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nỗ lực hướng đến bình đẳng giới ở các kỳ Thế vận hội, thì Việt Nam đã đạt được điều đó từ lâu. Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn tới một nghịch lý của thể thao đỉnh cao Việt Nam, nơi phái nữ mới thực sự là… phái mạnh.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu được IOC hướng đến trong nhiều năm qua, và họ đã cụ thể hóa trong chương trình thi đấu và điều lệ các kỳ Thế vận hội. Bên cạnh số nội dung thi đấu giữa các vận động viên nam và nữ được điều chỉnh để tương đương nhau, IOC còn cho phép mỗi quốc gia có vận động viên (VĐV) dự Olympic được cử thêm 1 VĐV khác giới tranh tài ở môn đó.

Nghịch lý
Xóa bỏ định kiến giới giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển sớm.

Đoàn thể thao Việt Nam từng ít nhiều hưởng lợi nhờ quy định này. Năm 2016, nhờ có Ánh Viên tham dự Olympic Rio, Hoàng Quý Phước được tham gia theo diện như vậy. Đến Olympic Tokyo, Ánh Viên lại trở thành người "đi kèm" nhờ Nguyễn Huy Hoàng giành 2 chuẩn A Olympic. Nhưng ngay cả khi không có Ánh Viên, số VĐV nữ Việt Nam dự Thế vận hội vẫn nhiều hơn nam.

Tại Olympic Tokyo, Việt Nam có 10 VĐV nữ tranh tài, trong khi số VĐV nam chỉ là 8. Việc phái nữ lấn lướt phái nam cũng xảy ra ở các kỳ Olympic Rio (13 nữ, 10 nam) và London (12 nữ, 6 nam). Olympic Bắc Kinh 2008 là kỳ Thế vận hội gần nhất đoàn thể thao Việt Nam có số VĐV nam (7) nhiều hơn nữ (6), nhưng đó là điều ít ai để ý tới.

Ở đấu trường Olympic, người đầu tiên giành huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam cũng là một vận động viên nữ. Còn tại đấu trường châu lục và khu vực, phái nữ luôn tỏ ra lấn lướt các đồng nghiệp nam về mặt thành tích. Điều đó được thể hiện rõ rệt ở 2 kỳ ASIAD và SEA Games gần nhất, nơi thể thao Việt Nam gặt hái thành công rực rỡ.

Tại kỳ ASIAD 2018 tổ chức tại Indonesia, các VĐV nữ Việt Nam giành 3/5 Huy chương vàng (HCV), và đó đều là các môn thể thao Olympic (Điền kinh và Rowing). Còn ở SEA Games 31 mới khép lại vừa qua, nếu không tính những nội dung thi hỗn hợp, các VĐV nữ cũng mang về xấp xỉ 100 HCV, bằng với những đồng nghiệp nam. Ở nhiều môn như Boxing, Rowing... toàn bộ HCV đoàn Việt Nam giành được đều đến từ những nội dung của nữ.

Nghịch lý
Đội tuyển Rowing Việt Nam từng lao đao khi có 2 vận động viên nam bỏ trốn khi tập huấn tại Australia.

Có một huấn luyện viên (HLV) từng ví von trong giới thể thao đỉnh cao Việt Nam, phái nữ mới thực sự là "phái mạnh" khi giành nhiều thành tích ấn tượng hơn. Đằng sau phát biểu ấy là một câu chuyện dài. Bên cạnh những lợi thế về hình thể, sức vóc... để cạnh tranh ở môi trường đỉnh cao, có nhiều nguyên nhân giúp VĐV nữ tiếp tục cố gắng để vươn xa hơn.

Đi trước một bước, xóa bỏ định kiến

Bóng đá Việt Nam thường truyền khẩu câu nói muôn năm cũ: "Bao giờ cầu thủ nam mới bằng các chị em". Trong bối cảnh đội tuyển nam còn cách giấc mơ World Cup rất xa, thì đội tuyển nữ đã làm được điều này với tấm vé lọt vào vòng chung kết Cúp Thế giới 2023. Thành công của bóng đá nữ Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó là phát triển sớm hơn các quốc gia khác.

Giữa thập niên 90, trong bối cảnh xã hội vẫn còn định kiến với chuyện con gái đá bóng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã nghiêm túc với mục tiêu phát triển bóng đá nữ. Thành công đến rất nhanh khi ở SEA Games 21 (2001), đội tuyển nữ Việt Nam đã giành tấm HCV đầu tiên. Điều đó tạo tiền đề cho 7 tấm HCV tiếp theo, cùng 1 danh hiệu vô địch Đông Nam Á và tấm vé dự World Cup.

Ở thời điểm hiện tại, đội tuyển nữ Việt Nam thường xuyên có một vị trí nằm trong nhóm 30-35 đội mạnh nhất thế giới. Đó là thành quả của việc phát triển sớm bóng đá nữ trong khi nhiều quốc gia khác vẫn ngần ngại đầu tư. Trên thực tế, bóng đá nữ Việt Nam đã đi trước 10-20 năm, do đó việc chúng ta có thành tích tốt hơn là điều dễ hiểu.

Bên cạnh "đi trước đón đầu", một nguyên nhân khác giúp thể thao Việt Nam có nhiều vận động viên nữ tài năng đến từ việc xã hội dần xóa bỏ những định kiến giới tính. Con gái cũng có thể đá bóng như nam giới, không ngại va chạm. Điều tương tự cũng diễn ra ở nhiều môn thể thao khác, đặc biệt là các môn võ. Rất nhiều võ sĩ nữ muốn trở thành một Trần Hiếu Ngân thứ hai.

Tại SEA Games 31, Boxing nữ Việt Nam đã mang về 3 HCV, khiến một quan chức Liên đoàn Boxing châu Á phải thốt lên: "Không ngờ Boxing Việt Nam lại có nhiều VĐV xuất sắc đến vậy". Vị quan chức này đưa ra lời khen sau khi chứng kiến 2 VĐV Vương Thị Vỹ và Trần Thị Linh lần lượt đánh bại các VĐV từng giành huy chương Olympic của Thái Lan và Philippines để lọt vào chung kết.

Nghịch lý
Những vận động viên nữ như Vương Thị Vỹ có thể vừa thi đấu, vừa chăm sóc gia đình.

Với Vương Thị Vỹ, đây là tấm HCV cô giành được ngay trên quê hương Bắc Ninh. Trước đây, các VĐV nữ thường giải nghệ sau khi lập gia đình và sinh con, nhưng Vỹ thì không. Vỹ cùng nhiều võ sĩ Boxing nữ khác như Trần Thị Linh, Trần Thị Oanh Nhi... có thể vừa thi đấu, vừa làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ trong gia đình.

Ở môn điền kinh, Nguyễn Thị Huyền vẫn băng băng trên đường chạy 400m ở tuổi 30. Cô từng nghỉ thi đấu sau khi sinh con, nhưng cuối cùng vẫn trở lại đường đua. Hình ảnh Nguyễn Thị Huyền trên đường chạy khiến nhiều người nghĩ đến Shelly-Ann Fraser-Pryce, VĐV chạy nước rút người Jamaica vẫn thiết lập kỷ lục thế giới mới dù đã lập gia đình, sinh con ở tuổi 35.

Áp lực vô hình của VĐV nam

Không ít VĐV nam thừa nhận ngay cả khi đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, họ vẫn nghĩ tới chuyện nghỉ thi đấu sớm. Nếu như VĐV nữ có thể tìm một chỗ dựa để tiếp tục phát triển sự nghiệp, thì VĐV nam không biết dựa vào ai cả với tâm niệm đàn ông phải là trụ cột trong gia đình.

Nghịch lý
Đội tuyển Jujitsu Việt Nam từng được thưởng tiền mặt ngay sau khi giành huy chương ở SEA Games 31.

Nhiều VĐV khiêm tốn nói họ giành chức vô địch quốc gia ở thời điểm hiện tại vì đối thủ từng so kè thành tích với mình hồi trẻ đã giải nghệ sớm và chọn công việc khác. Phần lớn những người bỏ cuộc giữa chừng là nam giới.

Áp lực mưu sinh là lý do chính khiến không ít VĐV giải nghệ sớm. Một VĐV trẻ đưa ra một phép tính rất đơn giản, nếu tiếp tục làm VĐV, em chỉ được hưởng lương 3-4 triệu/mỗi tháng từ địa phương, thấp hơn nhiều nếu đi làm việc tự do (8-10 triệu). Phần lớn các VĐV có gia cảnh chẳng mấy khá giả, thế nên các em buộc phải chọn con đường mưu sinh để gánh vác gia đình, thay vì tiếp tục theo đuổi đam mê. Có lẽ chỉ khi nào thu nhập được đảm bảo, họ mới có thể toàn tâm toàn ý thi đấu và cống hiến. Nếu không, sẽ còn nhiều câu chuyện về vận động viên giải nghệ ở tuổi 18, hay những kỷ lục gia bỏ trốn để làm lao động trái phép nơi xứ người.

Những khoản thưởng bị "ngâm" của vận động viên đỉnh cao

Với những môn thể thao được xã hội hóa mạnh mẽ thời gian gần đây như Boxing, Jujitsu... tiền thưởng dành cho VĐV đạt thành tích cao thường đến từ cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân. Các thành viên đội tuyển Jujitsu Việt Nam tham dự SEA Games 31 từng được thưởng tiền mặt tại chỗ từ Chủ tịch Liên đoàn ngay sau khi nhận huy chương từ Ban tổ chức.

Khác với các võ sĩ Jujitsu, đội tuyển Boxing Việt Nam được chuyển khoản tiền thưởng 1 tháng sau khi giành huy chương. Tuy nhiên, với những khoản thưởng đến từ địa phương, không phải lúc nào tiền cũng đến với VĐV ngay lập tức. Cơ chế và chính sách khiến khoản tiền thưởng thường chỉ được giải ngân vào đầu năm dương lịch, và VĐV thường coi đó như thưởng Tết.

Cơ chế thưởng cho VĐV còn nhiều vướng mắc từng dẫn đến những câu chuyện cười ra nước mắt. Với các đoàn thể thao đến từ địa phương nhỏ, họ phải cố gắng thi đấu đạt thành tích đúng với chỉ tiêu đặt ra. Không đạt chỉ tiêu đồng nghĩa ngân sách bộ môn bị giảm, nhưng vượt chỉ tiêu thì đôi khi địa phương... không có tiền để thưởng cho VĐV và HLV.

"Nếu HLV đăng ký chỉ tiêu dự giải là 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, chúng tôi sẽ dự trù tiền thưởng tương đương với số huy chương như thế. Trong trường hợp đoàn thi đấu tốt ngoài mong đợi và giành 3-4 HCV, chúng tôi sẽ không có ngân sách để thưởng bởi con số vượt xa khoản tiền dự trù", một cán bộ cho biết.

Đơn Ca
.
.
.