Làn sóng lao động châu Phi tại Việt Nam: Cơ hội hay thách thức?

Thứ Năm, 26/12/2024, 10:09

Thời gian gần đây, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã trở thành điểm đến của nhiều người lao động đến từ các quốc gia châu Phi như Nigeria, Ghana, và Cameroon. Họ đến đây với hy vọng tìm kiếm việc làm để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của cộng đồng lao động này cũng mang đến những thách thức không nhỏ về quản lý nhập cư, an ninh trật tự và sự hòa nhập văn hóa.

Nhiều người vỡ mộng

Nhiều tháng qua, người dân ở phường Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ) không còn xa lạ với hình ảnh từng tốp người da đen đi lại trên phố hoặc làm thuê các công việc tay chân như rửa bát, bốc vác ở các vườn đào, quất. Anh Nguyễn Mạnh K, chủ một khu nhà trọ trên địa bàn phường Tứ Liên cho biết hiện dãy nhà trọ của anh đang cho vài chục người da đen thuê. Đa số họ đều là những người đến từ các nước châu Phi.

ảnh 3.jpeg -1
Hậu cơn bão Yagi, những lao động châu Phi thường được thuê trồng lại đào, quất.

Theo lời anh K chia sẻ thì mấy tháng trước chỉ có vài người châu Phi đến đây thuê trọ nhưng sau người nọ mách người kia và họ kéo nhau đến thuê nên giờ xóm của anh vẫn được gọi đùa là “xóm châu Phi”. Để giúp đỡ những người này có việc làm thường xuyên, anh K cùng với nhiều chủ trọ khác kết nối với nhau và lập ra một nhóm chat trên Zalo. Ai biết nơi nào, người nào đang có nhu cầu thuê người lao động thì anh K và các chủ trọ khác sẽ nói cho người thuê phòng biết, thậm chí nhiều khi còn giúp chở họ đến nơi có người thuê.

Được biết, những người châu Phi này chủ yếu mang quốc tịch Nigeria, Ghana, Somali. Ban đầu, một số sang Việt Nam với ý định làm giáo viên tiếng Anh nhưng không kiếm được việc đúng theo dự định nên họ phải lao động chân tay để kiếm sống. Gideon Sey, 43 tuổi, đến từ Ghana cũng là một trong số đó. Tính tới thời điểm này Gideon Sey có mặt ở Việt Nam đã được gần 7 tháng. Thời gian gần đây Gideon Sey thường chỉ ở trong phòng trọ bởi anh không biết đi đâu và cũng không biết có ai cần thuê lao động. Gideon Sey chia sẻ, thời điểm sau bão Yagi, anh và những người đồng hương làm không hết việc vì người dân Việt Nam cần người dọn dẹp đống đổ nát, ngập lụt, vườn đào quất cũng cần trồng lại.

Gideon cho biết, anh vốn là nhân viên tại một tổ chức quản lý về thiên tai ở quê nhà. Trong một lần đi du lịch ở đất nước Singapore, anh đã tình cờ gặp một người đến từ châu Phi như anh. Qua trò chuyện họ giới thiệu với anh về Việt Nam. Người này nói với anh ở Việt Nam đang cần giáo viên tiếng Anh và lương rất cao. Chính bởi lời giới thiệu hấp dẫn ấy, Gideon Sey đã quyết định từ bỏ công việc tại quê nhà và trả tiền cho môi giới để sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội.

Tuy nhiên, sau khi đặt trên đến Việt nam, Gideon Sey bị người môi giới đòi thêm một khoản tiền thì mới giới thiệu việc làm tại trung tâm tiếng Anh cho anh. Khi Gideon Sey không chấp nhận chuyển thêm tiền thì người môi giới cũng lặn mất tăm bỏ mặc anh bơ vơ không biết tiếng, không việc làm nơi đất khách quê người.

Tương tự, ban đầu Manfred Fregene, 42 tuổi (người Negeria) sang Việt Nam cũng với ý định làm giáo viên tiếng Anh. Mặc dù đã đến nhiều trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội xin việc nhưng anh đều nhận được cái lắc đầu. Không có việc làm, Manfred Fregene đã phải làm bốc vác từ khi mới đặt chân đến đây hồi tháng 5. Mỗi giờ anh được trả 50.000 đồng. Thu nhập trong ngày đủ để mua thức ăn cho 8 người con, 5 trai, 3 gái. Được biết hiện gia đình Manfred Fregene đã hết hạn visa từ mấy tháng nay nhưng không thể về nước. Manfred Fregene buồn bã chia sẻ rằng: “Chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền mua vé máy bay và nộp phạt quá hạn visa”. Không chỉ vậy mà gia đình này cũng nợ tiền thuê trọ suốt mấy tháng nay.

Nadis, 35 tuổi (người Nigeria) từng làm nghề buôn bán quần áo tại quê nhà, nhưng vài năm trở lại đây kinh tế ngày càng khó khăn cộng với tình hình chính trị bất ổn nên anh muốn đưa gia đình đến quốc gia khác lập nghiệp. Nadis kể, ban đầu anh định đưa gia đình sang Mexico nhưng rồi một người bạn của anh đã rủ anh sang Việt Nam làm việc. Theo lời bạn Nadis kể, Việt Nam là một nước thân thiện, hòa bình, cơ hội để có việc làm cũng dễ nên cuối cùng Nadis đã bị thuyết phục.

Mới sang đây được hơn một tháng, Nadis cùng gia đình thuê một căn nhà trọ 3 tầng ở phường Tứ Liên. Tuy nhiên, gia đình 4 người của anh chỉ thuê 1 phòng, số phòng còn lại là hơn chục đồng hương của anh đã thuê trước đó. Hằng ngày, sau khi ăn sáng qua loa, gia đình Nadis sẽ tản ra mỗi người một hướng để đi kiếm việc làm. Thông thường, Nadis sẽ đi làm những công việc như bốc vác thuê hay làm phụ hồ hoặc làm ở các vườn đào quất. Hai người con trai của Nadis cũng đi theo bố để phụ việc. Nadis không làm việc gì cố định mà ai thuê gì sẽ làm nấy. Vợ anh, Rehia, 32 tuổi sẽ đến những quán cơm gần khu vực gia đình chị trọ để xem có ai cần thuê người thì chị sẽ làm.

Tại một quán sửa xe máy trên địa bàn phường Tứ Liên, Diland đang cặm cụi ngồi lau chùi các phụ tùng cũ. Trò chuyện với chúng tôi Diland giới thiệu anh năm nay 25 tuổi, đến từ châu Phi. Khi phóng viên hỏi, anh làm thuê cho quán sửa xe này à? thì Diland lắc đầu. Theo chia sẻ của chủ quán sửa xe thì anh không thuê các bạn châu Phi. Họ là hàng xóm thuê trọ gần nhà anh, khi không có việc làm thuê họ thường sang đây giúp anh làm những việc lặt vặt. Thường thì chủ quán sửa xe sẽ “tri ân” lại họ bằng một bữa cơm hay những chai nước uống như vậy cũng giúp họ sống qua những ngày không có việc.

ảnh 2.jpeg -0
Moses (bên phải) lần đầu nhận công việc sơn nhà, do chưa quen nên bị lấm lem khắp người.

Gần đó, Moses (30 tuổi, đến từ Nigeria) đang cùng người bạn của mình sơn nhà thuê cho một người dân tại ngõ 66, phường Tứ Liên. Moses kể anh đến Việt Nam được 2 tháng và dự định sẽ ở đây từ 1 đến 2 năm. Moses đến đây một mình, anh muốn kiếm được một số tiền để mang về nuôi bố mẹ và người thân. Đây là lần đầu tiên Moses và bạn nhận công việc sơn nhà nên họ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và phải nhờ chủ nhà hướng dẫn. Vì chưa từng làm công việc này bao giờ nên cả Moses và bạn lấm lem sơn. Thù lao cho việc sơn nhà là 50 nghìn/giờ/người. Nếu làm đủ 8 tiếng, Moses sẽ kiếm được 400 nghìn đồng.

Thời điểm hậu bão Yagi, Moes và nhiều người đồng hương của anh được người dân nơi đây thuê đi dọn đồ bị ngập nên công sẽ được cao hơn, thường là 150 nghìn/người. Lý do là bởi các anh sẽ phải mang vác những đồ rất nặng mà nhiều người Việt Nam khó có thể làm.

Nhiều lao động Việt Nam có nguy cơ mất việc

Có thể thấy, vài năm gần đây, làn sóng lao động từ các quốc gia châu Phi đổ sang Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Mặc dù mang đến nhiều đóng góp cho nền kinh tế và sự đa dạng văn hóa, sự gia tăng này cũng kéo theo những hệ lụy đáng lo ngại, đặt ra thách thức về quản lý nhập cư, an ninh xã hội, và khả năng hòa nhập cộng đồng.

ảnh 4.jpeg -2
Mỗi khi rảnh rỗi không có việc làm, Diland lại sang nhà người hàng xóm có quán sửa xe để làm giúp.

Nhiều lao động châu Phi tập trung tại các khu vực nội đô, đặc biệt là những nơi có chi phí sinh hoạt thấp, dẫn đến tình trạng quá tải tại các khu nhà trọ giá rẻ.

Sự gia tăng dân số đột biến gây áp lực lên hệ thống cấp nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của cư dân địa phương.

Hệ thống giao thông và các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục phải đối mặt với áp lực lớn hơn, khiến việc đáp ứng nhu cầu của cả người lao động nước ngoài và người dân địa phương trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người lao động châu Phi nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng ở lại làm việc mà không có giấy tờ hợp lệ. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhập cư và kiểm soát an ninh. Một số đối tượng lợi dụng tình trạng cư trú bất hợp pháp để thực hiện các hành vi phạm pháp như lừa đảo qua mạng, buôn bán hàng cấm, gây mất trật tự an ninh. Sự khác biệt trong phong tục, tập quán và lối sống đôi khi dẫn đến mâu thuẫn hoặc hiểu lầm với cộng đồng địa phương.

Việc không thạo tiếng Việt khiến người lao động gặp khó khăn trong giao tiếp, làm việc và hòa nhập với cộng đồng, dẫn đến cảm giác bị cô lập. Sự cạnh tranh trong các ngành lao động phổ thông khiến cơ hội việc làm cho một bộ phận lao động trong nước, đặc biệt là lao động trình độ thấp, bị thu hẹp.

Nhiều tháng trở lại đây, nếu có dịp đến phường Tứ Liên, Nhật Tân quận Tây Hồ người ta dễ dàng bắt gặp hàng chục, thậm chí là hàng trăm những thanh niên châu Phi đang lao động ở những quán cơm, cửa hàng sửa chữa xe máy hay ở những vườn đào, quất. Nhiều nơi, có hẳn những xóm trọ dành riêng cho người châu Phi.

Khi được hỏi, những người châu Phi đến Tứ Liên thuê trọ và lao động có ảnh hưởng gì tới đời sống của bà con nơi đây không thì bà Hiền (một người bán hàng nước - PV) nói rằng: “Hiện tại bây giờ thì chưa, nhưng không ai nói trước được điều gì. Giả sử nếu họ không có công ăn việc làm thường xuyên, không đủ sống thì việc dẫn đến cướp bóc cũng có thể xảy ra chứ”. Cũng theo quan điểm của bà Hiền, đa số những người châu Phi sang đây đều là bất hợp pháp. Bởi theo bà nghĩ, nếu là lao động hợp pháp thì họ sẽ phải có người bảo hộ, sẽ làm việc theo phân công lao động. Còn đây chủ yếu họ đi lang thang ngoài đường, ai thuê gì làm nấy, hôm nay có thể có việc, ngày mai lại không.

Ngồi uống nước trong quán bà Hiền, một người dân bày tỏ sự bức xúc: “Quán tạp hóa đầu ngõ nhà tôi nhiều lần bị hai người da đen vào lấy trộm đồ. Bà bán quán bảo, họ đi hai người, thường chỉ mua mấy gói mì tôm thôi nhưng thường hay mặc những chiếc áo rộng thùng thình để tiện cho việc nhét đồ ăn cắp”.

Khác hẳn với những bức xúc của một số người dân nói trên, chị Nguyễn Thị Hoa, ngõ 66, phường Tứ Liên lại tỏ ra rất cảm thông với sự vất vả của những người đến từ châu Phi. Chị Hoa cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên gọi họ đến làm thuê cho mình. Họ làm việc rất chăm chỉ và quan trọng là họ có sức khoẻ tuyệt vời nên việc bê vác nặng với họ không có gì quá sức. Thời điểm sau bão Yagi, nhà tôi cũng bị ngập, tôi phải thuê 2 người châu Phi đến dọn dẹp. Khi ấy tôi đã trả công cho họ là 150 nghìn/người/giờ. Dù công khá cao nhưng tôi thấy rất xứng đáng”.

Hôm nay, chuẩn bị khai trương quán phở gà, chị Hoa cũng lại thuê 2 người Nigeria đến quét sơn cho mình. Tất nhiên, tùy vào công việc để trả tiền công, lần này chị Hoa chỉ trả họ 50 nghìn đồng/h cho mỗi người.

Theo chị Hoa, nhiều người lao động Việt Nam sẽ không thích sự có mặt của những người châu Phi này, bởi như thế cũng là tước đi cơ hội việc làm của họ. “Tôi chỉ cần lấy dẫn chứng thế này, bình thường nếu thuê người Việt lau nhà thì giá phổ biến thường là 80 nghìn đồng/giờ, còn với người châu Phi, chỉ cần 50 nghìn đồng/giờ họ cũng chấp nhận làm”.

Khi được hỏi về việc những người châu Phi đến đây lao động có ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa bàn không thì đại diện Công an phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho biết, tính tới thời điểm hiện tại trên địa bàn chưa xảy ra vụ việc gì đáng tiếc về an ninh trật tự. Công an phường cũng thường xuyên phối hợp với các chủ phòng trọ nơi có những người châu Phi đang thuê. Về cơ bản, đa phần là có giấy tờ hợp pháp, đối với những trường hợp không có giấy tờ hợp pháp thì đơn vị cũng đã tiến hành xử phạt.

Có thể thấy làn sóng lao động châu Phi đến Việt Nam là một phần không thể tránh khỏi của quá trình toàn cầu hóa. Dù mang đến những lợi ích kinh tế và đa dạng văn hóa, tình trạng này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy nếu không được quản lý chặt chẽ. Việc tạo dựng một môi trường làm việc minh bạch, một cộng đồng hòa nhập và bền vững không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn cần sự chung tay của cả người dân và chính cộng đồng lao động nước ngoài.

Ngọc Anh
.
.
.