Vấn nạn vi phạm bản quyền tác giả: Còn đâu giá trị sáng tạo nghệ thuật?

Thứ Tư, 31/07/2019, 16:25
Một con số đáng giật mình, đó là hàng trăm chương trình nghệ thuật biểu diễn, trong đó có các liveshow của những nghệ sĩ tên tuổi vi phạm bản quyền tác giả. Đáng tiếc là những chính sách và ràng buộc đang còn kẽ hở cho nhiều tổ chức cá nhân vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.

Và mặc dù, đã có quy định có thể truy tố trách nhiệm hình sự với những trường hợp vi phạm nhưng cho đến nay, các vụ kiện vi phạm bản quyền ở Việt Nam được xử lý mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều kiểu vi phạm bản quyền tác giả

Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc hiện nay vẫn diễn ra khá thường xuyên ở nhiều lĩnh vực có sử dụng âm nhạc, trong đó điển hình ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật (biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp). Trong thời gian qua có hàng trăm chương trình biểu diễn vi phạm quyền tác giả. Trong đó, có những đơn vị tổ chức những show lớn, tổ chức xong xoá tên công ty và thành lập công ty mới để “lách luật”.

Đáng tiếc, trong danh sách những chương trình vi phạm bản quyền tác giả lại có những nghệ sĩ tên tuổi, được công chúng yêu mến cả trong nước và hải ngoại.

Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên trong một chương trình biểu diễn.

Có thể kể đến các liveshow như "Ai cho tôi tình yêu" biểu diễn tại Đồng Nai; liveshow với 6 chương trình diễn ra tại Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa… trong năm 2018.

Đó chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm trường hợp vi phạm mà VCPMC thống kê với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Còn trong các sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ Việt Nam, cũng không thiếu những trường hợp “vay mượn” mà các nghệ sĩ nước ngoài phải lên tiếng vì vi phạm bản quyền tác giả.

Giữa tháng 11-2017, làng nhạc Việt xôn xao MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh biến mất dù đã đạt 30 triệu lượt xem sau hơn một tháng ra mắt. Sau đó, trên phương tiện truyền thông, đại diện của ca sĩ Noo Phước Thịnh cho biết: “Do ê kíp sản xuất đã sử dụng một đoạn nhạc cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền. Đây là một sai sót mà Noo Phước Thịnh cảm thấy phải nhận trách nhiệm vì đã không kiểm tra kỹ lưỡng từ đầu”.

Theo thông tin trên báo chí thời điểm đó, phía Noo Phước Thịnh đã liên lạc làm việc với đối tác, chỉnh sửa MV và đăng lại trên kênh YouTube chính thức của ca sĩ vào ngày 18-11-2017. 

Noo Phước Thịnh và MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” bị nhạc sĩ Mỹ kiện gần 1 tỉ đồng vì vi phạm tác quyền.

Đoạn nhạc ngắn ở cảnh Noo Phước Thịnh bị tai nạn xe hơi trong MV có sử dụng nhạc ca khúc The way (nhạc sĩ Zack Hemsey), được Công ty Epic Elite mua độc quyền, đã được thay bằng một đoạn nhạc khác. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Mới đây, nhạc sĩ Zack Hemsey khởi kiện Noo Phước Thịnh ra tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh. Vụ việc cũng đã được Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh thụ lý.

Trường hợp như Noo Phước Thịnh cũng không phải hiếm ở nước ta. Khi nhiều sản phẩm của các nghệ sĩ ra đời, công chúng cảm thấy quen quen, na ná như những sản phẩm của các nghệ sĩ quốc tế. 

Đặc biệt là trường hợp Sơn Tùng M-TP, nhiều sản phẩm của ca sĩ trẻ này đều dính “nghi án đạo nhạc” của Kpop. Hay đầu tháng 7 vừa qua, ca sĩ Quang Hà cũng phải gỡ bài hát “Ai rồi cũng sẽ khác” khỏi YouTube vì nghi án đạo giai điệu bài “Day by day” của nhóm nhạc Hàn Quốc.

Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Việc vi phạm bản quyền còn phổ biến và các vụ việc chưa được xử lý rốt ráo, có tính răn đe là một thực tế đã được nêu ra tại Hội thảo về thực thi quyền tác giả  và quyền liên quan ở Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả tổ chức. 

Tại hội thảo này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam đánh giá, hệ thống pháp luật về thực thi bản quyền trí tuệ của Việt Nam hiện nay đã đầy đủ và không thua kém các nước trên thế giới nhưng việc thực thi pháp luật của người dân Việt Nam lại rất đáng báo động. 

Đa phần các vụ việc chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính chứ không có mấy vụ được đưa ra tòa án phân xử. Chính thái độ không dứt khoát, nể nang của các đơn vị chủ quản về bản quyền đã dung dưỡng cho thói quen dùng "của chùa" của người Việt. Vì thế, về lâu dài, ông Nguyễn Quang Đồng ủng hộ việc đưa các vụ việc ra phân xử trước pháp luật để mang tính răn đe cho nhiều người.

Còn ông Lim Won Seon - Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cho rằng, hiện nay, đã có nhiều quốc gia thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo thống kê, hiện nay có 119 quốc gia đã quy định trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp về xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó riêng khu vực ASEAN cũng có 6 quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippinnes và Campuchia.

Ở Việt Nam, theo quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và các văn bản pháp lý khác tại Việt Nam cũng đã có quy định rõ về các căn cứ để xác lập quyền sở hữu trí tuệ và đối tượng bảo vệ quyền SHTT. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng rất quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế. 

Bất kỳ tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, đối với những vụ việc liên quan đến các tổ chức quốc tế thì những điều khoản nào trong Luật SHTT của Việt Nam không có sự đồng nhất với các điều khoản quốc tế thì sẽ được áp dụng theo luật quốc tế.

Đi tìm nguyên nhân

Nguyên nhân vi phạm bản quyền còn phổ biến ở nước ta được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ ra là do nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân có sử dụng âm nhạc chưa thật sự đầy đủ và nghiêm túc. 

Ảnh chụp thống kê vi phạm quyền tác giả của một trang web.

Xu hướng phổ biến ở nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn là vì lợi nhuận mà tìm cách né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật vô cùng bất lợi đối với các tác giả, cảnh báo nguy cơ triệt tiêu sáng tạo như quy định về áp dụng hình thức “cam kết” theo Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL; Quy định về bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP.

Khi áp dụng hình thức này, các đơn vị tổ chức biểu diễn đã dễ dàng ký đơn cam kết với cơ quan quản lý nhà nước (mà không phải là cam kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả) để cho đủ hồ sơ, thủ tục xin cấp phép, khi diễn xong thì đơn vị tổ chức biểu diễn “làm lơ”, thậm chí thách thức, và nếu có khiếu nại, khiếu kiện thì họ làm động tác xin giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khá bức xúc về tình trạng này. Ông chia sẻ: “Mới đây Trung tâm CASA MUSICA (Đức) và một giáo sư người Nhật đại diện cho trường tiểu học của thành phố Hiroshima liên lạc trực tiếp đến tôi - là tác giả Việt Nam - để xin phép sử dụng bài hát “Nhật ký của mẹ” trong những album của họ. Điều đó thể hiện sự chấp hành nghiêm ngặt về Luật sở hữu trí tuệ, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối về quyền tác giả đối với bất kỳ đơn vị sử dụng nào. Điều đó thể hiện ý thức, sự văn minh của các cá nhân/đơn vị muốn sử dụng tác phẩm âm nhạc của một tác giả nào đó ở các nước phát triển”.

Nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” cũng nói rõ thêm: “Tác phẩm âm nhạc là sở hữu của chính tác giả chứ không phải của bất kỳ cơ quan đoàn thể nào. Không ai hay bất kỳ tổ chức, cơ quan nào được tự ý cấp phép cho người khác sử dụng mà không được tác giả ủy quyền và đồng ý. Vì thế, việc Nghị định 142/2018/NĐ-CP mới đây cho phép người/đơn vị sử dụng chỉ cần được Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) cấp phép mà không cần sự đồng ý của tác giả là điều hết sức vô lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi tác giả, góp phần làm cho tình trạng xem thường quyền tác giả trở nên phổ biến hơn, khó kiểm soát hơn, xâm phạm quyền sở hữu cá nhân, thiếu tôn trọng các tác giả”.

Dẫn chứng mới nhất là trường hợp vừa qua, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã cấp phép cho chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” diễn ra tối 13-7 được biểu diễn bài hát “Sống như những đóa hoa” của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng dù tác giả không đồng ý. Vì theo tác giả, “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” là một chương trình đầy tai tiếng. Chương trình này sau đó đã không thể diễn ra vì lý do đặc biệt, nhưng giả sử chương trình vẫn diễn ra theo đúng giấy phép của Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, thì rõ ràng, cơ quan quản lý đang tiếp tay cho đơn vị tổ chức biểu diễn vi phạm bản quyền.

Thêm một điều đáng tiếc khiến tình trạng “nhờn luật” diễn ra phổ biến là khi những vụ việc được phát hiện, phía đại diện các nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền gửi hồ sơ ra tòa, nhưng tòa án đưa các vụ việc vào tình trạng “giải quyết kéo dài” và không xử lý. 

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc VCPMC chia sẻ: “Trong khi ca sĩ nổi tiếng có thể thu về 400-500 triệu đồng/show, bầu sô có thể bán hai, ba chục triệu đồng một cặp vé, mua được nhà lầu xe hơi. Nhưng ai là người cung cấp tác phẩm để họ kiếm lời, nếu không phải là nhạc sĩ? Vậy mà khi trả tiền tác quyền thì họ tìm đủ mọi cách tránh né, thậm chí chửi bới um xùm. Thử hỏi các nhạc sĩ có đau lòng không? Chúng tôi nhận thấy vô vàn hệ lụy nếu không bảo vệ được bản quyền cho người sáng tác".

Nhạc sĩ của “Tổ quốc gọi tên mình” cũng cho biết: “VCPMC đã khởi kiện 8 chương trình biểu diễn vi phạm quyền tác giả ra tòa từ năm 2018. Nhưng đến nay chưa vụ án nào trong số này được xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được Tòa án thụ lý theo thủ tục”.

Để quyền tác giả được tôn trọng, cùng với giải pháp thực thi theo đúng pháp luật thì theo kinh nghiệm mà các chuyên gia Hàn Quốc nêu ra đó là cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người dân trong việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia cũng như luật pháp quốc tế về vấn đề này. Ở Hàn Quốc, vấn đề về bản quyền được đưa vào hệ thống trường học từ cấp 1 đến cấp 3.

Còn tại Nhật Bản, chỉ trong năm 2017, đã có 4 vụ bắt người điều hành các trang ấn bản lậu. Việc xử lý hình sự đối với vi phạm bản quyền cũng được thực hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc. “Mỗi hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, khi bị phát hiện đều bị xử phạt rất nặng. Mục đích của pháp luật bảo hộ bản quyền là nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa. Còn hành vi xâm phạm bản quyền kìm hãm sự phát triển của mỗi quốc gia” - ông Akihiko NODA, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản cho biết.

Bên cạnh việc có chế tài đủ sức răn đe, tình trạng vi phạm bản quyền chỉ thực sự được hạn chế khi người dân ý thức được hành động "xem chùa", "thưởng thức chùa" là ảnh hưởng trực tiếp đội ngũ sáng tác, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.

Hà Hồng Gấm
.
.
.