Sahara - “cái nôi” của nền văn minh cổ xưa nhất

Thứ Ba, 19/06/2018, 10:54
Vùng Sahara chính là “cái nôi” của nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại trên trái đất này. Các cuộc nghiên cứu những tranh vẽ trên các vách đá, được phát hiện vào cuối thế kỷ XIX, cho phép khoa học tạo dựng lại những bước cơ bản trong sự tiến hóa của nền văn minh Sahara.

Trước đây độ 10.000 năm, những cư dân của Sahara đã bắt đầu khắc vào các vách đá một vài hình ảnh tiêu biểu, minh họa cho cuộc sống hàng ngày của họ. Những tranh khắc sớm nhất thuộc thời kỳ “trâu cổ” (nói về một loài vật đã tuyệt chủng từ thời tiền sử). Sau đó là giai đoạn “đầu tròn” (cách gọi về kiểu tranh có cái đầu to tướng trên thân người, được vẽ cách đây 9.000 năm), tới thời kỳ “bầy đàn” (sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp 6.000 năm trước), rồi tới giai đoạn “trên mình ngựa”…

Cuối cùng là thời kỳ “lạc đà” (lạc đà được đem tới từ phương Đông, là “chủ nhân” miễn bàn cãi của Sahara ngay từ thế kỷ III).

Hiện nay dân số của Sahara ước tính gần 2,5 triệu người, đa phần là các bộ lạc thiểu số bản địa. Người da đen cư ngụ tại phần cực nam của sa mạc. Kề họ là người Fulani - sắc dân chuyên chăn các đàn trâu có sừng to và dài, hiển nhiên là hậu duệ nhiều đời của nhóm người khắc trên vách đá nói trên.

Chếch sang phía đông là nơi sinh sống của các bộ lạc hiếu chiến Toubou hoặc Tubu, họ định cư tại vùng núi Tibesti hiểm trở ngay từ thời cổ, chỉ chịu rời quê hương mỗi khi đi chinh phục các miền đất kế cạnh. Người da trắng hay đúng hơn là người Ả Rập, bắt đầu xâm nhập vào Sahara trong giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỉ VIII.

Đông hơn cả là người Berber - phân tán khắp sa mạc: những người cư ngụ ở trung và nam Sahara được biết dưới cái tên Tuareg, cũng chính là nhóm “người Xanh” huyền thoại, luôn được giới nhân chủng học quốc tế cho là “những đại diện cuối cùng đầy tự hào và miễn bàn cãi của miền sa mạc mênh mông”.

“Châu Phi được chia làm 4 phần và bất cứ phần nào trong đó cũng được người Ả Rập gọi  chỉ một cái tên: hoặc là Sahara, hoặc là sa mạc”, một nhà thám hiểm người Ả Rập đã từng viết như vậy dạo giữa thế kỷ XVI. Vào thời đó những dãy núi trong lòng Sahara hầu như chưa được biết đến; còn nhà thám hiểm vô danh thậm chí không thể ngờ rằng, để biết được hết về sa mạc Sahara khổng lồ chiếm tới 1/3 diện tích châu Phi, khoa học cần phải mất thêm 3 thế kỷ nữa.

Lịch sử của những cuộc thâm nhập lớn vào sâu trong lòng Sahara bắt đầu từ các nhà truyền giáo La Mã, rồi kết thúc chừng 2.000 năm muộn hơn - vào đầu thế kỷ XX, kế tiếp là những cuộc thám hiểm của giới nghiên cứu châu Âu. Những bước chân đầu tiên được ghi nhận từ khi các vùng đất bên kia ranh giới Đế chế hùng mạnh của Hoàng đế La Mã Julius Caesar (100-44 Tr.CN), vốn luôn được ghi trên bản đồ là “Terra Incognita” (Vùng đất xa lạ).

Sa mạc Sahara nhìn từ vũ trụ.

Sau Cuộc chiến tranh Punic lần thứ 3 (149-146 Tr.CN), người La Mã phải tự hài lòng với việc thu nạp một phần lãnh thổ xứ Carthage, phần còn lại phải chia cho những thế lực người Phi khác có công trong cuộc chiến. Chúng ta biết rằng người Carthage khi ấy sở hữu miền đất bây giờ là Tunisia; phần còn lại của Magreb (bắc Phi) và Libya ngày nay thuộc sự cai quản của Liên minh các bộ lạc bản xứ; người Carthage cũng hài lòng khi được kiểm soát các phế tích của nền văn minh Finik - trải từ Địa Trung Hải tới bờ Đại Tây Dương.

Sau khi chiến thắng người Carthage, giới thực dân La Mã ở châu Phi bắt đầu khen thưởng và chia đất cho những binh lính đang còn nấn ná tại đây. Những nhà chinh phục mới ra sức “tái sinh” dân bản địa bằng các kiểu nô dịch mới, áp dụng triệt để phong tục, văn hóa và tín ngưỡng La Mã ở nơi này.

Nhưng một điều cần phải nói rằng người dân vùng Maghreb - tuy đã bị La Mã hóa, nhưng không bao giờ họ bị “tái sinh” hoàn toàn, tại vì quanh rìa biên giới mới của Đế chế La Mã là các sắc dân bộ lạc bản xứ khác nhau vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vào năm 19 Tr.CN, người La Mã tiến hành chiến dịch đầu tiên nhằm “tảo thanh” họ, và đây thực ra chính là công cuộc nghiên cứu rầm rộ đầu tiên về sa mạc Sahara khổng lồ. Theo nhiều nhà khoa học, thì một trong những đạo quân của người La Mã đã xuống được tận dưới phía nam đến bờ hồ Chad, cách xa từ 1.200-1.300km theo đường chim bay tính từ bờ biển Libya.

Tuy nhiên giả thuyết này không được giới khảo cổ học ủng hộ, bởi người ta vẫn chưa tìm thấy một dấu vết nào về sự “La Mã hóa” tại khu vực phía nam Sahara cả.

Cần phải đợi đến lượt người Ả Rập mới khơi dậy được những mối lưu tâm kỳ thú về các vùng đất thuộc nam phần Sahara. Trong thế kỷ XII, vùng đất ven hồ Chad trở thành mục tiêu cho các đoàn doanh thương Ả Rập tới từ ven bờ Libya. “Họ trao đổi đồng và ngựa lấy nô lệ và ngà voi”, nhà địa lý học gạo cội gốc Ả Rập Abuabi Ala Muhammad Al-Idrisi (1100-1165) cho biết.

Trong thế kỷ XIV Ibn Batuta (1304-1369) một nhà thám hiểm Ả Rập bất hủ khác, là người đầu tiên đã mô tả cho thế giới biết về những vùng đất ven hồ Chad, cũng như kể về các mỏ muối và đồng gần đó. Tới thế kỷ XV lần đầu tiên xuất hiện người Âu, khi người Bồ Đào Nha lập ra tại Tây Sahara căn cứ của mình gần Villa Cisneros (nay thuộc Morocco), giúp rút ngắn tuyến đường buôn bán từ Trung Phi về “chính quốc”, vì thời ấy chủ yếu người ta buôn vàng theo tuyến này.

Những cuộc thám hiểm đầu tiên nghiên cứu toàn bộ lãnh thổ Sahara được thực thi từ đầu thế kỷ XIX, nhưng người chuyên nghiên cứu Sahara thực thụ đầu tiên lại là nhà thám hiểm nổi tiếng Alexander von Humboldt (1769-1859) người Phổ. Trong giai đoạn từ năm 1849-1855, A. von Humboldt gạo cội đã thực hiện một loạt các cuộc hành trình từ Tripoli (thủ phủ xứ Libya) đền bờ hồ Chad, rồi tới cả “thủ đô tinh thần” Timbuktu của đạo Hồi ở miền trung Mali.

Từ đó các cuộc thám hiểm triền miên kế tiếp nhau, nảy sinh nhiều điều thú vị mới đáng quan tâm. Người Âu bắt đầu có mặt thường xuyên tại Sahara. Và rồi ngày nối ngày, Sahara dần hé mở những điều bí mật của mình. Nhưng tính huyền bí vĩnh cửu từ những khoảng không bất tận trường tồn với thời gian, vẫn luôn là một điều bí ẩn lớn nhất được lưu giữ cho đến ngày nay.

“Chỉ một lần đến Sahara, khi quay về bạn đã là một con người khác hẳn”. Ai cũng nói như vậy - những người từng trực tiếp đối mặt với những bí mật, cùng sự kỳ vĩ không thể diễn tả nổi của miền đất mênh mông đầy mê hoặc này.

Trần Quang Long (theo National Geographic)
.
.
.