Nỗi lo tà áo dài Việt bị “thay tên đổi họ”

Thứ Tư, 04/11/2020, 10:12
Thi sĩ Xuân Diệu từng xao xuyến: “Những tà áo lụa mong manh ấy/ Đã gói hồn tôi suốt trọn đời”. Chiếc áo dài, trang phục truyền thống, đồng thời cũng là một di sản văn hóa bao đời nay, đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Thế nhưng, gần đây, hình ảnh áo dài Việt đang bị sử dụng tùy tiện ở nước ngoài gây bức xúc trong dư luận.


Năm lần bảy lượt gây tranh cãi

Ngày 25/10, trên Instagram cá nhân, nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Trần Mạn đăng tải dòng trạng thái mới nhất với nội dung: “Mặc sản phẩm do chính tôi thiết kế trong lần hợp tác gần nhất với @shangsia”. Kèm theo bài đăng là những bức hình chính cô mặc một bộ váy áo dài tay.

Ngay lập tức, dòng trạng thái trở thành chủ đề bàn tán của cộng đồng mạng Việt Nam bởi những trang phục trong ảnh được cho là y hệt áo dài Việt Nam. Nhiều người cho rằng trang phục mà Trần Mạn tự nhận là của mình thực chất chỉ là áo dài Việt Nam cách tân.

Thiết kế của Trần Mạn có độ tương đồng cao với áo dài Việt Nam.

“Chào Trần Mạn, cô có nhầm lẫn gì không? Trang phục mà cô thiết kế giống hệt với tà áo dài truyền thống của Việt Nam và cô cũng không ghi ý tưởng từ đâu? Tôi nghĩ điều này giống như ăn cắp vậy”, “Nhìn cũng đẹp đấy nhưng lại đạo nhái áo dài của Việt Nam. Cảm ơn em đã quảng bá nền văn hóa truyền thống của Việt Nam nhé”... là một số bình luận của người dùng mạng xã hội Việt Nam dành cho những thiết kế của Trần Mạn.

Đây không phải lần đầu tiên áo dài của Việt Nam được người Trung Quốc sử dụng và gây nhiều tranh cãi. Gần đây nhất, thí sinh người Trung Quốc Jie Ding tại Miss Earth 2020 (Hoa hậu Trái đất) gây chú ý khi diện mẫu trang phục có nhiều điểm giống với áo dài truyền thống của Việt Nam trong phần thi tài năng. Cụ thể, trong phần biểu diễn kéo dài hơn 2 phút, thí sinh Jie Ding diện một bộ trang phục màu trắng - có nhiều chi tiết giống áo dài của phụ nữ Việt Nam. Cô thể hiện một điệu múa với quạt trên nền nhạc của Trung Quốc.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc cho rằng bộ trang phục mà Jie Ding nhìn giống gần như 100% với áo dài của Việt Nam. “Thực tế, kỹ thuật cắt may, kết cấu giữa áo dài của Việt Nam và xường xám của Trung Quốc khá giống nhau. Chỉ có một số tiểu tiết và kết cấu là điểm nhận biết rõ trang phục của hai nước. Trong đó, áo dài của Việt Nam thường được mặc với quần dài, còn xường xám của Trung Quốc thì không. Đây là dấu hiệu phân biệt rõ nhất giữa trang phục này của hai nước”, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc giải thích thêm.

Thực tế, không có quy định cấm các người đẹp, thí sinh hay bất cứ người nước ngoài nào không được mặc trang phục truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đến một cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế và là nơi thể hiện bản sắc dân tộc như Miss Earth, nếu người mặc không giải thích thêm dễ gây ra sự ngộ nhận, hiểu lầm.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn bức xúc khi một thiết kế của Ne Tiger (phải) sao chép thiết kế của mình trong bộ sưu tập “Áo dài non nước” trình làng tháng 1/2018.

Một trường hợp khác là sự trắng trợn của một Nhà thiết kế của thương hiệu Ne-Tiger cách đây khoảng 2 năm. Tháng 10/2018, thương hiệu này giới thiệu bộ sưu tập mới mang tên “Một vành đai” trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân hè 2019. Theo Ne-Tiger, những trang phục trong bộ sưu tập của họ “lấy cảm hứng” từ quốc phục các quốc gia nằm trên Con đường tơ lụa cách đây 613 năm.

Khi giới thiệu về bộ sưu tập, Ne-Tiger viết: “Đội ngũ thiết kế của chúng tôi mất hơn một tháng để thu thập tư liệu trang phục truyền thống của các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và các quốc gia khác. Hình ảnh về vật tổ, phù hiệu đặc trưng của từng nước sẽ được tích hợp vào mẫu trang phục Trung Quốc để tái hiện sự hùng vĩ của Con đường tơ lụa trên biển”.

Nhà thiết kế thương hiệu thời trang Ne-Tiger thể hiện tham vọng: “Chúng tôi tiếp tục kế thừa và phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống của Trung Hoa, đồng thời học hỏi và kết hợp chúng với các xu hướng thời trang hiện đại của thế giới để đưa các mẫu thiết kế ra toàn cầu. Khi sáng tạo ra một bộ sưu tập, tôi nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.

Trong khi đó, nhật báo China Daily tiếng Anh đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang xuân - hè). Cụm từ “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc) khiến không ít người Việt “nổi đóa” vì trang báo trên mặc định những trang phục này là phong cách của Trung Quốc. Phẫn nộ hơn, những thiết kế nằm trong bộ sưu tập của Ne-Tiger không chỉ giống về kiểu dáng mà thậm chí màu sắc, họa tiết trên áo cũng không khác gì sản phẩm của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, nằm trong bộ sưu tập “Áo dài non nước”.

Theo chia sẻ từ đại diện của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, bộ sưu tập “Áo dài non nước” được ra mắt tháng 1-2018, trong khi đó, bộ sưu tập của thương hiệu Ne-Tiger ra mắt tháng 10-2018. Nhà mốt Việt vô cùng bất bình trước hành động và việc làm của thương hiệu Trung Quốc. “Thật vô lý khi nhận áo dài là phong cách Trung Quốc”, đại diện truyền thông của nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ.

Lập lờ trong cách giải thích

Từ lâu, áo dài là một biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng của người phụ nữ Việt. Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài.

Một trong những thiết kế mà báo Hoa ngữ gọi là có “phong cách Trung Quốc”.

Từ “Áo dài” đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài. Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt.

Theo tài liệu cung cấp từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng. Loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm như: Nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam, được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông là người đặt nền tảng cho hình hài của áo dài. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802) đã kế thừa sự cải cách trang phục của Chúa Nguyễn. Đến năm 1836-1837 Vua Minh Mạng quyết định tiến hành cải cách trang phục và áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.

Trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, họa sĩ Cát Tường là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. Ông đã thiết kế áo dài gọn hơn, khoe vẻ đẹp người phụ nữ, phù hợp với đời sống xã hội lúc bấy giờ. Họa sĩ Cát Tường đã thêm những yếu tố tạo hình mới vào áo dài như vai bồng, áo có cổ lá sen, tà áo hẹp hơn... Bản vẽ đầu tiên của chiếc áo dài với tên gọi Lemur được họa sĩ Nguyễn Cát Tường công bố trên Báo Phong hóa số 90, ra ngày 23/3/1934.

“Đại từ điển danh nhân thế giới” do Nhật Bản ấn hành năm 2013 ghi nhận họa sĩ Nguyễn Cát Tường là tác giả của chiếc áo dài Việt Nam bằng thông tin: “Chính ông khởi xướng việc cách tân y phục phụ nữ truyền thống của dân tộc mình. Những kiểu áo dài do ông nghĩ ra có ảnh hưởng lớn đến lối thiết kế áo dài hiện đại”.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, ông chủ của không gian nghệ thuật nhà sàn (Nhà sàn Collective) tại Hà Nội cho biết, chiếc áo dài định hình rõ ràng phải tính bắt đầu từ chiếc áo dài 5 thân thời Nguyễn.

Trải qua quá trình Tây hóa, ảnh hưởng từ văn minh phương Tây, chiếc áo dài được cách tân mạnh mẽ, ảnh hưởng phương Tây - đặc biệt là phong cách của người Pháp, chứ không ảnh hưởng của Trung Quốc. Quá trình lịch sử cải tiến rất rõ ràng như sự xuất hiện của áo dài Lê Phổ từ bản vẽ của họa sĩ Lê Phổ... Không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, áo dài còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình.

Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân khẳng định: “Áo dài Việt Nam có trước xường xám của Trung Quốc, vì vậy, không có chuyện áo dài được kế thừa từ trang phục này của Trung Quốc. Hơn nữa, áo dài Việt Nam khác hoàn toàn xường xám của Trung Quốc. Áo dài có đặc trưng là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân, còn xường xám không kết hợp với quần”.

Lý giải về việc áo dài liên tục bị sử dụng tùy tiện, ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, hiện nay một số giá trị truyền thống đang bị đảo lộn, đánh tráo. Trong bối cảnh đó, nhiều người rất mơ hồ, chưa hiểu rõ về chiếc áo dài truyền thống dễ tạo thành lỗ hổng để người khác dễ dàng “xâm chiếm văn hóa. Thậm chí, họ có thể tạo dựng những chứng cứ lịch sử khác, mà tước đoạt bản quyền chiếc áo dài của Việt Nam.

Thực chất, toàn cầu hóa là kết nối quốc gia với nhau và là xu thế tất yếu của thời đại mới. Song, trong toàn cầu hóa, mỗi quốc gia sẽ đóng góp riêng bản sắc của mình chứ không phải trộn lẫn với các bản sắc của quốc gia khác theo như diễn giải của các nhà thiết kế Trung Quốc nói trên. Rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận câu chuyện xây dựng thương hiệu áo dài bằng nhiều phương thức, trong đó, vai trò dựng thương hiệu của các nhà thiết kế, tổ chức các tuần lề áo dài ở trong và ngoài nước... là những việc làm thiết thực.

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức hồi tháng 6, nhiều câu chuyện về xác định bản quyền, “danh phận” cho áo dài Việt Nam đã được các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đề cập. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt, sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Thảo Dung