Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Vẫn có thể sống tốt bằng viết

Chủ Nhật, 29/09/2019, 21:50
Trên con phố đi bộ dài Hồ Gươm, ngay cạnh chân Tháp Bút, từ 8 giờ sáng đến quá trưa, trong cái nắng còn sót lại của mùa hè, hàng dài người nối đuôi nhau chờ đến lượt được ký tặng trên sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Hầu hết họ đều là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong bối cảnh văn hóa đọc đang ngày càng xuống cấp, thì hoạt động ký tặng sách do Nhà xuất bản Trẻ phối hợp cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh diễn ra đều đặn hàng năm, thực sự là một điều đáng trân trọng.

Chuyện của một nhà văn có nhiều độc giả tuổi học trò...

Hà Nội nắng nóng nhưng dường như không khí mùa thu Hà Nội cạnh con phố đi bộ Hồ Gươm cũng hiểu thấu lòng người. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vui vẻ, tươi cười cùng độc giả ruột bao năm của anh. Liên tục trong suốt cả buổi sáng, chỉ nghỉ đôi lần uống nước, anh cứ ngồi yên vậy để ký và giao lưu, chụp ảnh với độc giả. 

Anh chia sẻ, các bạn trẻ là nguồn cảm hứng trong các sáng tác của anh, câu chuyện của họ, cũng là câu chuyện của anh, chính vì thế, việc họ sắp hàng được chờ anh, thì không có lý do gì anh không thể chờ đợi để ký và chuyện trò cùng họ. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Điều này dễ hiểu vì sao, Nguyễn Nhật Ánh có được tình yêu của độc giả trẻ, và cũng dễ hiểu vì sao, nguồn cảm hứng bất tận ấy lại cứ nâng bước để mỗi năm anh đều đặn cho ra mắt một cuốn sách về tuổi học trò, tuổi thơ.

Câu tự vấn lặp đi lặp lại của nhân vật chính: "Và tôi biết tại sao tâm hồn tôi đẹp dần lên mỗi ngày" là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm mới "Làm bạn với bầu trời" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện của Tèo qua con mắt nhìn của nhân vật “Tôi” (một cậu bé tên Lam) đã đưa chúng ta đi từ thế giới trong trẻo của trẻ thơ đến những triết lý sống đơn giản mà nhẹ nhàng của cuộc đời. 

Rằng, với một trái tim ngập tràn yêu thương, thì cuộc sống không bao giờ có cơ hội trở thành một gánh nặng. Tèo là cậu bé 8 tuổi sinh ra đã đón nhận đủ điều không may: lớn lên trong sự nghi ngờ của cha rằng Tèo là hậu quả sau những lần mẹ cậu bé “phản bội” chồng. Lúc cha Tèo (thực chất Tèo gọi là Cậu) gần như hiểu ra sự thật và bắt đầu áy náy vì những cư xử không đúng của mình cũng là lúc tai nạn xảy ra khiến cột sống Tèo bị tổn thương nằm liệt một chỗ. 

Thế nhưng, bất chấp “xuất thân không rõ ràng”, bất chấp sự “bất công” của cha, bất chấp những ngày tháng bệnh tật nằm ròng rã trên giường, Tèo vẫn cứ nhìn cuộc đời bằng ánh mắt trong lành. Tèo bỏ qua những ưu phiền và nhìn về những điều đẹp đẽ, thế giới của cậu có chú Vịnh khéo tay siêu phàm, có anh Tí thương nó vô vùng, có người mẹ (tuy không phải mẹ ruột) một mực lo lắng cho nó và cả những người bạn dễ thương nó có được trong đợt theo mẹ lên thị trấn làm việc. 

Có được cái nhìn ấy bởi Tèo biết làm bạn với bầu trời - một khoảng xanh bao la, khoáng đạt – có trăng sao, có những đám mây và có cả các bà tiên sẵn sàng giúp đỡ người khác mà mắt thường không nhìn thấy. Khi ấy, tâm hồn của cậu bé cũng trở nên bao dung và cởi mở hơn. 

Từ bầu trời mênh mông đầy bao dung ấy, những câu chuyện của thế giới người lớn xung quanh Tèo dần dần được nhà văn lần dở một cách nhẹ nhàng. “Ờ, dường như trái tim thằng Tèo luôn nhúng vào tình yêu. Nó luôn tìm thấy cơ hội để tha thứ cho cuộc đời, nhờ vậy tâm hồn nó lúc nào cũng bình yên”.

Lan Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng nhóm bạn đang cầm trên tay nhiều cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh để xin chữ ký, chia sẻ: Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không phải là mới, nhưng cách nhà văn thủ thỉ chuyện trò, cách anh đi sâu vào tâm lý nhân vật khiến cho người đọc bị cuốn hút. Trong đó cũng có những ước mơ được chắp cánh, điều mà tuổi trẻ chúng em đang rất cần trong thời đại này. Lan Anh cũng cho biết, hầu hết các nhà văn hiện nay đều viết về những điều lớn lao đôi khi ngoài tầm hiểu biết của lứa tuổi học trò. Lớp trẻ chỉ cần những cuốn sách vừa tầm, nhẹ nhàng và phản ánh được tâm lý nhân vật vừa tầm với tuổi mới lớn...

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: "Vui, hóm hỉnh, ngồ ngộ là phẩm chất nổi trội trong những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng đó đâu có phải là những cảm xúc dễ dãi. Sau tất cả là sự rung động của con tim. Là tâm hồn của tuổi thơ được thanh lọc triệt để, để hướng về cái thiện, về sự xót thương, về tình yêu cuộc đời và cái đẹp vĩnh hằng, tròn trặn".

Về một thế giới... trong veo

Trong dòng chảy cuộc sống ngày càng ồn ã, tất bật, lớp trẻ có nhiều mối quan tâm và đang dần rời xa văn hóa đọc sách. Thì những dòng người xếp hàng chờ đợi được xin chữ ký của nhà văn cũng là một điều lạ ở Việt Nam. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách tại Hà Nội.

Có lẽ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một người hiếm hoi luôn nỗ lực để viết về tuổi teen với một tình yêu, sự quan sát và cách tiếp cận dễ gần, dễ hiểu nhất tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Ngòi bút hướng về thế giới trẻ thơ của nhà văn một lần nữa làm những người lớn khẽ mỉm cười rung động khi gặp chính mình nơi quá khứ. Người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ họ tìm thấy tuổi thơ trong những trang sách của ông. 

Tèo, nhân vật chính trong cuốn sách mới nhất "Làm bạn với bầu trời" của câu chuyện, từng trải qua một vụ tai nạn khủng khiếp khiến cột sống của cậu bị tổn thương nghiêm trọng và ngày qua ngày phải nằm một chỗ. Thế nhưng niềm tin cuộc sống vẫn luôn nảy nở trong tâm hồn đứa trẻ ấy thay cho nỗi buồn tủi, chán chường, cáu giận. Tèo yêu bầu trời cao xanh và từ đó yêu cả những con người xung quanh cậu. "Bầu trời tượng trưng cho sự rộng mở, khoáng đạt. Cũng vì thế, làm bạn với bầu trời sẽ giúp con người bao dung và luôn có những suy nghĩ trong trẻo".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, khi tạo ra một thế giới trong veo như vậy là lúc ông học tập nhân vật của mình, đem lòng bao dung để nhìn thế giới xung quanh. Ông nhớ về bầu trời tuổi thơ của ông cũng đầy ánh sao, cũng vô số chòm mây thay đổi hình thù và những ước mơ gửi gắm ở đấy, nhớ về khoảng thời gian đi thanh niên xung phong bầu bạn cùng với bầu trời đêm trong những lần canh gác, học gọi tên những chòm sao.

Trong "Làm bạn với bầu trời", lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh cho nhân vật “Tôi” không kể chuyện của mình mà dẫn dắt xoay quanh một nhân vật  khác là trung tâm – là thằng Tèo. Nhân vật "Tôi" như một người ngoài nhìn vào nhân vật trung tâm, tha hồ ngạc nhiên vì những phản ứng không theo logic thông thường của thằng Tèo, tha hồ trầm trồ, ngưỡng mộ và kết luận “thằng Tèo là một kho báu”. 

Cảm xúc và vốn liếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về thế giới tuổi thơ riêng biệt của ông vẫn còn thôi thúc ông “cày xới trên mảnh ruộng quen thuộc của mình”. 

Ở đó, độc giả bắt gặp giọng văn nhè nhẹ, thủ thỉ tâm tình, bắt gặp những hình ảnh so sánh thú vị và bắt gặp những đứa trẻ quê vừa thân quen vừa thú vị của nhiều năm trước. Mỗi năm, nhà văn đều nỗ lực viết và cho ra những ấn phẩm mới, đó là một trong những điều khiến độc giả mong đợi. 

Bởi vì như chúng ta biết, dấu ấn của một Nguyễn Nhật Ánh trong thế giới tuổi thơ thực sự là một giá trị đã được nhiều thế hệ ghi nhận. Và độc giả trẻ, trong thời đại nhiều sự lựa chọn như hiện nay, không phải ai cũng chọn sách làm thú tiêu khiển, phải yêu lắm, phải mê say từng con chữ mới chờ đợi từng trang sách viết. 

Điều này, chắc chắn nếu được nhân rộng ra trong giới trẻ, sẽ tạo nên được một xã hội nhiều điều tốt đẹp nhân văn, chứ không phải đầy rẫy những thảm kịch chết chóc, chém giết nhau, nghiện ngập đầy rẫy trên các trang mạng xã hội...

Dành tâm Sức cho bạn đọc trẻ

Rõ ràng, Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn viết về tuổi mới lớn được hâm mộ nhất hiện nay. Sách của anh "ra lò" luôn được bán với số lượng hàng chục ngàn bản và độc giả nhỏ tuổi khắp các vùng miền luôn phải sắp hàng để xin chữ ký của nhà văn mình hâm mộ. 

Đông đảo độc giả chờ xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh "Làm bạn với bầu trời" được chính thức phát hành toàn quốc ngày 12-9-2019. Số lượng bản in lần đầu lên tới 150.000 bản (trong đó có 20.000 ấn bản bìa cứng đặc biệt – chỉ in một lần duy nhất). Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng khẳng định, anh là nhà văn sống "dư giả" bằng nghề viết của mình.

Trong thời đại 4.0, mọi thứ đều trôi đi một cách chóng vánh, tuy nhiên, vẫn có những nhà văn được in sách và bán sách với số lượng "khủng" như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì đếm trên đầu ngón tay. Nói về sự thành công của mình, anh cho rằng, trước hết là do anh có cái duyên viết về đề tài tuổi học trò. 

Thực ra, lúc mới cầm bút, anh cũng thử nghiệm với nhiều đề tài nhưng rốt lại viết về tuổi thơ là hợp với anh nhất. Có lẽ do anh xa quê từ bé, không nguôi nhớ về thời tuổi nhỏ của mình nên hễ chạm đến đề tài này là cảm xúc tự nhiên kéo về. 

Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cảm hứng viết văn đến từ ba nguồn: ký ức, óc quan sát và trí tưởng tượng. Với một nhà văn chuyên viết về tuổi thơ như anh, sự huy động ký ức đóng vai trò cực kỳ quan trọng, mặc dù trên thực tế cả ba yếu tố đó hòa quyện, bổ sung cho nhau chặt chẽ đến mức khó tách bạch ra được.

Nói về công việc viết văn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, anh luôn dành thời gian để viết mỗi ngày. Anh cố sắp xếp công việc để có thể ngồi viết vào buổi sáng, vì đó là thời khắc anh cảm thấy đầu óc minh mẫn, cơ thể khỏe khoắn nhất. Đó là thói quen đã có suốt từ 30 năm nay. Ngày nào không viết anh cảm thấy ngày đó mình chưa sống đủ. Anh viết vì anh yêu nghề viết văn. Cảm thấy được trải lòng, bay bổng theo trí tưởng tượng và những câu chuyện anh đã gặp, đã thấy trong cuộc đời. 

Với anh, hạnh phúc thực sự đơn giản, chỉ là khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích. Với mỗi nhà văn, viết văn, in nhiều và có nhiều tiền là điều cực kỳ may mắn, song anh vẫn cho rằng, anh cũng như nhiều nhà văn khác, viết văn điều tiên quyết không phải để kiếm tiền. 

Họ viết vì họ yêu thích, đam mê văn chương, họ tìm thấy niềm vui sống trong việc sáng tác, chứ nếu vì mục đích kiếm tiền chắc chắn họ sẽ chọn nghề khác. Tiền bạc với nghề văn, chỉ là cái đến sau. Có được độc giả đồng cảm và đọc sách của mình, chia sẻ với những trang viết của mình, đó là điều khiến nhà văn hạnh phúc nhất.

Hiện nay có lẽ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang là một trong những nhà văn hiếm hoi tại Việt Nam có lượng độc giả chờ đợi sách mới và hoàn toàn sống được bằng nhuận bút. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xem đó là may mắn của đời mình. 

Nhưng có lẽ, xét cho cùng, phải khẳng định một điều, anh dành nhiều thời gian, tâm sức dành cho giới trẻ, cho tuổi học trò. Anh tìm hiểu về tâm lý tuổi học trò qua thời gian. Nhà văn cho biết, anh không có thời gian bù khú bạn bè, không có thời gian chết mà chỉ có thời gian có ý nghĩa. 

Bởi anh chú tâm vào trang sách của mình, anh biết cách để bạn đọc chờ đợi mình không vô nghĩa. Bởi vì cảm hứng đọc sách và yêu sách đôi khi sẽ được nhân lên trong lòng các độc giả tuổi teen khi họ được nhìn ngắm thần tượng của mình cũng như được hòa vào dòng chảy của văn hóa, sự kiện và nhân vật đã tạo nên những tác phẩm gắn bó với tuổi thơ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.