Lệ treo cờ ngày Tết thời xưa

Thứ Sáu, 20/01/2023, 09:57

Ngày Tết hôm nay, chúng ta đã quen với hình ảnh những lá quốc kỳ tung bay khắp nơi. Thời xưa vẫn vậy, các ngày lễ, tết, triều đình phong kiến cũng cho treo cờ lên cao.

Vậy, quy định treo cờ thời xưa thế nào? Ngày nay không còn lại các ghi chép thời xưa cho biết cờ của vua từ các thời Lê về trước hình dáng, cách thức thế nào. Ở các di tích cố đô từ thời xưa để lại không còn lại một kỳ đài nào của nhà nước, riêng ở các đền, miếu, mới thấy còn lại một số chân cột cờ bằng đá. Các cột cờ xây còn lại đến ngày nay đều được xây dựng từ thời Nguyễn, như cột cờ ở thành Hà Nội xây năm 1804, kỳ đài ở kinh đô Huế xây năm 1807, cột cờ ở các thành cổ Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định... xây trong thời gian tương tự, với kiến trúc khá tương đồng nhau.

7-1.jpg -0
Ảnh cũ về cột cờ Hà Nội. Ảnh: S.t.

Mô tả của những nhân chứng người phương Tây có mặt ở Đại Việt thời Lê trung hưng cho biết, mỗi khi xa giá vua Lê, chúa Trịnh đi ra ngoài, luôn có cờ xí rợp trời. Nhưng, những ghi chép của họ không ghi rõ về từng loại cờ của vua Lê. Các tài liệu lịch sử nước ta thời trước chỉ ghi lại về các kiểu cờ của quân đội. Như thời Lê Thánh Tông mới lên ngôi, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Bấy giờ trong quân thủy và quân bộ chưa có quy chế hẳn hoi về cờ xí, khí giới, nghi trượng và thuyền bè. Nhà vua bèn bàn luận rồi quy định: Trung đội dùng cờ vàng, thượng đội dùng cờ đỏ, hạ đội dùng cờ trắng...”.

Theo quy chế của các triều đại phong kiến Trung Quốc, cờ quạt của ngũ quân đặt theo ngũ hành, trong đó trung quân thường dùng màu vàng, màu của hành thổ, cũng là tượng trưng cho trung ương, cho quyền lực của nhà vua. Hiện chưa rõ cờ của các triều đại phong kiến nước ta từ thời Lê về trước thế nào nhưng thời Nguyễn, sử sách ghi rõ cờ của triều đình là màu vàng.

Sử triều Nguyễn ghi lại, cờ được treo vào các ngày đại lễ của đất nước, gồm tiết Thánh Thọ (ngày sinh nhật vua, được tổ chức long trọng như ngày “quốc khánh” của đất nước thời phong kiến), tiết Vạn Thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), Tết Nguyên đán, Tết Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Ngoài ra, ngày rằm và mùng 1 hằng tháng, cũng là ngày ở kinh đô nhà vua thiết đại triều, tất cả các trấn thành đều phải treo cờ.

Bộ sử “Đại Nam thực lục” cho biết, vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), triều đình nhà Nguyễn định lại quy thức đài cờ, cột cờ và lệ treo cờ cho các địa phương. Nhà vua dụ rằng: “Trong thành của các thành dinh trấn đạo phủ huyện cùng trong các đài Trấn Hải, Điện Hải, Định Hải đều dựng cùng đài cờ và cột cờ ở phía Nam thành hay đài và chế cờ vàng, phàm gặp những ngày khánh đản, nguyên đán và rằm, mồng 1 thì treo lên để tỏ lễ nghi pháp độ, sai Bộ Công bàn và gửi kiểu mẫu để thi hành”.

Quần thần bàn rằng, thành của các địa phương cấp bậc lớn nhỏ khác nhau thì đài cờ, cột cờ và lá cờ vàng cũng nên quy định kích cỡ khác nhau; xin vua chia làm 4 bậc: Gia Định và Bắc Thành là nơi thống trấn ở biên thùy thì cao to hơn; các dinh trấn đạo thì thứ hai; đài Trấn Hải và đài Điện Hải tuy không ví được như các trấn, nhưng trấn giữ bờ biển nên cũng theo như lệ các trấn; các phủ thì kém hơn các trấn; các huyện lại kém bậc nữa. Còn đài Định Hải là đài nhỏ làm thanh ứng cho đài Điện Hải thì quy chế cũng như các huyện.

Cũng theo ghi chép trong bộ sử này thì thời điểm này, Bắc Thành (thành Hà Nội ngày nay), Trấn Hải, Điện Hải đã có đài cờ cột cờ rồi, chỉ cần chế cờ vàng; Ninh Bình, Định Hải đã có đài cờ chỉ chế cột và cờ vàng thôi. Lá cờ ở Bắc Thành và thành Gia Định được quy định: “Dài 1 trượng 3 thước, ngang 9 thước”; sau đó cứ xuống một cấp hành chính thì lá cờ đều thu nhỏ bớt xuống một cỡ, như ở các dinh trấn đạo, lá cờ dài 1 trượng 1 thước, ngang 7 thước 2 tấc; ở các phủ, lá cờ dài 1 trượng, ngang 7 thước; còn ở các huyện, lá cờ dài 9 thước, ngang 6 thước 5 tấc.

Quy cách dùng cờ cũng được quy định cụ thể như sau: “Mùa xuân, mùa hạ tạnh nắng, mùa thu mùa đông nhiều mưa, cờ nên làm 2 lá, một lá bằng trừu nam, một lá bằng vải, đều màu vàng, tùy thời nên treo cái nào thì treo”.

Theo quy chế ban hành từ tháng 7 năm Gia Long thứ 12 (1813) cho đài Trấn Hải thì cột cờ ở đây hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 7 rút thấp xuống 1 tầng, đến sau ngày Đông chí tháng 11 lại dựng lên như trước. Dây treo cờ có mục nát thì bắt dân làm dây khác. Sang đến thời Vua Minh Mạng, khi tất cả các thành đều dựng cột cờ, triều Nguyễn ban bố quy định cột cờ sẽ tăng giảm độ cao theo mùa. Cụ thể, vào ngày chính tiết Thánh Thọ, ngày chính tiết Vạn Thọ và trước các tiết đó 1 ngày, cùng ngày dựng nêu, 3 ngày Tết Nguyên đán, ngày tết Đoan Dương, ngày rằm, mồng 1, trời tạnh thì treo cờ trừu một lát, rồi thay cờ vải; hằng năm sau ngày Lập thu, cột cờ phải bỏ bớt đoạn trên 6, 7 thước hay 8, 9, 10 thước, đến cuối mùa đông sang mùa xuân lại chắp lên như cũ.

Lá cờ treo trên cột cờ tiếp xúc với nắng gió sẽ bị phai màu, mòn rách, nên phải định lệ để thay. Đầu tiên, các hạng cờ nhỏ bằng vải vàng treo vào các ngày sóc, vọng (rằm, mùng 1, cũng là ngày thiết đại triều), hạn là mỗi năm một lần thay, đến thời Vua Minh Mạng, thấy kỳ hạn này là nhanh quá, vua sai Bộ Công bàn định lại, đổi thành 1 năm 6 tháng. Lá cờ nhỏ bằng vải vàng treo ngày thường, trước hạn thay là 1 tháng, sau đổi thành 3 tháng. Còn trong 4 tiết lớn (tiết Từ Thọ tức sinh nhật hoàng thái hậu, tiết sinh nhật vua, cùng ngày Tết Nguyên đán, tết Đoan dương) và ngày nhà vua đại giá tuần hạnh (ngự giá đi thăm hay chơi các địa phương bên ngoài kinh thành) thì trên kỳ đài treo cờ vàng bằng vải trừu nam. Cờ này ít khi dùng nên trước hạn định 3 năm mới thay một lần, đến thời Vua Minh Mạng đổi làm 5 năm thay một lần.

7-2.jpg -0
Tết trong cung đình xưa. Ảnh: S.t.

Lá cờ thay ra cũng không được dùng vào những việc bậy bạ. Bộ Binh tâu lên Vua Minh Mạng rằng: “Kỳ đài của thành trấn đạo, ngày sóc, vọng và ngày thường treo cờ vải vàng, trong một năm thải ra nhiều, chỉ để vô dụng trong kho. Xin hạ lệnh cho quan địa phương trích ra những cờ có thể dùng được, chế làm thứ áo mở bụng (ngoài đen trong vàng) để cấp cho tù phạm dồn bổ làm binh ở trong hạt, mỗi năm một lần. Trong đó, số binh số vải nhiều ít không đều thì tùy nơi gần tiện chở sang cấp cho đủ”. Nhà vua chuẩn y, từ đó Bộ Binh chiếu lệ ấy mà làm.

Đến ngày mồng 1 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Vua Minh Mạng cho định lại kỳ hạn đổi cờ ở kỳ đài các địa phương, theo đó, cờ treo ngày rằm, mồng 1, hạn thay lên tới 6 năm. Cờ treo ngày thường hạn là 2 năm, trong hạn nếu có phai bạc thì nhuộm lại, rách thì vá lại, khi đủ hạn thì biên vào sổ là đã tiêu hao vì chi dùng. Cũng từ thời điểm này, cờ thải ra không đem may áo nữa vì cho là làm thêm phiền phí.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), triều Nguyễn định lệ treo cờ, bắn súng ở pháo đài Kim Dữ, Hà Tiên. Cờ vải vàng rộng 5 thước 5 tấc, dài 6 thước 5 tấc. Gặp ngày khánh tiết, ngày rằm, mồng 1 thì treo. Lá cờ này cứ 6 năm thay một lần. Nếu có chiến thuyền bằng đồng từ kinh thành đi qua, vào cảng, thuyền treo cờ vàng, bắn đại bác để chào thì trên pháo đài cũng phải treo cờ và bắn 3 phát đại bác chào lại. Ở các pháo đài ven biển khác sau này cũng được phổ biến quy chế treo cờ, bắn súng chào đón tương tự.

Ghi chép thời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị cho biết, mỗi khi nhà vua ngự giá Bắc tuần nhận lễ tuyên phong của nhà Thanh trở về hoặc tiết sinh nhật vua, trên kỳ đài ngoài treo cờ trừu vàng, còn treo cờ khánh hỷ để chúc mừng. Sách “Đại Nam hội điển” chú thích: “Cờ khánh hỷ là cờ ngũ sắc”.

Những năm đầu thời Vua Minh Mạng, triều đình có quy định các ngày chính giỗ các vua, hoàng hậu, trên cột cờ ở kinh thành cũng như các tỉnh đều miễn treo cờ. Nhưng, sau đó, vào cuối thời Vua Minh Mạng sửa đổi quy định này thành: “Từ nay về sau, kỳ đài ở kinh thành, nếu gặp ngày kỵ, theo lệ, không cấm màu đỏ, màu tía. Vậy cứ treo cờ như thường”.

Ngoài ra, các tiết sinh nhật vua, hoàng thái hậu, bên cạnh treo cờ khánh hỷ, còn có nghi lễ đốt đèn trên kỳ đài. Như Vua Minh Mạng tổ chức lễ Vạn Thọ mừng sinh nhật cho mẹ, có ra lệnh “đốt pháo hoa, múa bài bông ở trước Nam Đài và treo cờ khánh hỉ trên kỳ đài đốt 1.000 đĩa đèn lộ đăng; những đèn này đặt ở tầng thứ nhất, tầng thứ hai trên kỳ đài và ở trên tường mặt trước kinh thành”.

Năm 1830, lễ Tứ tuần đại khánh của Vua Minh Mạng được mô tả chi tiết với quang cảnh rực rỡ: “Ngày hôm ấy, các sở lâu bằng treo đèn kết hoa, trưng bày rực rỡ. Trên kỳ đài treo cờ khánh hỷ ngũ sắc, các cửa thành ban đêm đốt cây đèn, trông như sao trên trời, sáng như ban ngày”.

Cuối năm Tự Đức thứ 33 (1880), nhà Nguyễn mới yêu cầu tất cả các phủ, huyện đều làm kỳ đài. Nơi nào đã có thì xây đài, chưa có thành cũng đắp một nền đất. Quy định cụ thể, cán cờ ở phủ thì dài 2 trượng 7 thước, ở huyện thì dài 2 trượng 3 thước; lá cờ đều dùng sại nam nhuộm vàng, trên nền cờ đều đề tên phủ, huyện.

Lê Tiên Long
.
.
.