Chống virus Zika: Chạy đua với thời gian

Thứ Sáu, 16/09/2016, 13:49
Kể từ khi phát hiện Zika tại Brazil vào cuối năm 2015 đến nay, loại virus này đang lan rộng trên toàn cầu.

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika đang bùng phát nhanh chóng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch toàn cầu mang tên "Khuôn khổ ứng phó chiến lược và Kế hoạch hành động chung", nhằm hướng dẫn các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, cũng như thông tin đầy đủ về những dị tật và các biến chứng đối với hệ thần kinh mà trẻ sơ sinh có thể gặp phải.

Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn luôn nỗ lực tìm các loại vaccine cũng như giải pháp giúp ngăn chặn nạn dịch. Và các nhà khoa học dường như đã có bước tiến lớn trong việc khám phá thành công kháng thể chống Zika, bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng, hướng tới sản xuất loại vaccine chống virus Zika hiệu quả trong thời gian sớm nhất.

Những bước tiến mới

Mới đây các nhà khoa học của Đại học Washington (Mỹ) đã phát hiện ra một loại kháng thể có thể giúp sản xuất thành công vaccine chống Zika. Nghiên cứu nhấn mạnh, một số các kháng thể có thể gây ra phản ứng miễn dịch vô hiệu hóa các chủng virus Zika ở châu Phi, châu Á và Mỹ. 

Theo các chuyên gia, vaccine được sản xuất từ một con virus sống thường phòng ngừa bệnh rất hiệu quả, nhưng lại không thể sử dụng được ở phụ nữ mang thai hoặc ở những người mắc các bệnh mãn tính do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu.

Trong khi đó, các kháng thể bảo vệ chuột chống lại virus Zika trong nghiên cứu này khả năng có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân có nguy cơ cao và phụ nữ mang thai. Vì vậy, với những kháng thể mới được phát hiện nói trên, các nhà khoa học có thể sản xuất loại vaccine phù hợp chống lại các chủng Zika trên thế giới và điều trị bệnh do virus Zika gây ra ở hầu hết các nhóm đối tượng.

Bước tiến này sẽ tăng hi vọng về một loại vaccine hiệu quả và an toàn cho con người sẽ được sản xuất thành công. Đặc biệt hơn, các cuộc thử nghiệm đã cho kết quả khả quan khi bảo vệ những chú khỉ khỏi loại virus nguy hiểm này.

Các cuộc thử nghiệm trên 20 chú khỉ có thể khẳng định rằng các loại vaccine thử nghiệm đều bảo vệ chúng hoàn toàn khỏi sự lây nhiễm virus Zika chỉ sau 1 tháng được tiêm. Tuy nhiên, liệu các loại vaccine này có thể bảo vệ chúng trong bao lâu thì phải chờ kết quả thử nghiệm. Và cho dù kết quả thí nghiệm trên loài khỉ là "những bước tiến tích cực" nhưng để xác định tính hiệu quả trên con người thì cần thêm thời gian.

Cùng thời điểm này, cuộc chiến chống virus Zika liên tiếp có những dấu hiệu tích cực. Một loại vaccine phòng chống loại virus này được Đại học Pensylvania (Mỹ) nghiên cứu sẽ được thử nghiệm trong thời gian tới và lần đầu tiên trên cơ thể người trong khuôn khổ cuộc thí nghiệm lâm sàng tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Laval, Québec (Canada).

Dự án này kết hợp với hai trung tâm nghiên cứu của Mỹ tại Miami và Pensylvania. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã "bật đèn xanh" cho dự án vào cuối tháng 6/2016, còn Bộ Y tế Canada thì đưa ra quyết định vào đầu tháng 7. Cho đến nay, các thí nghiệm mới chỉ được tiến hành trên chuột và khỉ.

Các trung tâm nghiên cứu đã gặp gỡ những tình nguyện viên đầu tiên và việc thử nghiệm vaccine trên người dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 10. Về vaccine chống virus Zika, 4 tuần sau liều đầu tiên, bệnh nhân sẽ được tiêm liều thứ hai và 12 tuần sau tiêm liều thứ ba. 

Trong vòng hơn một năm, người bệnh sẽ được theo dõi và được thử máu nhiều lần để xem phản ứng của cơ thể họ. Ngay khi các nhóm nghiên cứu xác định được vaccine này không gây rủi ro, họ sẽ tiến hành tiêm cho những người dân có nguy cơ bị nhiễm virus Zika, và theo dự kiến, có thể là từ nay đến tháng 1/2017.

Theo WHO, hiện có ít nhất 15 công ty và các nhóm chuyên gia đang nghiên cứu phát triển vaccine chống Zika. Tập đoàn dược phẩm Inovio của Mỹ cho biết, khi thử nghiệm trên chuột, vaccine đã thúc đẩy phản ứng tích cực ở kháng thể. Tập đoàn này sẽ tiếp tục thử nghiệm trên linh trưởng trước khi bắt đầu sản xuất sản phẩm ứng dụng trong điều trị.

Theo đó, Inovio có kế hoạch tiến hành giai đoạn 1 của thử nghiệm trên người gồm 3 giai đoạn trước cuối năm 2016, tức là thử sản phẩm thí nghiệm trên những đối tượng tình nguyện khỏe mạnh.

Ngoài Inovio, một số tổ chức cũng đang tham gia cuộc chiến chống loại virus nguy hiểm hiện hoành hành tại Nam Mỹ, bao gồm Bharat Biotech của Ấn Độ, Sanofi của Pháp và Viện Y tế quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, WHO ước tính sẽ cần ít nhất 18 tháng nữa trước khi vaccine Zika có thể được thử nghiệm ở quy mô lớn trên người.

Chiến dịch toàn cầu

Zika thuộc họ virus Flaviviridae, lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika trước đây từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước châu Mỹ.
Virus Zika gây ra hiện tượng trẻ sơ sinh có đầu và não nhỏ bất thường và chứng Guillain - Barre gây tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.

Giới y tế đang tập trung nghiên cứu xác định sự liên quan giữa virus này với hiện tượng trẻ sơ sinh có đầu và não nhỏ bất thường, và chứng Guillain-Barre gây tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.

Một trong những triệu chứng nguy hiểm nhất của virus Zika là khi xuất hiện trong cơ thể người mẹ mang thai sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, và đứa trẻ sinh ra sẽ bị tật đầu nhỏ. Sự rối loạn phát triển làm giảm kích thước hộp sọ của trẻ, kéo theo đó là sự kém thông minh hơn và giảm tuổi thọ của trẻ. Triệu chứng này không thể được chữa trị, và đứa trẻ gần như ảnh hưởng bởi dị tật suốt đời.

Hiện hàng chục quốc gia ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, đa phần là ở các nước thuộc châu Mỹ và vùng Caribe. Đáng quan ngại hơn cả là Brazil, xác nhận có hơn 4.700 trường hợp nghi mắc chứng đầu nhỏ, song chỉ 1/4 trong số đó được thăm khám kỹ lưỡng. Trước khi dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi năm Brazil chỉ có 163 trẻ mắc bệnh này.

Theo con số thống kê của Bộ Y tế Nicaragua, trên toàn lãnh thổ quốc gia Trung Mỹ này hiện có trên 2.000 ca nhiễm Zika, trong đó có gần 1.000 phụ nữ mang thai. Giới chuyên gia dự báo số người nhiễm Zika tại Mỹ Latinh có thể lên tới 4 triệu ca, tập trung vào các nước có kinh tế khó khăn. 

WHO và Trung tâm Kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng acetaminophen để giảm sốt và đau. Theo CDC, nguy cơ thực sự của Zika là mối liên hệ giữa virus với các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, như chứng teo não và đầu nhỏ.

Để tránh mắc bệnh, CDC khuyến cáo hạn chế tới các vùng dịch, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị muỗi đốt. Brazil - tâm dịch và hàng chục quốc gia trên thế giới đang tiến hành phun thuốc muỗi và kêu gọi người dân tránh để ao tù nước đọng, hạn chế nơi muỗi sinh sản.

Giới khoa học đã có nhiều bước tiến lớn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, hướng tới sản xuất vaccine chống virus Zika hiệu quả.

Trong khi đó, tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đang kêu gọi tiến hành xét nghiệm tất cả các mẫu máu hiến tặng để phòng nguy cơ lây nhiễm Zika trong điều trị y tế. Đây là bước đi nâng cấp một hướng dẫn y tế hồi tháng 8 của FDA khuyến khích kiểm tra máu hiến tặng "tại các khu vực có Zika".

Quyết định trên được đưa ra sau khi giới chuyên gia đánh giá các bằng chứng khoa học, tham vấn với các cơ quan y tế cộng đồng cũng như cân nhắc hậu quả đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Trước tình hình này, WHO đưa ra cảnh báo rằng cuộc chiến chống virus Zika đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn và phức tạp. Đây sẽ là cuộc chiến lâu dài bởi muỗi Aedes truyền bệnh là loài rất khó tiêu diệt. 

WHO đã phát động một chiến dịch toàn cầu, tập trung chủ yếu vào việc kêu gọi hợp tác giữa các đối tác, chuyên gia, cũng như huy động nhiều nguồn tài chính nhằm giúp các quốc gia tăng cường kiểm soát virus Zika, ngăn ngừa các biến chứng liên quan, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, đề xuất các biện pháp phòng bệnh phù hợp, cũng như chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và đặc biệt nghiên cứu để sớm điều chế các loại thuốc giúp phòng ngừa hoặc điều trị hiệu quả.

Giới khoa học toàn cầu vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm ra thuốc chủng ngừa; tuy nhiên, vẫn chưa có vaccine đặc hiệu đối với loại virus gây chết người và gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh này. Các loại vaccine đang được phát triển rất có thể nhiều năm nữa mới được cấp phép cho công chúng sử dụng rộng rãi. Do đó, biện pháp tốt nhất là mỗi cá nhân hãy luôn ý thức tự bảo vệ chính bản thân mình...

Phương Thảo
.
.
.