Phòng dịch Zika và sốt xuất huyết: Tránh gây hoang mang

Chủ Nhật, 24/04/2016, 18:15
Sự xuất hiện của dịch bệnh nguy hiểm Zika vào những ngày đầu tháng 4-2016 đã khiến ngành y tế nâng mức cảnh báo trong toàn quốc lên mức 2.


Tuy nhiên, virus Zika và sốt xuất huyết đều có chung nguồn lây truyền là muỗi Aedes, trong khi dịch sốt xuất huyết là bệnh xuất hiện quan năm ở nhiều vùng trên cả nước, nên nguy cơ dịch Zika tiếp tục lan rộng nếu không tích cực ngăn chặn là khó tránh khỏi, nhất là khi mùa hè đã đến.

Từ nhận định này, để bảo vệ sức khỏe người dân trước dịch bệnh nguy hiểm Zika và sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, trong đó, đặc biệt chú ý việc giám sát, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh truyền thông, nhất là chỉ đạo tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh tại tất cả các tỉnh, thành phố.

Ngày 24-4, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sau khi Bộ Y tế thành lập 8 Đoàn kiểm tra công tác để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai tổ chức chiến dịch, đến nay, các đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra hoạt động tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về dịch Zika và sốt xuất huyết là Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…

Sau khi làm việc với lãnh đạo địa phương, ngành y tế, kiểm tra thực địa, để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng chống dịch của các địa phương, các Đoàn đã đánh giá về các hoạt động đã triển khai, tìm phương hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Theo các Đoàn giám sát, đa số các địa phương, tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch Zika và sốt xuất huyết; ngành y tế và các địa phương cũng bám sát, tuân thủ hướng dẫn chuyên môn và nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết.

Tổ chức phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh Zika.

Song, từ thực tế kiểm tra, các Đoàn công tác cho rằng, để tạo chuyển biến về nhận thức, thực hành của người dân trong việc phòng bệnh Zika và sốt xuất huyết, các địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm, mới có thể ngăn chặn được những dịch bệnh này.

Theo đó, các địa phương cần quan tâm tới việc tăng cường tự giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chỗ. Tiếp tục huy động sức mạnh của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; các cộng tác viên và đặc biệt là sự tham gia của người dân trong việc phòng bệnh Zika và sốt xuất huyết, mới hy vọng vào tính hiệu quả.

Việc ký cam kết giữa Sở Y tế và UBND quận, huyện cần được tiến hành ở các nơi, nhằm nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống dịch.

Đặc biệt, cần tham mưu cho chính quyền địa phương tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Điều này là cần thiết khi có nhiều nơi, nhiều người vẫn coi thường các khuyến cáo của ngành y tế, nhất là bất hợp tác khi nhân viên y tế đến tận nhà dân phun thuốc diệt muỗi; hay vẫn để các vật dụng đọng nước quanh nhà.

Từ thực tế về vấn đề truyền thông ở nhiều nơi chưa thật tốt, các Đoàn công tác cũng lưu ý các địa phương phải tăng cường các hoạt động truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết, dấu hiệu của Zika phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, việc truyền thông nguy cơ đối với phụ nữ mang thai là cần thiết, nhưng cũng không để gây hoang mang trong cộng đồng khiến người dân ồ ạt đi xét nghiệm khi không cần thiết như thời gian qua.

Trong công tác phối hợp liên ngành để phòng bệnh Zika và sốt xuất huyết, cần giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên ban, ngành, đoàn thể và coi đây là giải pháp căn cơ để huy động nguồn lực xã hội chung tay cùng ngành y tế phòng dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người ở các xã, phường cũng cần tham gia giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình tuyên truyền, xử lý ổ dịch Zika, sốt xuất huyết (nếu có) ở các hộ gia đình của các đội cơ động và cộng tác viên y tế.

Các Đội cơ động của các bệnh viện và y tế dự phòng phải chú ý thường xuyên diễn tập dựa trên các kịch bản tình huống đề ra và xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ, mới có thể đảm bảo hiệu quả cao nhất khi xảy ra tình huống dịch bệnh, tránh được lúng túng, mất thời gian khi tình huống thật xảy ra.

Thanh Hằng
.
.
.