Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 kiểm kê khí nhà kính
- Phê duyệt dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trị hơn 1 tỷ USD
- Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng
Kết quả của Đề tài là cơ sở khoa học quan trọng đưa ra một loạt định hướng các nghiên cứu về phương pháp tính toán phát thải carbon sử dụng công nghệ viễn thám trong thời gian tới.
Tây Nguyên hấp thụ 50% carbon của cả nước
Đề tài khoa học "Nghiên cứu tính toán hàm lượng phát thải carbon sử dụng tư liệu viễn thám phục vụ việc kiểm kê khí nhà kính. Thực nghiệm ảnh VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có tại Việt Nam" do Tiến sỹ Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, làm Chủ nhiệm Đề tài đã thử nghiệm tính toán phát thải vùng Tây Nguyên bằng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có tại Việt Nam. Kết quả tính toán hấp thụ carbon cho thấy, trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng đều có kết quả hấp thụ CO2 từ lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, trong đó Tây Nguyên chiếm khoảng 50% hấp thụ của toàn quốc.
Tiến sỹ Lê Quốc Hưng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ký kết và là thành viên của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp là một trong năm lĩnh vực phát thải phải được kiểm kê để phục vụ các thông báo quốc gia cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và được kỳ vọng là căn cứ để giảm phát thải cho việc thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Phát thải, hấp thụ khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp chủ yếu xảy ra trong quá trình thay đổi trữ lượng rừng và sinh khối, quá trình sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất. Trong các nguồn gây phát thải, việc phá rừng nhiệt đới và thay đổi sử dụng đất đóng góp tới 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Tây Nguyên có vị trí địa lý đặc biệt với độ cao từ 250m đến 2.500m, là đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn và đây là vùng phân bố của các núi lửa cổ, các khối dung nham khổng lồ thuộc vòm cổ Kon Tum. Vùng cao nguyên này nằm gần giữa đất nước, có bán kính cách đều các nước Đông Nam Á không quá 2.000km. Do vậy, Tây Nguyên trở thành vị trí có tầm chiến lược về nhiều mặt, đặc biệt là quốc phòng đối với cả nước.
Tổng diện tích tự nhiên vùng Tây Nguyên là 5.464.107ha, trong đó khoảng 94,91% diện tích đã được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Tây Nguyên là một trong những khu vực ở Việt Nam còn nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác.
Tài nguyên rừng ở Tây Nguyên có tính đa dạng sinh học rất cao, giàu về trữ lượng, đa dạng về chủng loại. Diện tích rừng Tây Nguyên là 3.015,5 nghìn hécta, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước. Trữ lượng rừng gỗ chiếm tới 45% tổng trữ lượng rừng gỗ của cả nước. Các cây dược liệu quý được tìm thấy ở đây như sâm bổ chỉnh, sa nhân, địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô trắng... Hệ động vật hoang dã tại Tây Nguyên cũng rất phong phú, có ý nghĩa kinh tế và khoa học; có tới 32 loài động vật quý hiếm như voi, bò tót, trâu rừng, hổ, gấu, công, gà lôi...
Đề tài đã hoàn thành dữ liệu số về các điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam nói chung, vùng Tây nguyên nói riêng; thành lập 34 mảnh bản đồ hiện trạng lớp phủ mặt đất tỷ lệ 1:100.000 bằng ảnh từ VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có của vùng sinh thái Tây Nguyên; thành lập 17 mảnh bản đồ biến động lớp phủ mặt đất tỷ lệ 1:100.000 vùng sinh thái Tây Nguyên; thành lập 28 mảnh bản đồ hiện trạng lớp phủ mặt đất tỷ lệ 1:50.000 bằng tư liệu ảnh viễn thám VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông; thành lập 3 mảnh bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1:250.000 bằng tư liệu viễn thám kết hợp các tư liệu khác; thành lập mảnh bản đồ phân vùng khí hậu tỷ lệ 1:500.000 bằng tư liệu viễn thám kết hợp các tư liệu khác; hoàn thành cơ sở dữ liệu tính toán phát thải khí nhà kính; tính toán được số liệu phát thải khí các bon khu vực Tây Nguyên.
Vệ tinh VNRED Sat-1 cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng về môi trường. |
Công cụ mới kiểm soát phát thải khí nhà kính
Quá trình nghiên cứu cho thấy, khả năng nâng cao độ chính xác tính toán phát thải phụ thuộc vào loại ảnh sử dụng, chất lượng ảnh, mối tương quan giữa các ảnh đa thời gian. Việc sử dụng ảnh độ phân giải cao như VNREDSat-1 và cao hơn làm tăng độ chính xác xây dựng các bản đồ biến động lớp phủ mặt đất, từ đó sẽ tăng độ chính xác và độ chi tiết đối với kết quả phát thải carbon ở những khu vực cụ thể.
Các kết quả trên giúp đánh giá, hoàn thiện quy trình tính toán phát thải carbon sử dụng công nghệ viễn thám và phần mềm GIS kết hợp phần mềm tính toán. Sản phẩm của đề tài là công cụ mới cho công tác kiểm soát phát thải khí nhà kính tự nhiên bằng ứng dụng công nghệ số, đây là cải tiến trong công nghệ sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và sức lực của người lao động.
Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ô zôn và Phát triển kinh tế carbon thấp thuộc Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, sản phẩm của Đề tài tạo ra những bước tiến lớn về công nghệ, nâng tầm với các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Đề tài còn mang lại kết quả lớn lao cho xã hội là bảo vệ tài nguyên rừng, tài sản quý hiếm của quốc gia, cảnh báo và phòng chống những hoạt động tự phát của người dân dẫn đến tình trạng làm tổn hại cho đất nước, tổn thất cho đời sống con người.
Ngoài ra, Đề tài sẽ tạo ra kênh thông tin nhanh chóng, chính xác nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiếu tối đa những hậu quả của việc khai thác khoáng sản bừa bãi, giám sát hiện trạng phá rừng để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường sống.
Đánh giá về kết quả của Đề tài, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh khẳng định, Đề tài đã góp phần nâng cao năng lực một số cán bộ kỹ thuật của Cục với việc tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức đồng thời nắm bắt nhiều xu thế, định hướng mới trong kỹ thuật xử lý ảnh viễn thám phục vụ hướng đi này.
Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu các công nghệ viễn thám mới trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng về đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ viễn thám trong khu vực, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội hợp tác để nâng cao trình độ đội ngũ kỹ thuật viên viễn thám. Cục Viễn thám quốc gia đã, đang và sẽ hoàn thành vai trò là cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ chuyên gia xử lý ảnh tại các Trung tâm sự nghiệp, là đầu mối trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ kinh nghiệm kỹ thuật viễn thám trên phạm vi cả nước; thực hiện các nhiệm vụ, dự án hợp tác quốc tế.