Ca mổ hy hữu và cảnh báo chửa ngoài dạ con

Thứ Năm, 24/03/2016, 15:25
Tỉ lệ chửa ngoài tử cung - một bất thường sản khoa được biết từ năm 963 - là 1/100 trường hợp thai nghén và chỉ có 75% được chẩn đoán trước tuổi thai 12 tuần; 40% trường hợp chửa ngoài tử cung thấy ở phụ nữ tuổi từ 20 đến 29...


Ca mổ tại gia

Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình nhận cuộc gọi cấp cứu từ Trạm Y tế xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương, báo rằng bệnh nhân Lương Thị Vân, 28 tuổi, trong tình trạng đau bụng, mệt lả. Một xe cấp cứu ngay lập tức được điều đi lúc 20h ngày 13-3.

Bệnh nhân Lương Thị Vân được phẫu thuật tại nhà

Khi đến nhà bệnh nhân, bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa của Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình thấy chị Vân đã tụt huyết áp; mạch rất nhanh, nhỏ; da, niêm mạc nhợt nhạt; đau chướng bụng; tuy vẫn tỉnh nhưng mệt lả. Được biết chị Vân chậm kinh đã 15 ngày, siêu âm không có thai trong tử cung. Làm test que thử thai thấy hai vạch, bác sĩ Nghĩa nghĩ đến bệnh nhân chửa ngoài tử cung đã vỡ là nguyên nhân mất máu nhiều...

Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, nếu chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khi huyết áp tụt mạnh thì nguy cơ trụy mạch tử vong là khó tránh. Một thoáng suy nghĩ, anh quyết định mổ cấp cứu ngay tại nhà chị Vân và gọi về Trung tâm 115 đề nghị chi viện. Trong khi chờ kíp hỗ trợ, anh đặt kim luồn tĩnh mạch vừa để truyền dịch và thuốc nâng huyết áp vừa để đề phòng khi bệnh tình chuyển nặng hơn (do máu vẫn tiếp tục chảy khi chỗ vỡ chưa được xử lý) sẽ không lấy được ven (đưa kim tiêm vào tĩnh mạch); một mặt chuẩn bị phẫu thuật tại chỗ...

Nhận được yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Khoa Huyết học - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình nhanh chóng thành lập kíp mổ, lập tức lên đường mang theo thiết bị, dụng cụ phẫu thuật, thuốc và 500ml máu nhóm O. Một phòng mổ “dã chiến” được gấp rút hoàn thành, lấy băng ca cấp cứu làm bàn mổ; huy động cọc treo dịch truyền, đèn soi, máy sưởi từ Trạm y tế xã; thau chậu của gia đình người bệnh... Các bác sĩ phải lấy máu đọng bằng bông gạc vì không có máy hút; thay phiên nhau bóp bóng cao su bằng tay để hỗ trợ thở cho bệnh nhân vì không có máy trợ hô hấp...

Bác sĩ huyết học xác định máu của bệnh là nhóm A và yêu cầu trung tâm tỉnh cấp 1.000ml máu nhóm A. Đúng lúc này, một xe chuyển bệnh nhân đi bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vừa về tới TP Thái Bình được điều vào thẳng bệnh viện tỉnh lấy máu rồi đi luôn “bệnh viện dã chiến”, kịp thời tiếp sức cho kíp mổ khi mà tính mạng bệnh nhân đang nguy kịch do mất máu quá nhiều.

Sau hơn ba giờ căng thẳng, cùng với ba chuyến xe cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, truyền 1.500ml máu và 5 chai dịch truyền, các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân. Khi huyết áp hồi phục, ổn định, chị Vân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình. Bác sĩ Phí Ngọc Chung, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, người mổ chính của ca phẫu thuật cho biết, bệnh nhân hồi phục tốt, da đã hồng trở lại, đã uống được sữa...

Sự phối hợp đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời của toàn nhóm đã cứu sống người bệnh trong gang tấc. Sự đồng thuận của kíp mổ với quyết định của bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa - một quyết định đúng và dũng cảm - là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, nếu ca mổ không thành công thì búa rìu dư luận chắc không ngần ngại trút lên họ với nhiều lý do. Nào là làm liều khi mổ trong điều kiện thiếu thốn các phương tiện chuyên môn, cấp cứu cần thiết; nào là mổ trong điều kiện không vô trùng, thiếu thuốc men... mà chắc không hề đả động đến nếu không mổ người bệnh chắc chắn tử vong do chảy máu trong, bởi sốc mất máu - lưỡi hái tử thần - sẽ hiện hình khi mất 1/3 lượng máu cơ thể, khi chỗ bị vỡ không được khâu cầm máu!?

Được biết, năm 2013 ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, một thai phụ 28 tuổi, chửa ngoài tử cung vỡ, nguy kịch do mất nhiều máu, không thể đưa đến viện, đã được các bác sĩ cứu sống bằng mổ tại nhà.

Vì sao chửa ngoài dạ con vỡ lại nguy hiểm?

Khi trứng đủ điều kiện thụ thai gặp tế bào tinh trùng, trứng sẽ làm tổ ở trong lòng tử cung và chỉ có tử cung bình thường mới có thể nuôi dưỡng thai nhi phát triển đến khi đủ điều kiện chào đời. Tuy nhiên lại có rất nhiều trường hợp trứng làm tổ ở ngoài tử cung như vòi trứng (khoảng 90%), ống dẫn trứng, tại buồng trứng hay trong ổ bụng... Oái oăm hơn còn có chửa song thai lạc chỗ là một thai chửa trong tử cung và thai chửa ngoài tử cung hay chửa ngoài tử cung sau khi đã cắt tử cung, do có lỗ dò từ mỏm cắt tử cung vào ổ bụng...

Những vị trí giải phẫu này không có chức năng mang thai và đều nhỏ bé, mỏng mảnh; không như tử cung vừa lớn, vừa có ba lớp cơ trơn rất dày lại giãn rộng theo tuổi thai; vì thế chỉ sau thụ thai một thời gian ngắn những vị trí giải phẫu đó sẽ bị vỡ...

Tỉ lệ chửa ngoài tử cung - một bất thường sản khoa được biết từ năm 963 - là 1/100 trường hợp thai nghén và chỉ có 75% được chẩn đoán trước tuổi thai 12 tuần; 40% trường hợp chửa ngoài tử cung thấy ở phụ nữ tuổi từ 20 đến 29... Trong những ngày đầu mang thai, nhận biết thai ngoài tử cung không dễ vì thường không có biểu hiện gì hoặc chỉ có cảm giác khó chịu giống như sắp tới kỳ kinh nguyệt.

Khi thai lớn dần, đau bụng thường xuyên hơn do vòi trứng hay vị trí mang thai bất thường bị căng giãn; thường đau âm ỉ có lúc nhói lên hoặc đau từng cơn một bên vùng bụng dưới rốn (một bên hố chậu), tuy nhiên mức độ đau sẽ tăng dần.

Ra huyết âm đạo thường xuất hiện muộn hơn so với 2 triệu chứng trên, do khi thai lớn hơn làm rạn nứt vòi trứng và thường là ra không nhiều nhưng kéo dài, máu sẫm màu, một số bệnh nhân nói giống màu nước ép quả mận. Đau bụng dữ dội là triệu chứng vòi trứng bị vỡ và thường gây chảy máu trong (chảy máu vào trong ổ bụng) nghiêm trọng, do nơi thai phát triển hệ thống mạch tăng sinh rất mạnh. Bụng chướng và có cảm ứng màng bụng (đặt nhẹ tay lên bụng đau hoặc đau tăng lên. Đau hai vai do chảy máu trong kích thích cơ hoành và đau tăng lên khi nằm. Sản phụ mệt lả, choáng váng, vã mồ hôi, chóng mặt; có thể ngất hoặc ngã quỵ, xanh xao.

Mất nhiều máu sẽ sốc (choáng) và nhanh chóng hôn mê. Xuất huyết nghiêm trọng sẽ dẫn đến tử vong do không tự cầm máu được, vì thế đây là một cấp cứu sản khoa, nghĩa là phải phẫu thuật để loại bỏ thai nhi và khâu vị trí giải phẫu bị vỡ, cũng là cách cầm máu duy nhất.

Hiếm là những trường hợp vỡ nhỏ, máu chảy ít và dần tụ lại ở túi cùng sau (nơi thấp nhất trong ổ bụng cạnh trực tràng), các mạc nối trong ổ bụng bao bọc (một phản ứng của cơ thể sống) khối máu và vòi trứng, hình thành một nang. Khối nang này kích thích làm bệnh nhân có cảm giác mót rặn và mót tiểu, đại tiện đau...

Những ai có nguy cơ mang thai ngoài tử cung?

Số 1% nói trên bao gồm ngững người bị tắc vòi trứng, ống dẫn trứng mà thường là hậu quả của bệnh viêm phần phụ, viêm dính vòi trứng, viêm tiểu khung; có bất thường bẩm sinh vòi trứng (quá dài hoặc gấp khúc, co bóp hoặc nhu động bất thường); sau phẫu thuật tạo hình vòi trứng, viêm ổ bụng gây dính bên ngoài vòi trứng; khối u vòi trứng hoặc vòi trứng bị chèn ép. Một số trường hợp do vòi trứng một bên bị tắc, noãn (trứng đã thụ thai) di chuyển sang buồng trứng bên kia và làm tổ trên bề mặt buồng trứng.

Các trường hợp lạc chỗ nội mạc tử cung (tế bào nội mạc tử cung lại có ở vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung hoặc âm đạo... là những người có nguy cơ. Khi trứng làm tổ ở loa vòi trứng, xảy thai từ loa vòi trứng rơi vào ổ bụng, gai rau bám vào các cơ quan để phát triển là chửa trong ổ bụng. Chửa ở sừng tử cung (nơi hai ống dẫn trứng thông với tử cung) thường do dị dạng bộ phận sinh dục...

Trường hợp thai lạc chỗ, chửa ngoài tử cung ở vị trí giữa vòi trứng và tử cung là nguy hiểm nhất, vì khó chẩn đoán sớm, khi vỡ gây mất máu nhiều và nhanh, ảnh hưởng xấu nhất đến khả năng mang thai những lần sau. Ngoài ra, những người đã điều trị, phẫu thuật phần phụ, bao gồm cả thắt và mở ống dẫn trứng; phẫu thuật vùng xương chậu (tiểu khung); đã có thai ngoài tử cung trước đây, có bệnh lây qua đường tình dục; sử dụng ma túy; thụ tinh trong ống nghiệm; mang thai khi trên 35 tuổi là những người có nguy cơ cao. Đặt vòng tránh thai nếu nó vô tình mất tác dụng cũng dẫn đến chửa ngoài tử cung...

25% các trường hợp chửa ngoài tử cung không được chẩn đoán sớm và với tính chất nguy hiểm của bất thường này cộng với khó khăn cho những lần sinh sau nên phải đề cao cảnh giác. Khi đã bị chậm kinh 7 - 10 ngày phải kiểm tra ngay để tránh được hậu quả đáng tiếc.

BS. Trần Kiên
.
.
.