Dùng thuốc hết hạn rước bệnh vào người

Thứ Năm, 07/01/2016, 16:30
Lâu nay, mỗi khi đau ốm, thay vì vào bệnh viện hoặc đến phòng mạch tư của bác sĩ, nhiều người thường ra nhà thuốc Tây "khai bệnh" rồi được nhà thuốc bán thuốc mà lắm khi, người chẩn bệnh, bán thuốc chỉ là dược tá sơ cấp, thậm chí có người chỉ học qua lớp nhân viên nhà thuốc trong 6 tháng.


Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là rất nhiều người khi mua thuốc rồi nếu uống còn thừa, họ cất để dành cho những lần sau mà không hề quan tâm đến thời hạn sử dụng thuốc. Điều đó dẫn đến hiện tượng vừa không chữa lành bệnh, vừa khiến vi khuẩn kháng thuốc nếu là bệnh nhiễm trùng…

Thuốc… “để dành”!

Theo lời kể của bác sĩ Huy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì chiều hôm ấy, có bà mẹ dẫn đứa con trai 6 tuổi đến phòng mạch tư của anh để xin thăm khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ Huy kết luận cháu bé bị viêm đường hô hấp trên. Hỏi thăm về tiền sử điều trị, mẹ cháu bé cho biết trước kia con mình từng bị như vậy, và bà đã đưa cháu  đến phòng mạch của một bác sĩ gần nhà: "Bác sĩ kê toa cho con tôi uống những loại thuốc này - vừa nói, bà vừa đưa ra một bịch nylon - rồi dặn uống 5 ngày nhưng mới 3 ngày thì cháu khỏe nên tôi ngừng lại vì sợ uống nhiều kháng sinh sẽ làm hư người cháu (?!)".

Cơ quan chức năng kiểm tra 38kg thuốc quá hạn dùng tại nhà thuốc Trí Hiếu.

Vẫn theo lời bà mẹ, số thuốc còn thừa bà cất để dành. Đến khi con bà xuất hiện những triệu chứng nóng sốt, sổ mũi, ho… thì bà bèn lấy bịch thuốc "để dành" ra cho con uống. Uống hết 2 ngày mà thằng bé có vẻ nặng hơn nên bà mới đưa con đi khám. Bác sĩ Huy nói: "Kiểm tra các loại thuốc đã uống, ngoài những vỏ thuốc hạ sốt, giảm ho, kháng viêm, tôi còn thấy có mấy vỏ gói kháng sinh Clamoxyl dạng bột, hạn sử dụng là tháng 10-2014. Tôi hỏi bà trước khi cho con uống, bà có xem lại hạn sử dụng không thì bà ngơ ngác lắc đầu?".

Trong các bệnh nhiễm trùng, khi bác sĩ đã chỉ định về liều lượng thuốc và thời gian uống thì bệnh nhân và gia đình cần phải tuân thủ bởi lẽ với thời gian và liều lượng đó, các tác nhân gây bệnh mới bị tiêu diệt. Việc uống vào thấy hết rồi tự ý ngừng nửa chừng sẽ làm xuất hiện những chủng vi khuẩn mới có khả năng kháng thuốc khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn, tốn kém hơn. Chưa kể thuốc để dành còn có thể quá hạn sử dụng, gây nhiều phản ứng phụ nguy hiểm.

Cũng với tình huống tương tự, bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Quận 3 kể: "Hồi tháng 9, có một cô đến phòng mạch tôi hỏi thăm vì sao cô uống thuốc ngừa thai đều đặn mà vẫn có bầu? Tôi hỏi cô uống loại thuốc gì và uống như thế nào thì cô đưa ra một hộp Estraprog. Theo lời cô, nhân có đợt khuyến mãi lớn, cô đã mua 5 hộp về để dành uống dần, và đã dùng hết… 3 hộp!".

Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc vi phạm các quy định lưu hành.

Xem xét hộp thuốc, bác sĩ Hồng thấy nó gồm 12 vỉ, mỗi vỉ sử dụng trong 1 tháng. Như vậy, với 5 hộp, cô sẽ xài nó suốt… 5 năm! Tuy nhiên, cả 2 hộp thuốc ngừa thai còn lại đều hết hạn sử dụng vào tháng 9-2014. Hỏi cô biết chuyện này không, cô bảo cứ tưởng thuốc ngừa thai thì để dành bao lâu cũng được! bác sĩ Hồng nói: "Điều đáng trách ở đây là những người bán thuốc. Khi thấy khách hàng mua với số lượng lớn thì lẽ ra người bán phải hỏi mua để làm gì? Để uống hay mua về bán lại? Và cho dù mua uống hay bán, người bán cũng phải tư vấn cho khách hàng rằng thuốc chỉ có giá trị sử dụng trong một thời gian nào đó thôi…".

Còn hạn sử dụng nhưng vẫn là quá hạn?

Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhất là những loại thuốc chỉ được bán khi có toa bác sĩ. Trên bao bì của tất cả những loại thuốc đang lưu hành ở  thị trường nước ta hiện nay, đều có dòng chữ "ngày hết hạn" hoặc "hạn sử dụng" bằng tiếng Việt, hoặc "expired", hoặc "exp.date" bằng tiếng Anh. Đây là một quy định bắt buộc, được áp dụng trên toàn thế giới đối với bất kỳ một loại thuốc chữa bệnh nào.

Năm 1963, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các hãng dược phải ghi rõ hạn dùng của những loại thuốc chỉ được phép bán theo toa bác sĩ để bảo đảm hoạt tính của sản phẩm, và tiêu chuẩn ấy nhanh chóng được phổ biến trên toàn thế giới. Theo định nghĩa của FDA thì: "Ngày hết hạn in trên sản phẩm là ngày mà thuốc không còn giữ nguyên các tác dụng chữa bệnh như ban đầu. Ngày này do hãng sản xuất tự đưa ra, căn cứ vào các thử nghiệm lâm sàng. Sau ngày đó thì thuốc không còn được phép dùng cho người bệnh nữa…".

Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Á, vẫn tồn tại tình trạng "thuốc còn hạn sử dụng nhưng lại là thuốc quá hạn". Sở dĩ có điều này là do một số hãng dược nhập nguyên liệu về để sản xuất nhưng sản phẩm làm ra lại không tiêu thụ được nhiều như mong muốn. Vì vậy, họ phải tạm ngừng. Một thời gian sau nguyên liệu quá hạn. Bỏ thì tiếc, họ sản xuất trở lại, in ngày hết hạn sử dụng trên bao bì thêm vài năm nữa rồi bán sang các nước khác với giá rẻ, và cũng không loại trừ khả năng họ móc ngoặc với phía bên mua để đưa thuốc qua.

Chả thế mà Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế nước ta đã từng nhiều lần ban hành văn bản thu hồi những loại thuốc này, thuốc kia do kém phẩm chất, hoặc hàm lượng không đúng so với công thức mà cụ thể là vừa qua, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc Raul 200 (Cefpodoxime Proxetil Tablets USP 200mg), do Công ty M/s.MedEx Laboratories, Ấn Độ sản xuất, được nhập khẩu bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco với lý do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu nước, đơn vị phân liều và định lượng.

Cần mạnh tay hơn nữa

Trước khi tung ra thị trường một loại thuốc nào đó, các hãng sản xuất đều tiến hành nghiên cứu rất tỉ mỉ về hiệu quả điều trị, độc tính, tác dụng phụ, tương tác thuốc và thời gian hiệu lực. Lấy thí dụ một loại thuốc mà hạn sử dụng ghi là tháng 12-2015 thì không có nghĩa là nó vẫn còn xài được cho đến ngày 31-12-2015, mà ngay từ đầu  tháng 12, tính chất thuốc đã bị thay đổi - nhất là những loại thuốc tim mạch, tiểu đường, thuốc ức chế suy giảm miễn dịch và một số kháng sinh…, hiệu lực thuốc giảm đi ít nhất là 5% tùy từng loại, thậm chí có loại giảm đến 30%.

Một vụ bắt thuốc quá hạn ở TP Hồ Chí Minh.

Nếu điều kiện bảo quản kém, thí dụ như để thuốc ở nơi có nhiệt độ trên 30oC, hoặc bị nắng chiếu vào thường xuyên, thuốc bị biến màu, vỡ vụn, chảy nước thì hiệu lực thuốc còn giảm nhiều hơn nữa, chưa kể hoạt chất của thuốc quá hạn sẽ tự biến đổi sang một dạng chất khác, không giống như hoạt chất ban đầu và chất mới này có thể có độc tính.

Về mặt lý thuyết, độc tính ấy còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh mà người sử dụng thuốc đang mắc phải. Bác sĩ Uy, trước công tác tại Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Chợ Rẫy kể là có lần anh phải "mở" khí quản ngay tại nhà chỉ bằng một lưỡi dao cạo râu đã được đốt nóng để cứu sống một bệnh nhân bị suyễn mà nguyên nhân là khi lên cơn suyễn, người bệnh xịt vào cổ họng loại thuốc phun Ventolin đã hết hạn gần… 1 năm!

Thế nhưng, mặc dù khá nhiều người bệnh không ý thức được thời hạn sử dụng của những loại thuốc mà họ đang uống, đang tiêm để điều trị đã đành, mà có nhà thuốc, công ty sản xuất thuốc, thậm chí cả bệnh viện còn cố tình bán thuốc quá hạn, hoặc sửa chữa hạn để kéo dài thời gian nhằm thanh toán cho bằng hết lượng thuốc tồn kho.

Năm 2013, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ hơn 2.000 thùng thuốc Tây quá hạn sử dụng thuộc Công ty Dược phẩm Đông Phương với các nhãn hiệu Sioplex, Dardum, Onfran, Duonassa. Thời điểm ấy, Chi cục Quản lý thị trường đề nghị xử phạt công ty Đông Phương 20 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề đối với hành vi kinh doanh thuốc quá hạn.

Lô thuốc kháng sinh Cefottaxime của Trung tâm phân phối dược phẩm Hapulico hết hạn sử dụng vẫn được bày bán.

Gần đây nhất, ngày 28-9-2015, Tổ kiểm tra Liên ngành do Đội Quản lý thị trường  số 3 phối hợp với Công an, Phòng Y tế và Chi cục Thuế TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, đã tiến hành kiểm tra Nhà thuốc Trí Hiếu, do bà Lê Thị Ngọc Mai làm chủ. Kết quả cho thấy có 38kg thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng được để chung với thuốc còn hạn sử dụng tại nhà thuốc. Do lượng thuốc hết hạn quá lớn và nhiều chủng loại nên cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác định giá hàng hóa vi phạm, đồng thời làm rõ xem có bao nhiêu loại thuốc hết hạn đã được bán cho bệnh nhân.

Để ngăn chặn việc lưu hành, tiêu thụ thuốc quá hạn dùng, cần có sự phối hợp giữa người bệnh, cửa hàng thuốc, hãng sản xuất hoặc nhập khẩu thuốc và các cơ quan chức năng. Về phía người bệnh, nên xem hoặc hỏi kỹ hạn dùng trước khi mua thuốc. Ngành Y tế tăng cường kiểm tra các nhà thuốc, các phòng khám tư, Khoa Dược của các bệnh viện. Riêng cơ quan quản lý thị trường, nghiêm khắc thực hiện các biện pháp chế tài theo luật - dù chỉ là 1 vỉ thuốc "quá date". Còn với các hãng sản xuất, nhập khẩu thuốc, chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân…

Vũ Cao (tổng hợp)
.
.
.