Làm rõ trách nhiệm, tránh tái diễn việc phát thuốc quá hạn

Thứ Sáu, 18/06/2010, 17:15

Sau khi phản ánh sự việc dùng thuốc quá hạn, Báo CAND tiếp tục nhận được nhiều phản ứng bất bình, sẻ chia từ các bác sỹ và những người từng tham gia các chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện do các đoàn y bác sỹ tình nguyện tại TP HCM tổ chức. 
>>BV Nhiệt đới làm rõ trách nhiệm vụ "phát thuốc quá hạn"
 

Dầu có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau nhưng mọi người đều có điểm nhìn nhận chung là cái tâm của người bác sỹ với bệnh nhân nghèo xã hội luôn trân trọng. Nhưng việc xem người nghèo ở những vùng sâu, vùng xa là nguồn tiêu thụ thuốc quá date thì khó mà dung thứ.

Sáng 16/6, trò chuyện với PV Báo CAND, bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Nhiệt đới thẳng thắn nhận trách nhiệm liên quan đến sự việc "thuốc quá date" như tổ chức chuyến đi không thông báo với BGĐ Bệnh viện Nhiệt đới, không giám sát kỹ hoạt động của mảng dược trong chuyến đi.

Bác sỹ Quốc Dũng thở dài: "Tôi rất day dứt, trăn trở. Nói ra không phải để biện minh cho chuyện đã rồi nhưng sự thật tôi lâm nạn cũng vì quá tin đồng nghiệp. Chị Út Nga làm tại bệnh viện đã lâu, tôi gắn bó với công việc khám chữa bệnh từ thiện với chị ấy hơn 2 năm qua. Trong con mắt của không chỉ tôi mà với các anh chị em trong bệnh viện, đó là một điều dưỡng giàu lòng nhân ái. Mọi chuyện đều tốt đẹp, không có điều tiếng gì đến khi sự vụ được Báo CAND phát hiện".

Chúng tôi đưa ra bức xúc mà nhiều bạn đọc gửi đến Báo CAND yêu cầu làm rõ rằng "Bác sỹ Trưởng đoàn Nguyễn Quốc Dũng có được lợi gì trong chuyến đi tai tiếng vừa rồi?", bác sỹ Dũng phân trần: "Đoàn đi mà có điều dưỡng làm Trưởng đoàn thì rất kỳ, nên tôi nhận trọng trách ấy để tiện trong việc giao tiếp, làm việc.

Gọi là Trưởng đoàn nhưng thực chất tôi không hề phụ trách chuyện tiền nong, thuốc men gì cả. Khâu ấy là do chị Út Nga đảm đương. Tôi chỉ lo việc các bác sỹ đến điểm tập kết đầy đủ hay không. Khi đến nơi thì tôi tập trung cùng các bác sỹ lo công tác chuyên môn khám chữa bệnh cho đồng bào, đâu nghĩ có chuyện thuốc quá date như vậy".

Bệnh nhân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa luôn cần đến vòng tay nhân ái của các y, bác sỹ, nhưng đừng vì thế mà chúng ta dễ dãi với tấm lòng của chính mình bằng sự vô ý (trong ảnh là sinh viên Đại học Y dược nhổ răng cho trẻ em ở làng chài Hồ Đắng, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Trong thư gửi Báo CAND, chị Võ Thị Kiều (Công ty Luật hợp danh Ecolaw -  Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: "Tôi và nhiều anh chị em không ít lần chứng kiến cảnh các bác sỹ giàu lòng nhân ái trong quá trình khám chữa bệnh cho đồng bào, gặp bệnh nhân có tình cảnh ngặt nghèo đã không ngần ngại đưa họ về thành phố, cho lưu trú tại nhà riêng của mình, trực tiếp điều trị đến khi lành hẳn mới thôi. Tôi nghĩ bác sỹ Quốc Dũng không phải là trường hợp ngoại lệ".

Chị Thu Hiền (phóng viên Báo Lao động&Xã hội - Bộ LĐ-TB&XH), người rất tích cực tham gia cùng các đoàn y, bác sĩ tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân nghèo, sẻ chia: "Vào cuối tuần, trong khi nhiều đồng nghiệp tranh thủ từng giờ bám trụ tại phòng mạch tư để làm giàu thì việc các bác sĩ, trong đó có bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng (Trưởng đoàn y, bác sĩ tình nguyện TP HCM trong chuyến khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo tại tỉnh Bình Phước vào ngày 12/6) là nghĩa cử rất đáng hoan nghênh.

Nói như thế không có nghĩa bao biện rằng bác sỹ Dũng vô can trong sự việc này. Bởi với tư cách Trưởng đoàn, bác sỹ Dũng phải giám sát kỹ các hoạt động của các thành viên trong đoàn, nhất là khâu dược. Mong rằng qua sự việc này bác sỹ Quốc Dũng sẽ rút kinh nghiệm và cũng mong Báo CAND tiếp tục làm rõ hành vi của điều dưỡng Đào Thị Út Nga với lượng thuốc quá hạn bị phát hiện".

Xuất thân trong một gia đình nghèo có nền tảng đạo đức và tri thức, có người chị gái cũng hoạt động trong ngành Y, cả hai chị em cùng là đảng viên, bác sỹ Dũng tâm sự đến với đồng bào nghèo bằng cái tâm của người thầy thuốc. "Có những khi không có tôi, chị Nga và những người đồng chí hướng vẫn tổ chức chuyến đi. Tôi nghĩ mình với tư cách bác sỹ, tham gia sẽ hỗ trợ, giúp ích nhiều hơn cho chị em và đồng bào… Xảy ra sự việc này, tôi lâm cảnh tình ngay lý gian cũng vì đặt quá nhiều niềm tin vào đồng nghiệp" - bác sỹ Dũng chua chát nói.

Trong ngày, PGS.TS.BS. Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết đã họp BGĐ Bệnh viện, yêu cầu bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng và điều dưỡng Đào Thị Út Nga viết giải trình, đồng thời báo sự việc lên Phòng Nghiệp vụ y, Thanh tra Sở Y tế để có hướng giải quyết. Chiều 16/6, theo đề nghị của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, PV Báo CAND đã bàn giao số vỉ thuốc quá date mà PV thu thập được trong quá trình điều tra để cơ quan này thu thập thêm chứng cứ.

Bước đầu thanh tra sở xác định có 4 loại thuốc không có hạn dùng, 1 có hạn dùng đến tháng 11/2009, 1 sắp hết hạn sử dụng (đến tháng 8/2010). Ngoại trừ vỉ thuốc có hạn dùng đến tháng 11/2009 là thuốc bổ máu (dehatracot), số còn lại là thuốc dùng trong điều trị tim mạch Bác sỹ Chu Văn Tần (Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM): Vì quyền lợi của bệnh nhân nghèo, phản ánh của Báo CAND rất hữu ích. Tôi sẽ đưa vụ việc trong cuộc họp lãnh đạo Sở và chắc chắn Sở sẽ lấy vụ việc này làm tâm điểm để chấn chỉnh, lưu ý các đoàn khác.

Đây là sự việc con sâu làm rầu nồi canh bởi Đoàn Thanh niên của Sở cùng nhiều đoàn khác rất nhiều lần tổ chức đi khám bệnh cho bà con nghèo và trong các chuyến đi chúng tôi đều chú trọng đến chất lượng nguồn thuốc. Trong chuyện này tôi không sớm kết luận người phụ trách khâu dược cố ý hay vô tình nhưng đó là bài học rất cần thiết cho các đoàn y, bác sĩ khác trong quá trình khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo

Bác sỹ Chu Văn Tần (Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM):

 

Vì quyền lợi của bệnh nhân nghèo, phản ánh của Báo CAND rất hữu ích. Tôi sẽ đưa vụ việc trong cuộc họp lãnh đạo Sở và chắc chắn Sở sẽ lấy vụ việc này làm tâm điểm để chấn chỉnh, lưu ý các đoàn khác.

 

Đây là sự việc con sâu làm rầu nồi canh bởi Đoàn Thanh niên của Sở cùng nhiều đoàn khác rất nhiều lần tổ chức đi khám bệnh cho bà con nghèo và trong các chuyến đi chúng tôi đều chú trọng đến chất lượng nguồn thuốc. Trong chuyện này tôi không sớm kết luận người phụ trách khâu dược cố ý hay vô tình nhưng đó là bài học rất cần thiết cho các đoàn y, bác sĩ khác trong quá trình khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo.

 

Bệnh nhân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa luôn cần đến vòng tay nhân ái của các y, bác sỹ, nhưng đừng vì thế mà chúng ta dễ dãi với tấm lòng của chính mình bằng sự vô ý (trong ảnh là sinh viên Đại học Y dược nhổ răng cho trẻ em ở làng chài Hồ Đắng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.