Quy trình tuyển chọn phi hành gia của NASA

Thứ Tư, 01/07/2020, 13:03
Du hành vũ trụ vẫn còn là một điều xa vời với người bình thường nếu nhìn vào quá trình trở thành một phi hành gia thực thụ cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

Ngày 31/5/2020, lần đầu tiên trên thế giới, một con tàu vũ trụ do tư nhân (hãng Space-X) sản xuất được phóng thành công, đưa hai phi hành gia NASA Douglas Hurley và Robert Behnken lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Nhiều người hy vọng sự kiện này sẽ thúc đẩy ngành du lịch vũ trụ ở Mỹ phát triển. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Trong khi mục tiêu dài hạn của nhiều công ty hàng không vũ trụ tư nhân là sản phẩm du lịch vũ trụ của họ có thể cho phép hầu hết mọi người bay lên không gian, đến thời điểm này du hành vũ trụ vẫn chỉ dành cho một vài người đặc biệt đạt tiêu chuẩn và được chọn.

Các tiêu chuẩn cơ bản

Nếu muốn trở thành một thành viên trong thế hệ phi hành gia tiếp theo của NASA, bất cứ ai cũng sẽ cần rất nhiều nỗ lực và cả sự may mắn. Theo các yêu cầu của NASA, ứng cử viên cho vị trí phi hành gia cần được đào tạo thật sự bài bản.

Các ứng cử viên phi hành gia trong quá trình huấn luyện.

Các phi hành gia đầu tiên của Mỹ được tuyển chọn từ quân đội. Tất cả họ đều có nền tảng chuyên môn kỹ thuật và từng có kinh nghiệm lái máy bay phản lực. Tuy vậy, ngay cả ở thời ấy, nếu ứng cử viên có đạt tất cả các yêu cầu cực cao của NASA thì vẫn có thể phải chứng kiến ước mơ tan tành trước mắt bởi những tình huống ngoài tầm kiểm soát.

Lúc đó, tàu vũ trụ Mercury của NASA được thiết kế khá nhỏ gọn, nên tất cả những phi hành gia cao hơn 180cm đã bị loại vì cơ thể họ không vừa với bên trong khoang tàu. Các tiêu chuẩn sau đó cũng đã có sự thay đổi. Đầu tiên là giới hạn chiều cao được nâng lên tới 190cm và tối thiểu là 157cm.

Ngày nay nếu muốn trở thành phi hành gia NASA thì các ứng viên còn cần thêm một bằng thạc sĩ với chuyên ngành liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), được cấp bởi một tổ chức giáo dục uy tín được NASA công nhận. Thực tế thì trong NASA không có nhiều phi hành gia có bằng cấp về công nghệ và bằng khoa học xã hội cũng không được tính.

Ngay cả khi đã có được bằng cấp phù hợp từ trường đại học phù hợp, ứng viên cần phải có thêm ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Họ cũng có thể đạt chuẩn nếu đã có tối thiểu 1.000 giờ lái máy bay phản lực ở vị trí phi công chính. Nhưng việc đạt được đến trình độ đó và tích lũy được ngần ấy thời gian bay cũng khó không kém, nếu không nói là khó hơn cả điều kiện trên.

Ngoài ra, họ phải có quốc tịch Mỹ - một rào cản lớn cho một số người nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Các ứng viên còn cần phải vượt qua cuộc kiểm tra thể lực của NASA để chứng minh họ đủ sức khỏe để thực hiện du hành vũ trụ dài ngày. Một trong số các yêu cầu của cuộc kiểm tra là thị lực cả hai mắt phải đạt 20/20.

Huyết áp cũng cần dưới mức 140/90 khi ở tư thế ngồi. Nếu ứng viên xoay xở vượt qua phần này, thách thức tiếp theo của NASA vẫn có thể làm chùn chân các ứng viên: thực hiện quy trình phỏng vấn cá nhân và kiểm tra y tế liên tục kéo dài suốt một tuần. 

Nếu ứng viên có thể vượt qua tất cả các vòng trên và được NASA lựa chọn thì họ sẽ trở thành ứng cử viên phi hành gia chính thức. Việc tiếp theo họ cần làm là gói ghém hành lý tới Văn phòng Phi hành gia của Trung tâm Vũ trụ Johnson tại thành phố Houston, bang Texas để chịu sự huấn luyện và theo dõi đánh giá trong ít nhất 2 năm.

Đây là nơi mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn thật sự, nhưng ít nhất là NASA sẽ trả lương cho các ứng cử viên phi hành gia. Họ thường được trả từ 53.805 USD/năm tới 117.810 USD/năm trong suốt thời gian tham gia chương trình huấn luyện, tùy vào trình độ kinh nghiệm đầu vào.

Khóa huấn luyện khắc nghiệt

Có lẽ một người bình thường sẽ vẫn có thể đạt giới hạn chiều cao, lấy bằng thạc sĩ, kiếm được một công việc trong ngành này (hoặc lái máy bay phản lực trên 1.000 giờ), vượt qua các cuộc kiểm tra, đánh giá, rồi từ bỏ hoàn toàn cuộc sống cũ để chuyển đến một thành phố mới. Thế nhưng các ứng cử viên phi hành gia của NASA cần phải vượt qua giới hạn cả thể lực và tinh thần nếu muốn chạm đến ngưỡng cửa tiếp theo.

Họ phải hoàn thành khóa huấn luyện sinh tồn dưới nước của quân đội và lấy chứng chỉ lặn để chuẩn bị cho việc đi và đứng trong môi trường không trọng lực. Trong tháng đầu tiên, họ cần phải bơi được 75m không nghỉ, rồi bơi một vòng nữa trong bộ đồ phi hành gia và đôi giày tennis. Bài kiểm tra tiếp theo được thực hiện vẫn với bộ đồ bay: đi bộ dưới nước trong 10 phút. Thêm vào đó, các ứng cử viên sẽ trải qua các khóa huấn luyện về áp lực không khí và vận hành, điều khiển robot.

Một trong các bài kiểm tra độc đáo khác là tiếp xúc vi trọng lực. Học viên sẽ lên một chiếc phi cơ phản lực được điều chỉnh và bay theo quỹ đạo hình parabol - chạm tới một độ cao nhất định rồi lao thẳng xuống mặt đất - nhằm cho người ngồi trong trải nghiệm cảm giác không trọng lực lên tới 20 giây mỗi lần. Máy bay sau đó sẽ bay lên đến độ cao mục tiêu một lần nữa và lặp lại nhiều lần quá trình trên, đôi khi là 40 lần một ngày.

Khóa huấn luyện còn đòi hỏi ở các phi hành gia tương lai một số trải nghiệm bay khác. Những người đã từng làm phi công sẽ lái chiếc máy bay phản lực tập lái T38 khoảng 15 giờ/tháng. Còn những người chưa có kinh nghiệm phải bay ít nhất bốn giờ mỗi tháng. Các học viên cũng sẽ cần học nói tiếng Nga để có thể giao tiếp với các phi hành gia người Nga trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Nếu vượt qua được tất cả các bài kiểm tra sau hai năm huấn luyện và cộng thêm chút may mắn, học viên xếp thứ hạng cao sẽ được hội đồng của NASA lựa chọn làm phi hành gia chính thức cho nhiệm vụ du hành vũ trụ kế tiếp, mà có thể họ sẽ phải chờ đợi hàng năm trời nữa mới được thực hiện.

Phạm Anh
.
.
.